Tin tổng hợp

Phát biểu của Giám đốc ĐHQG-HCM nhân kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam

  • 19/11/2015
  • Sáng 19/11, ĐHQG-HCM đã tổ chức Lễ kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và vinh danh 67 nhà giáo của ĐHQG-HCM được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn Giáo sư, Phó giáo sư năm 2014, 2015.

    Tại buổi lễ, PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐHQG-HCM đã có bài phát biểu, chúc mừng quý Thầy Cô giáo nhân ngày 20/11 đồng thời bày tỏ những suy nghĩ, ước vọng của người Thầy đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước.

    Bản tin ĐHQG-HCM trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Giám đốc Phan Thanh Bình đến toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHQG-HCM và quý bạn đọc.

     
    PHÁT BIỂU CỦA GIÁM ĐỐC ĐHQG-HCM 
    NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

     

    PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Ngọc Khanh


                Kính thưa các Thầy, các Cô,           
                Kính thưa các Anh, Chị, 
                
                Ngày tuần tự trôi qua, một năm nữa đã trôi qua và hôm nay chúng ta lại về đây để cùng vui ngày của chúng ta: Ngày Nhà giáo, ngày của những người làm trong ngành giáo dục, những người đưa đò cuộc đời, những người góp phần vào bình minh của đất nước.

                Xin được chúc các Thầy Cô sức khỏe, sáng tạo và hạnh phúc với niềm hạnh phúc nghề giáo của chúng ta.

                Xin chúc mừng Ngày Nhà giáo năm nay, ĐHQG-HCM có thêm nhiều giáo sư, phó giáo sư khi bước vào tuổi 20. 
                
                Kính thưa các Thầy, các Cô,

                Kính thưa các Anh, Chị, 

    1.

                Chúng ta đang ở vào một giai đoạn có rất nhiều biến động của lịch sử loài người; mà đâu phải chỉ có lúc này, hình như lịch sử loài người luôn có những biến động. Và hình như nguồn gốc của những biến động vẫn là ở những gì không cụ thể, trừu tượng và từ cái khả năng tư duy, từ cái đẳng cấp của loài người mà ra.

                Những vấn đề về tôn giáo, chủng tộc, những vấn đề về biên giới và lòng yêu nước. Những vấn đề khu vực và thế giới. Đâu là những gì dễ hiểu, dễ nhìn thấy như mặt trời, như cành lá, như cơn gió, mà là kết tinh của trí tuệ loài người, từ kiến thức loài người và từ văn hóa của con người. 
    Cái văn hóa vốn đẹp, nhưng đôi khi cũng được hiểu nhầm và cũng mang cái bóng tối của xấu xa, hận thù, tham lam.

                Những gì đọng lại sau tất cả những kiến thức, những kinh nghiệm, những nghĩ suy, những thấu hiểu; cái tồn tại lấp lánh, thường là tinh hoa, nhưng cũng có thể là những gì mà một tập thể, một cộng đồng chấp nhận để tạo nên bản sắc, tạo nên sức sống, tạo nên nền nếp của tập thể cộng đồng đó.

                Tôi muốn nói về văn hóa. Có phải chăng mọi việc cuối cùng lại là từ văn hóa và do văn hóa mà ra. Một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách nói và cuối cùng là hành động, cách làm, mà hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng các thầy, cô anh chị trong ngày kỷ niệm 20/11 này.

                Văn hóa từ giáo dục và giáo dục để có văn hóa. 

    2.

                Việt Nam là dân tộc có một nền văn hóa tôn sư trọng đạo.

                Và ngày nhà giáo cũng là một nét văn hóa của xã hội chúng ta, của đất nước chúng ta. Ngày mà mỗi người chúng ta đều xao động với những cảm xúc khó tả, đâu phải chỉ có sinh viên, đâu phải chỉ có những người làm nghề giáo, đâu phải có những người trong ngành giáo dục, mà hầu như mọi người trong xã hội đều có những xao động nhẹ nhàng, dịu dàng và dễ chịu. Những xao động về một thời cắp sách đến trường, về những người thầy, người cô, về bạn bè, trường lớp. Về những kỷ niệm vui buồn, lãng mạn, ngây ngô... Và đó cũng là một nét văn hóa đọng lại cho tâm hồn ta đẹp hơn, cho trái tim ta rộng mở hơn. Những ngày tháng 11, ngày tháng mùa thu của trường lớp này.

                Cái văn hóa khiến cho cuộc sống thật hồng trong ban mai xanh. Cho thế giới này đẹp hơn trong những ý tưởng bay bổng về những giá trị của hòa bình, của phát triển, của hạnh phúc và bình yên.

                Để rồi ta yêu mái nhà của ta có tàng lá xanh, ngôi trường của ta có mái ngói đỏ. Người cha lưng còng, người mẹ tóc bạc. Người thầy cặm cụi cùng bụi phấn, người cô nâng niu dõi theo từng bước trưởng thành của học trò.

                Để ta yêu mặt nước Hồ Gươm xanh ngát, cái mái vòm Văn Miếu trầm tư. Đêm thành phố ngát hương, dòng Sài gòn lấp lánh trong ta. Ta yêu thành phố với ánh đèn đêm xanh đỏ và những giọt mồ hôi đổ ra trên những đoạn đường tìm sống của ngày mai. Ta yêu dãy Trường Sơn gánh nỗi nhọc nhằn của anh, ta yêu biển cả, ta yêu đảo xa, những Hoàng Sa, Trường xa, tảo tần của Chị. Để ta mơ về những chân trời hòa bình, bình yên vời vợi giữa hồn.

                Văn hóa, cho ta bay, cho ta đi và cho ta cảm nhận cái đẹp nhất của một kiếp làm người. Để ta biết về bên cái hiền, cái thiện. Để ta biết yêu thương cái đáng yêu thương, cho ta biết giận dỗi cái dữ, cái xấu xa.

                Cái xấu vốn luôn còn kia trong cuộc sống, trên những toan tính riêng tư, trên những viên đạn hận thù vô vọng. Và cho ta đau với những kiếp người sống trong cõi lạc loài, cho ta vật vã với những giọt máu đang đổ ra vì những lý do mà cái đẹp không thể nào hiểu nổi. Đớn hèn.

                Văn hóa. Cái đẹp. Và cả thế giới đang xây dựng một trái đất ngập tràn hạnh phúc. Cái đẹp văn hóa phải tỏa sáng trên bầu trời và mặt đất của hành tinh này.

                Đó là lý tưởng là ước mơ của chúng ta. 
                Nhưng văn hóa từ đâu đến và tìm đâu để có văn hóa ? 
                Đó là ý tưởng, ước mơ của giáo dục. 
                Chức năng của giáo dục chúng ta.

                Có người nói rằng: “Văn hóa không phải là cái mà chúng ta đã học được, ấy là cái gì còn lại sau khi chúng ta đã quên tất cả những điều đã học: cái còn lại cho ta đó là tư tưởng, là đạo nghĩa, là thị hiếu và quan niệm, nó làm tăng gia và cao nhã cái ý thức của chúng ta về cuộc đời”. Điều này không sai. Nhưng mọi người hãy nhớ rằng để quên thì trước hết phải nhớ. Để có được văn hóa thì trước hết ta phải học. Học để biết đạo lý, học để hiểu cái tri thức, học để thấy, học để nghe. Và học để làm người đúng nghĩa.

                Học để rồi cái sở học đó, cái triết lý đó thấm vào người ta, hòa vào dòng máu nóng trong ta và chảy vào tâm hồn ta. Chuyển hóa thành chính ta. Cái học biến đi, để văn hóa được dần hình thành và tỏa sáng trong ta. Nuôi ta lớn lên, trưởng thành thành con người có tri thức. Thành một công dân trí thức.

                Cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác, cái hoàn thiện và cái méo mó luôn là những cặp phạm trù đứng liền nhau, bổ sung cho nhau và khó có thể xóa được một mặt nào. Có chăng chỉ là làm cho cái thiện lấn cái ác, cái đẹp thu hút cái xấu, cái hoàn thiện lớn dần lên và cái méo mó sẽ nhỏ bé lại. 
    Và để làm cái nhiệm vụ khó khăn đó, làm cái việc của người truyền đạo đó, chính là nhiệm vụ của người thầy giáo chúng ta.

                Đó là việc học. Và đó là nhiêm vụ là chức năng của nghề giáo. Cái mà tất cả chúng ta đều đau đáu nghĩ suy, dốc đến từng giọt máu nóng trong tim mình cho từng lứa học trò được đẹp đẽ trong cuộc sống, cho đất nước xanh tươi và cho văn hóa, cái đẹp được thắng thế trên cõi trần ô trược này. Cho xã hội mãi đẹp.

                Giáo dục vì văn hóa. Vì cái đẹp.

                Cái văn hóa là cái lẽ sống của loài người. Cái loài người cao thượng, hãnh tiến luôn vươn về phía trước. Cái văn hóa là cái đẹp nhưng cũng chính là cuộc sống. Cái cuộc sống của con người đạo lý, biết tôn trọng những quy luật của thiên nhiên và quan hệ con người. Cái con người văn hóa hiểu cái giá trị của ngày hôm qua, cái vất vả của hôm nay và cái ước mơ của ngày mai. Tất cả là những gì mà chúng ta phải nâng niu, gìn giữ và nuôi dưỡng.

                Cái nụ xanh nõn ngay hôm qua sẽ là đóa hoa hồng tươi hôm nay và là trái ngọt của ngày mai, trong cái đẹp của tâm hồn, trong cái trong sáng của con tim và trong sự hiểu biết khiêm cung của trí tuệ.

               

     Cái văn hóa chỉ cho ta hiểu rằng cái đẹp sẽ không tự có, không tự sinh ra, dẫu tự nó đã là đẹp, tự nó đã tồn tại giữa cuộc đời. Cái đẹp có cội nguồn. Và chính cái ngày hôm qua đã quyết định ngày hôm nay và chuẩn bị cho một ngày mai đẹp của những hạt mầm quá khứ.

                Văn hóa nói với ta rằng hãy tôn trọng sự thật và tôn trọng quá khứ.

                Trong tác phẩm làm xao động lòng người - Daghestan của tôi - Nhà thơ Rasul Gamzatov đã trích lời người cao nguyên Abutalib: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”. Một câu nói mộc mạc của người của thảo nguyên của thế kỷ trước, sao lại thấm đẫm văn hóa mà đôi khi mãi đến bây giờ nghe vẫn thấm thía vô cùng.

                Thì ra văn hóa không có tuổi, không là những bài học khô khan của giảng đường, mà mãi xanh tươi cùng cây đời và là những gì đọng lại của cái cuối cùng sự học, sự dạy của các thầy cô của chúng ta.

                Thật đẹp cái nghề dạy học và thật khó cái nghề làm thầy. Nhưng cái ngọt ngào của quả chín văn hóa cuối mùa thu hoạch như lời động viên chúng ta, những thầy cô, những anh chị đã gửi cả cuộc đời, tâm huyết mình vào đấy. Trong cái ngọt ngào kia hẳn có những ngày tận tụy của thầy cô, có những giọt nước mắt và nụ cười của các anh chị. Thì ra, cuộc đời này cũng có mật ngọt chứ đâu chỉ những vật vã, những bon chen, những đố kỵ; cái còn rớt lại khi ánh sáng của giáo dục, của văn hóa chưa soi đến tận những tâm hồn còn chưa khai sáng. Và chúng ta lại xốc lại hành trang, đọc thêm trang sách đẹp, nhìn sâu vào mắt nhau và lại lên đường. Cái nghiệp nhà giáo của chúng ta vẫn còn phía trước.

                Kính thưa các Thầy, các Cô,

                Kính thưa các Anh, Chị, 

    3.

                Quá khứ. Đâu là ngày hôm qua. Mà là ngay trước mắt ta đây và cứ trôi vùn vụt đi. Đôi khi ta muốn vươn tay nắm lại, thì không thấy đâu, nhưng hiện tại thì đã trôi đi rồi. Và quá khứ đã ở về phía bên kia của thời gian hiện tại.

                Tiếc nuối. Cái đẹp. Có những cái đẹp sao ta không thấy. Có những cái đẹp ta chưa kịp nhận ra đã trôi đi rồi.

                Cái đẹp đâu chỉ là đóa hoa, đâu chỉ là những nhan sắc của buổi ban mai đất trời. Cái đẹp của văn hóa, là con người của chúng ta. Trọn vẹn. Ngay bên cạnh ta và ta vẫn tiếp xúc hàng ngày đó thôi. Nhưng khi đi qua rồi ta mới cảm nhận được.

                Như không khí, vẫn ở quanh ta, ta vẫn phải sống nhờ vào không khí sao vẫn không biết cám ơn cái trong xanh quanh mình. Chỉ đến khi ta nhận được rằng ta cần không khí biết bao nhiêu thì hình như ta đã phải nhận những hậu quả rất nặng nề rồi. Có khẩu súng đại bác nào bên cạnh tâm hồn ta, có quả đạn pháo nào rung cả trái tim ta.

                Hôm nay, bây giờ, khi ta ngồi đây nhớ về những kỷ niệm của một thời đi học. Ta nhớ lại những khoảnh khắc đứng trên bục giảng với những ánh mắt trong sáng đang hướng về mình. Ta nhớ đến cái khoảng không gian mênh mông lau sậy những ngày đầu lên đất Linh Trung - Dĩ An này mà giờ đây đã trở thành một vùng đất của ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ. Và ta nhớ đến những người quanh ta. Ngững người Thầy. Những người Cô. Những người Anh, người Chị. Những người bạn. Những đứa em.

                Ta nhớ đến những người đi trước. Cặm cụi gieo mầm cho hạt tương lai đang nẩy xanh ngát vùng đô thị đại học Thành phố Hồ Chí Minh này.

                Kính thưa các Thầy, Cô,

                Kính thưa các Anh, Chị,

                Với tư duy về văn hóa đại học, với tình cảm của những người làm giáo dục, chúng ta bày tỏ lòng kính trọng các thế hệ Thầy Cô đi trước. Những người đã sống bằng cả trọn vẹn ước mơ và sức lực cho sự nghiệp giáo dục, cho ngày hôm qua, để giờ đây ta tự tin nối tiếp những ước mơ bằng những gì rất thực.

                Ta không nắm giữ được quá khứ, nhưng ta đang giữ lại những gì quá khứ để lại.

    Và hôm nay, chúng ta rất vui, có rất nhiều những người Thầy, người Anh trong sự nghiệp giáo dục đại học Việt Nam, những người đặt nền móng cho việc phát triển ĐHQG-HCM đang có mặt ở đây, trong hội trường này và chia sẻ cùng chúng ta những cảm xúc của ngày hội nhà giáo. Đặc biệt tôi xin được nói đến hai Thầy mà tôi tin rằng tất cả chúng ta đều kính trọng:

                Xin chúc mừng và chúc sức khỏe, PGS Trần Chí Đáo và PGS Nguyễn Tấn Phát, hai Giám Đốc của ĐHQG-HCM. Hai người Thầy, hai người Anh đã hướng dẫn, truyền tâm huyết và cảm hứng cho các thế hệ đi sau.

                PGS Trần Chí Đáo, người thầy, nhà quản lý giáo dục đại học, người anh cả của ĐHQG-HCM. Chắc chắn chúng ta sẽ ghi mãi trong lòng hình ảnh người Giám đốc đầu tiên của ĐHQG-HCM, với quyết tâm và sự mạnh mẽ để đặt nền móng ban đầu cho một sự nghiệp lớn của đất nước. Không có những viên gạch đầu tiên mãi mãi sẽ không có những ngôi trường sau này.

                PGS Nguyễn Tấn Phát, với sự điềm tĩnh và bản lĩnh của một nhà giáo, một UV TW trong lĩnh vực giáo dục đã hướng dẫn, đòi hỏi chúng ta luôn vươn lên với những kết quả phấn đấu cụ thể. Sự ổn định và phát triển của ĐHQG-HCM đã được chắp cánh từ những quyết định bình thường mà tất yếu của thầy.

                ĐHQG-HCM xin chân thành cám ơn hai Thầy, hai người Anh. Và sự cám ơn xin được gửi trong cảm xúc của ngày Nhà giáo Việt Nam 2015 này.

                Xin được gửi đến hai thầy Huy hiệu danh dự của ĐHQG-HCM, huy hiệu của tấm lòng, của văn hóa ĐHQG-HCM.

                Kính thưa các Thầy, Cô,

                Kính thưa các Anh, Chị,

                Đâu chỉ là những hạt giống của ngày hôm qua. Đâu chỉ là những cây mầm đã đâm chồi, nẩy tược. Tương lai đang xanh những rừng cây hôm nay. Đội ngũ từ giảng viên đến cán bộ nghiên cứu và quản lý của ĐHQG-HCM đã có nhiều trưởng thành về chất lượng và phát triển về số lượng. Đến nay khi bước vào tuổi 20 thì số lượng cán bộ của ĐHQG-HCM đã tăng lên nhiều lần so với ngày đầu thành lập. Tổng số cán bộ viên chức hiện nay ĐHQG-HCM đã trên 5.600 người, số CBGD và nghiên cứu là 3.413 thầy cô, trong đó có 1.054 tiến sĩ, với 316 GS, PGS.

                Chỉ riêng trong 2 năm 2014 và 2015 có 67 thầy cô ĐHQG-HCM được công nhận chức danh GS, và PGS của ĐHQG-HCM, trong đó có 5 GS. 
    Xin chúc mừng các thầy cô đã được sự công nhận của cộng đồng khoa học cả nước của 2 năm 2014 và 2015.

                ĐHQG-HCM đang phát triển mạnh mẽ về chất và lượng đảm bảo giá trị chuyên môn cho chức năng là trung tâm giáo dục đại học, một trung tâm văn hóa lớn của cả nước.

                Xin chúc mừng ĐHQG-HCM tuổi 20. 

    4.

                Thế là chúng ta đã đi một đoạn đường 20 năm của một ước mơ giáo dục. Ước mơ văn hóa.

                Đối với một con người xã hội, 20 năm là một thời gian dài để học, để tập làm người, để làm người và từng bước cái văn hóa từng người được hình thành.

                Với cuộc đời của một Trường đại học, một trung tâm đại học thì 20 năm chỉ là một cái nháy mắt của thời gian, bao nhiêu ngổn ngang vẫn còn đó, vẫn trĩu nặng trên đôi vai các Thầy Cô, vẫn là những đau đáu đến bạc tóc những đêm dài suy tư của các Anh, Chị. Còn đó cái nợ với đời, đâu là cái nợ áo cơm, mà cái nợ với cái ánh mắt trong veo của các em sinh viên, cái nợ với giáo dục nước nhà, cái nợ với xã hội. Cái nợ với nghề nghiệp của mình, cái nợ với chính ước mơ của chúng ta, những người làm giáo dục.

                Chúng ta nợ những trường đại học như nó phải là, với giá trị khoa học và chất lượng đào tạo như một lời cam kết đóng góp của nó với xã hội, như một động lực để phát triển đất nước. Chúng ta nợ một thành phố khoa học và giáo dục hiện đại, xanh ngát môi trường là nơi những người công dân trí thức có năng lực được hoàn thiện một cách tự nhiên. Chúng ta nợ một cái nôi văn hóa, một trung tâm văn hóa tỏa ra cho đời cái giá trị đẹp đẽ, để cái thiện khẳng định và cái bóng đêm của mùa đông xấu trốn đi theo ánh nắng của ngày mai.

                Cái nợ đó như càng nặng hơn khi ngoài kia cuộc sống vẫn còn nhiều điều nghĩ suy, khi biển đông vẫn cồn cào sóng dữ, khi chúng ta như ngày càng gần hơn với anh em bạn bè quốc tế. Khi hầu như trang mạng ảo đang đi vào cuộc sống thực chúng ta, thay đi những giây phút hiền hòa hạnh phúc bằng những lo âu của mênh mông dữ dội, thế giới của cảm giác và không có tiếp xúc giữa người với người. Và sẽ là những thử thách khi cái biên giới kinh tế vốn đã mờ mịt giờ lại biến mất đi để lại là một khoảng không to lớn của trách nhiệm, của tri thức, của văn hóa.

                Có phải chăng cái nợ đó là cái nợ văn hóa Việt Nam trong một không gian toàn cầu mà giáo dục đang là một tất yếu và một đòi hỏi rất thật. Rất thật và cấp bách. Cái nợ vẫn bên mình. Dẫu chúng ta đang tràn ngập niềm vui trong ngày gặp lại này. Niềm vui để lại lên đường. Quá khứ, hiện tại và tương lai đan xen nhau. Giáo dục và văn hóa đan xen nhau.

                Học để quên. Học để làm. Học để làm người trí thức. Cái nhiệm vụ này khó lắm. Nhưng là những người thầy giáo, chúng ta hiểu rằng đó chỉ là chút thử lòng ta mà thôi. Nếu không có khó khăn, nếu không có thử thách thì xã hội đâu cần đến những người đưa đò cuộc đời. Nếu chỉ là con đường bằng phẳng thì sao chúng ta có cái tự hào của những người đi trước.

                Cái tự hào của người làm nghề giáo dục. Cái tự hào của một thiên chức giáo dục. Cái tự hào khi các lớp sinh viên tuần tự đi vào đời đầy tự tin, có năng lực và rất văn hóa.

                Chúng ta soi vào quá khứ và nhìn thấy cái tương lai văn hóa. Và tin rằng rồi thì chúng ta sẽ góp phần tạo nên cái văn hóa trong những lớp sinh viên của chúng ta, những người công dân trẻ của đất nước. 
    Rồi văn hóa sẽ tạo nên ngày mai, một tương lai cho ĐHQG-HCM, cho Việt Nam. Chắc chắn là thế.

                Với lòng tin của ngày 20/11 với lòng tin vào đạo làm thầy của chúng ta, tôi xin được trở lại với một câu nói của Mahatma Gandhi :

                "Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân.”

                (A nation's culture resides in the hearts and in the soul of its people. Mahatma Gandhi)

                Và chúng ta, nhà giáo hãy gieo mầm văn hóa trong trái tim và tâm hồn thế hệ trẻ.

                Xin chúc các Thầy Cô một Mùa Nhà giáo hạnh phúc.

                Tâm huyết. Sáng tạo. Mạnh khỏe.

                Kính chúc ĐHQG-HCM sớm là một cái nôi của khoa học, tri thức và văn hóa Việt như ước mơ của tất cả chúng ta.

                Xin cám ơn.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên