Tin tức - Sự kiện

Mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay - NCS. Đinh Thị Hoàng Phương

  • 17/12/2020
  • Tên đề án: Mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay
    Chuyên ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử
    Mã số: 9.22.90.02
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Đinh Thị Hoàng Phương
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lương Minh Cừ
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    1. Tóm tắt nội dung luận án 
    Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên, có độ cao trung bình từ 800 - 1.000 m so với mặt nước biển với diện tích tự nhiên 9.772,19 km2, với phía Đông giáp các tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận, phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận và phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk. Lâm Đồng hiện có 12 đơn vị hành chính, bao gồm: thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc và 10 huyện (Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Houai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông).  Lâm Đồng là một trong năm tỉnh hợp thành khu vực Tây Nguyên, là nơi cư ngụ và sinh sống của hơn 40 dân tộc. 
    Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc phù hợp với đặc thù của địa phương thông qua chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh xã hội, giữ vững an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số trong tình hình mới và giải quyết ổn định các vụ mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện liên quan đến dân tộc, không để phát sinh điểm nóng để các thế lực thù địch, bọn tội phạm lợi dụng chống phá. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng vẫn còn những hạn chế do nội dung, phương pháp và cả công tác tổ chức thực hiện mối quan hệ giữa các dân tộc còn hạn chế, chưa thực sự trở thành nền tảng, động lực sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng.
    Trên cơ sở lý luận chung về mối quan hệ giữa các dân tộc, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xuất phát mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của tỉnh Lâm Đồng, Quyết định Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 là: “Xây dựng và phát triển vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại. Là trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông và du lịch văn hóa - di sản, danh lam thắng cảnh tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Phát triển hệ thống đô thị - nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, khả thi và phù hợp với xu thế hội nhập;... Quốc phòng, an ninh đảm bảo…” (Thủ tướng Chính phủ, 2018, tr.1); căn cứ từ thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng, tác giả luận án đã đề ra những phương hướng cơ bản nhằm giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng là: 1). Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng. 2).Thực hiện tốt mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Lâm Đồng. 3). Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước trong việc giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng. Từ đó, tác giả luận án đã đề xuất bốn giải pháp chủ yếu để giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng như sau: Một là, nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng; Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng; Ba là, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng; và bốn là, kiện toàn và nâng cao năng lực, phẩm chất của bộ máy và của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng. Việc thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp trên sẽ là đòn bẩy nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
    2. Những kết quả mới của luận án 
    Một là, luận án đã góp phần chỉ ra thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay. 
    Hai là, luận án đã đề xuất, luận giải một số phương hướng và giải pháp nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án 
    Những phương hướng cơ bản có tính định hướng và các giải pháp chủ yếu mà tác giả luận án đề xuất có thể góp phần giúp Đảng bộ, chính quyền và các sở, ban ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng tham khảo trong hoạch định cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng.
    Kết quả nghiên cứu của luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy các lĩnh vực Triết học, Chính trị học, Dân tộc học, Xã hội học,… và cho các nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề dân tộc, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và  mối quan hệ giữa các dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam nói chung, cũng như đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Lâm Đồng nói riêng.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên