Tin tức - Sự kiện

Văn hóa giáo dục của trường Phổ thông quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh - NCS. Nguyễn Thị Thanh Huyền

  • 24/06/2020
  • Tên luận án: Văn hóa giáo dục của trường Phổ thông quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
    Ngành: Văn hóa học                                
    Mã số: 9229040
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thanh Huyền
    Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Trần Hữu Tá - TS. Bùi Khởi Giang
    Tên cơ sở đào tạo: ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh    
    1. TÓM TẮT NỘI DUNG LUẬN ÁN 
    Chọn Văn hóa giáo dục của trường PTQT để nghiên cứu, chúng tôi đối diện với vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận (khi các khái niệm trên bị lạm dụng khá tùy tiện, bức tranh về giáo dục ngoài công lập còn “nửa mờ, nửa tỏ”) vừa thực tiễn (là đối tượng tham chiếu để giáo dục Việt Nam định hướng trong tiến trình hội nhập thế giới), mang đậm tính thời sự (đặc biệt khi nhiều sự việc xảy ra ở những ngày đầu năm học 2019 – 2020 ở các trường “quốc tế tự xưng” thu hút sự chú ý của dư luận). Do vậy, đề tài ẩn chứa nhiều thú vị nhưng cũng đầy thử thách. Sử dụng phương pháp hệ thống – cấu trúc, phương pháp so sánh, phương pháp điều tra định lượng và định tính, luận án đặt trọng tâm nghiên cứu vào hai nhiệm vụ: xác định đặc điểm của văn hóa giáo dục các trường PTQT và rút ra những giá trị áp dụng thúc đẩy văn hóa giáo dục cho trường Việt Nam. 
    Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Luận án có 4 chương:
    Chương một Những vấn đề Lý luận và thực tiễn xem xét các khái niệm chính, liên quan trực tiếp đến đề tài (văn hóa giáo dục, trường PTQT) cùng các khái niệm có liên quan (toàn cầu hóa, công dân toàn cầu, giáo dục quốc tế); cơ sở thực tiễn (không gian, thời gian, chủ thể, chính sách liên quan) của trường PTQT tại Tp. HCM. 
    Chương hai Văn hóa giáo dục của trường PTQT nhìn từ bình diện nhận thức phân tích đặc điểm văn hóa giáo dục của trường PTQT trong nhận thức về hai mối quan hệ: nhận thức về chính mình trong mối liên hệ với các vấn đề toàn cầu, nhận thức về cá nhân trong sự tích hợp vào tập thể (quan hệ đồng đẳng); nhận thức về vai trò của giáo viên trong quan hệ với học sinh, nhận thức về sự phân phối quyền lực của giáo viên và học sinh (quan hệ tôn ti).
    Chương ba Văn hóa giáo dục của trường PTQT nhìn từ bình diện tổ chức và ứng xử phân tích đặc điểm văn hóa giáo dục của trường PTQT từ tổ chức và ứng xử trong hai mối quan hệ đồng đẳng và tôn ti: tổ chức không gian (qua biểu tượng bục giảng, bàn học, lớp; qua tổ chức trang trí lớp và sắp xếp bàn ghế…) và hoạt động (hoạt động giáo dục trong giờ chính khóa và hoạt động giáo dục ngoài chính khóa); ứng xử trong quan hệ thầy - trò và ứng xử trong quan hệ học sinh với nhau.
    Chương bốn Văn hóa giáo dục trường PTQT tại Tp. HCM và văn hóa giáo dục Việt Nam phân tích những vấn đề (sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, mối quan hệ giữa bản sắc và toàn cầu) của trường PTQT với tư cách là bộ phận của giáo dục Việt Nam. Đồng thời, vận dụng những đặc điểm của văn hóa giáo dục trường PTQT đã phân tích ở chương 2, chương 3, luận án đề xuất những cách thức xây dựng, thúc đẩy văn hóa giáo dục quốc tế cho trường Việt Nam.
    2. NHỮNG KẾT QUẢ CỦA LUẬN ÁN
    2.1. Về phương diện lý luận
    (1) Cung cấp thông tin tổng hợp về lý luận văn hóa giáo dục của trường PTQT dưới góc nhìn văn hóa học, những thành tựu liên quan đến lý luận toàn diện về văn hóa giáo dục của nước ngoài, góp phần vào lý luận văn hóa học.
    (2) Phân tích và lý giải được quá trình hình thành những giá trị cốt lõi của văn hóa giáo dục trong nhận thức, tổ chức và ứng xử của trường PTQT tại Việt Nam thời đại toàn cầu hóa.
    2.2. Trên phương diện thực tiễn
    (3) Bổ sung tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu - giảng dạy văn hóa nhà trường và quản lý trường phổ thông.
    (4) Kết quả của luận án sẽ được áp dụng vào việc xây dựng văn hóa giáo dục của các trường phổ thông trong hệ thống giáo dục của Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng (34 trường tính đến thời điểm tháng 01/2020). 
    3. Hướng nghiên cứu tiếp theo
    Từ các góc tiếp cận khác nhau, tin rằng có nhiều hướng để phát triển luận án sâu hơn, tìm hiểu vấn đề thấu đáo hơn, nhiều chiều hơn về văn hóa giáo dục của trường PTQT.
    Từ góc nhìn liên ngành văn hóa và giáo dục, có thể xét đến ảnh hưởng của văn hóa đến giáo dục, của mối quan hệ giữa các bình diện của văn hóa giáo dục đến phương pháp và kỹ thuật dạy học…, xác định phương pháp sư phạm phù hợp (cấu trúc hay tự định hướng) cho học sinh đến từ các nền văn hóa khác nhau. 
    Từ đối tượng và phạm vi khảo sát, có thể mở rộng đến các trường PTQT trong quan hệ với nước sở tại ở các nước khác, châu lục khác; từ đó so sánh, đối chiếu, phân tích và khái quát thành quy luật ảnh hưởng của văn hóa dân tộc đến văn hóa giáo dục trong trường PTQT, nhằm hình thành một hệ giá trị lý tưởng cho văn hóa giáo dục toàn cầu… Thực tế, chúng tôi mới chỉ tiếp cận trường PTQT trong quan hệ so sánh với các trường khác – lát cắt đồng đại. Nếu so sánh trường PTQT với chính bản thân nó theo chiều hướng phát triển và biến đổi – lát cắt lịch đại sẽ rút ra những kết luận có ý nghĩa.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên