Sau đại học

Phát triển chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu rau quả tươi Vùng kinh tế trọng điểm phía nam - NCS. Từ Minh Thiện

  • 20/02/2019
  • Tên đề tài luận án: “Phát triển chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu rau quả tươi Vùng kinh tế trọng điểm phía nam”
    Chuyên ngành: Kinh tế học
    Mã số: 62.31.01.01
    Họ tên nghiên cứu sinh: Từ Minh Thiện
    Khóa đào tạo: 2010 đợt 2 (12/2010)
    Người hướng dẫn khoa học:
    1.    GS-TS Hồ Đức Hùng
    2.    TS Trần Văn Đức 
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. TÓM TẮT LUẬN ÁN
    Luận án “Phát triển chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả xuất khẩu rau quả tươi Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam” gồm 163 trang với cấu trúc 5 chương (chương 1 dài 09 trang giới thiệu nghiên cứu, chương 2 dài 50 trang trình bày cở sở lý thuyết  về chuỗi liên kết trong xuất khẩu nông sản, chương 3 dài 17 trang trình bày về phương pháp nghiên cứu, chương 4 dài 77 trang trình bày về kết quả nghiên cứu chuỗi liên kết xuất khẩu rau quả tươi Vùng KTTĐPN, chương 5 dài 10 trang trình bày về kết luận và hàm ý chính sách), 40 bảng biểu và 19 hình cùng 6 phụ lục. Luận án sử dụng một số phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng khác nhau. Các phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng nhằm tìm hiểu bản chất của chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu, quá trình vận động, tương tác giữa các nhóm tác nhân, và giữa chuỗi liên kết và hệ thống chính sách tác động đến nó. Trong giai đoạn thu thập dữ liệu, các kỹ thuật phân tích định tính được áp dụng bao gồm: thống kê mô tả, phỏng vấn chuyên gia (individual depth interview) sử dụng trong chương 4, nghiên cứu tình huống sử dụng trong phân tích về bài học kinh nghiệm của chuỗi liên kết của Thái Lan, Malaysia cũng như phân tích sơ đồ chuỗi liên kết của thanh long xuất khẩu sang EU và quan sát trong chương 4. Đối với nhóm phương pháp định lượng, luận án áp dụng các công cụ điều tra thống kê, phân tích chi phí – lợi nhuận, phân tích giá trị gia tăng cho từng công đoạn và toàn bộ chuỗi liên kết theo kênh sản phẩm xuất khẩu trong chương 4..
    Mục tiêu tổng quát của luận án là xác định tiêu chí đánh giá sự phát triển của chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu, trên cơ sở đó, đo lường và đánh giá thực trạng phát triển của các mô hình chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu vùng KTTĐPN. Từ đó, gợi ý các chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu vùng KTTĐPN nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
    Luận án cũng cụ thể hóa 4 mục tiêu, gồm: (1) Hệ thống hóa các khái niệm chuỗi liên kết, phân loại, điều kiện thực hiện, ưu và nhược điểm của các chuỗi liên kết (2) Mô tả thực trạng chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu Vùng KTTĐPN, (3) Đo lường mức độ ảnh hưởng của các yếu tố nội bộ đến hiệu quả kinh doanh chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu Vùng KTTĐPN, (4) Hàm ý chính sách để phát triển chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu Vùng KTTĐPN
    Luận án nhằm trả lời các câu hỏi nghiên cứu như sau: (1) Bản chất của chuỗi liên kết và những rào cản trong xuất khẩu rau quả tươi của Vùng KTTĐPN là gì? (2) Đặc điểm, bản chất, vai trò và các mối tương quan của các thành phần tham gia chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu như thế nào? (3) Các yếu tố tác động đến sự hình thành và hoạt động của chuỗi liên kết xuất khẩu rau quả tươi Vùng KTTĐPN ra sao? (4) Mức độ ảnh hưởng của các yếu tố nội bộ đến hiệu quả kinh doanh chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu Vùng KTTĐPN như thế nào? (5) Cơ sở khoa học, điều kiện thực hiện và các hàm ý chính sách được đề xuất để phát triển chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu trên Vùng KTTĐPN để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững bao gồm những nội dung gì?
    Đối tượng nghiên cứu: tập trung nghiên cứu chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu vùng KTTĐPN trong mối tương quan với việc nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam.
    Đối tượng khảo sát là các nhân tố thành phần chính trong chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu, bao gồm hộ nông dân/ hợp tác xã/ tổ hợp tác sản xuất – kinh doanh rau quả tươi, công ty sản xuất, người thu mua, vận chuyển, người sơ chế, đóng gói và công ty xuất khẩu, tập trung Vùng kinh tế trọng điểm phía nam bao gồm 8 tỉnh/ thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.
    Luận án đã trình bày và phân tích các khái niệm, vai trò, các nhân tố tác động đến bản chất của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, ba hình thức của chuỗi liên kết; ba nguyên tắc cơ bản của chuỗi liên kết; 5 hoạt động chính trong chuỗi liên kết nông sản; ba tiêu chí đánh giá chuỗi liên kết.
    Luận án đã trình bày và phân tích các lý thuyết kinh tế cũng như các nghiên cứu thực nghiệm trong nước và ngoài nước có liên quan.
    Luận án đã trình bày tổng quan đặc điểm kinh tế - xã hội và đặc điểm chuỗi liên kết rau quả tươi Vùng KTTĐPN; đã phân tích các yếu tố tác động đến các khâu trong chuỗi liên kết. 
    Phân tích các mối quan hệ giữa nông dân và thương lái, giữa thương lái và người bán sỉ tại chợ đầu mối, giữa HTX và nông dân, giữa HTX và công ty trung gian, giữa nông dân và công ty.
    Luận án đã xây dựng qui trình nghiên cứu, xác định 4 nhóm yếu tố nội bộ tác động đến hiệu quả kinh doanh chuỗi liên kết và dựa trên kết quả phân tích hồi quy ban đầu đã xây dựng mô hình kinh tế lượng có dạng như sau:
    ln_LNi = 1,7462  - 0,0255 TDi + 0,0013 TD_HVi + 0,0383 KNi + 0,2382 ln_ LDi + 0,2178 ln_ DT_CTi + 0,0533 ln_Vi    - 0,0031 TL_UDi - 1,5178 PT_THi + 0,0024 TL_TCi + 0,0133 KN_CDi  - 0,0005 TGDUi + -0,0005 ln_ DTi + 0,0150 TL_RQXKi  - 0,6655 HTLi + εi
    với biến phụ thuộc là Lợi nhuận sản xuất. Các biến độc lập gồm: Tuổi đời ; Trình độ học vấn; Kinh nghiệm sản xuất; Qui mô lao động; Diện tích đất canh tác; Vốn đầu tư cho sản xuất; Tỷ lệ vốn vay ưu đãi trên tổng vốn; Phương thức thu hoạch sản phẩm; Tỷ lệ diện tích đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt; Khả năng chủ động nguyên liệu cung cấp cho đơn hàng xuất khẩu; Thời gian trung bình đáp ứng đơn đặt hàng; Doanh thu hàng năm; Tỷ lệ rau, quả tươi xuất khẩu/toàn bộ nông sản; Trả lại hàng xuất khẩu do không đạt yêu cầu 
    Tác giả cũng đã sử dụng kiểm định khác biệt nhóm và đưa ra các nhận định trong các mối quan hệ giữa tuổi và diện tích canh tác, giữa tỷ lệ đất đạt tiêu chuẩn và lợi nhuận, giữa qui mô lao động và diện tích canh tác, giữa qui mô lao động và lợi nhuận, giữa hình thức cơ sở sản xuất và diện tích canh tác, giữa cơ sở sản xuất và doanh thu, giữa cơ sở sản xuất và lợi nhuận.
    Kết quả ước lượng mô hình sau khi hiệu chỉnh cho thấy các nhân tố ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến Lợi nhuận trước thuế (LN) bao gồm 4 nhóm: (i) Đặc điểm chủ hộ/doanh nghiệp/hợp tác xã  (Tuổi đời của chủ hộ/DN sản xuất, kinh doanh; Kinh nghiệm sản xuất) (ii) Đặc điểm đầu vào (Qui mô lao động, Diện tích đất canh tác, Tỷ lệ vốn vay ưu đãi trên tổng vốn); (iii) Đặc điểm sản xuất (Khả năng chủ động nguyên liệu cung cấp cho đơn hàng xuất khẩu) và (iv) Đặc điểm đầu ra (Doanh thu hàng năm, Tỷ lệ rau, quả tươi xuất khẩu/toàn bộ nông sản). 
    Dựa trên các phân tích ở chương 3 và 4, tác giả đã đề xuất các hàm ý chính sách, bao gồm: (1) Tạo điều kiện thuận lợi hóa xuất khẩu đối với sản phẩm rau quả tươi, (2) Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bảo quản, sơ chế sau thu hoạch đối với rau quả tươi xuất khẩu, (3) Thúc đẩy ứng dụng ICT  vào chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu, (4) Khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển hình thức Công ty cổ phần nông nghiệp và các HTX, (5) Xây dựng chiến lược “xác định rõ thị trường tập trung và sản phẩm chủ lực”, (6) Tăng cường khả năng huy động vốn đầu tư vào chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu. 
    2. NHỮNG KẾT QUẢ MỚI CỦA LUẬN ÁN:
    (1)    Nghiên cứu chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu trên qui mô Vùng. Qua đó, tìm hiểu sâu về bản chất của chuỗi liên kết, thấy rõ những rào cản trong xuất khẩu rau quả tươi, 
    (2)    Xây dựng mô hình thực nghiệm về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chuỗi liên kết rau quả tươi Vùng KTTĐPN. Đo lường được mức độ ảnh hưởng của các yếu tố nội bộ đến hiệu quả kinh doanh của các chủ thể thông qua chỉ tiêu lợi nhuận. 
    (3)    Xác định các mối tương quan trong chuỗi, ảnh hưởng tác động của các yếu tố đối với hiệu quả chuỗi liên kết rau quả tươi xuất khẩu của Vùng KTTĐPN
    3. CÁC ỨNG DỤNG/ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG TRONG THỰC TIỄN HAY NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN BỎ NGỎ CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
    -    Các chính sách được đề xuất mang tính thực tiễn cao dựa vào việc phân tích tình hình thực tế có đối chiếu với các lý thuyết và kinh nghiệm của các nước. 
    -    Vấn đề cần bổ sung nghiên cứu, đó là tập quán kinh doanh của doanh nhân Việt Nam nói chung cũng như doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên