Tin tổng hợp

TS Lê Thị Thanh Mai: Luôn hết lòng với sinh viên và thế hệ trẻ

  • 20/11/2020
  • “Ơi nhỏ, cô vừa đọc bài viết của em. Xúc động lắm, cố gắng phát huy nha.”, “Em đừng sợ, kỹ năng mềm không phải do bẩm sinh mà do rèn luyện mà thành, nên nếu thấy phù hợp thì em cứ mạnh dạn đăng ký nguyện vọng nha”… Lúc nào cũng vậy, dù luôn trong guồng quay của công việc, TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Ban Công tác Sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) vẫn luôn dành thời gian động viên, khích lệ đồng nghiệp trẻ và các em học sinh, sinh viên bằng những lời nhắn nhủ chân tình và gần gũi như thế.

    Hơn 25 năm gắn bó với ĐHQG-HCM, với ngành Giáo dục, đặc biệt là 5 năm gần đây, TS Thanh Mai đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác quản lý, tư vấn hướng nghiệp, giáo dục chính trị tư tưởng, phát triển đội ngũ… Với những đóng góp đó, cô là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 được ĐHQG-HCM tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước vào sáng 20/11.  

    Tiến sĩ năm 29 tuổi, Thủ khoa đầu ra sau đại học

    TS Lê Thị Thanh Mai sinh năm 1967, tốt nghiệp Thủ khoa và lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành Hóa Sinh khi chỉ mới 29 tuổi. Từ năm 1995, cô đã về làm việc cho ĐHQG-HCM trong vị trí thư ký tổng hợp, rồi chuyên viên Ban Đào tạo, Phó Ban Đại học và Sau Đại học và Trưởng Ban Công tác sinh viên.

    Dù ở vị trí nào, TS Thanh Mai cũng luôn quan tâm đặc biệt đến học sinh, sinh viên. Cô dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động của sinh viên như Hội thao Sinh viên ĐHQG-HCM, Lễ khai khóa… Cô là một trong những người có nhiều sáng kiến trong việc tổ chức Lễ khai khóa thành một chương trình mang đặc trưng của ĐHQG-HCM.

    Với vai trò Trưởng ban Công tác Sinh viên, TS Lê Thị Thanh Mai luôn chăm lo việc phát triển đội ngũ làm công tác tư vấn và Đoàn - Hội Sinh viên. Cô đề xuất việc chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị cho cán bộ làm công tác sinh viên, xây dựng và duy trì thường niên chương trình tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác tư tưởng chính trị cho sinh viên trong toàn hệ thống với nhiều chủ đề mới mẻ, chuyên sâu, thiết thực.

    Là người có hơn 8 năm làm việc cùng TS Thanh Mai, TS Đỗ Văn Biên - Quyền Giám đốc Nhà Xuất bản ĐHQG-HCM nhận xét: “Chị Mai là một người rất mạnh mẽ và nhiều nhiệt huyết. Từ khi về đảm nhiệm công việc ở Ban, chị luôn mang lại cho các chương trình sự trẻ trung, gần gũi. Như khi tổ chức Hội thao sinh viên, chị đem vào đó đội cổ động, đội biểu diễn võ thuật và chú ý đến vai trò của các cổ động viên nên sân chơi này ngày càng đầy màu sắc và sôi động”.

    TS Nguyễn Đức Nghĩa - Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, lãnh đạo trực tiếp của TS Thanh Mai nhiều năm liền, cho biết: “Khi tôi về làm Phó trưởng ban rồi sau đó là Trưởng ban Đào tạo, chị Mai là chuyên viên của Ban. Cũng thời gian này chị Mai bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ sinh học, đến giờ vẫn là trường hợp rất hiếm mà một chuyên viên làm được trong quá trình làm việc”.

    “Mong nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của tân sinh viên”

    Khoảng thời gian đầu hoạt động tư vấn tuyển sinh ĐHQG-HCM chỉ mới đồng hành cùng một số Báo, lúc này trong vai trò đào tạo, TS Thanh Mai thường được phân vai tư vấn về ngành nghề, chương trình đào tạo. Nhờ được học bài bản về nghề nghiệp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, cùng với đam mê và khả năng nhạy cảm với các con số nên cô được phân thêm vai “gỡ rối ngành nghề”. TS Thanh Mai cho biết: “Đối tượng phải “gỡ rối” này hầu hết là những ca khó. Mình chỉ biết cố gắng thay đổi, áp dụng nhiều phương pháp, tạo ra những công cụ kết hợp khả năng quan sát, nắm bắt tâm lý qua gương mặt. Sau đó, mình rất vui khi nhận được email hoặc thư của các em học sinh thông báo đã trúng tuyển và tự tin chọn ngành phù hợp”.

    Hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh là một công tác đòi hỏi người tư vấn nắm chắc số liệu, hiểu được tâm lý lứa tuổi và đặc biệt là phải giao tiếp, có sức khỏe tốt vì phải tiếp xúc với nhiều người và đi lại nhiều nơi, điều này đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều hiểm nguy dọc đường. Vậy mà, cứ đến mùa tuyển sinh, TS Thanh Mai lại cùng các đồng nghiệp vác ba lô đến với các em học sinh THPT, tích cực “đưa trường học đến với học sinh”. Cô chia sẻ: “ Làm công tác này, cần nhất là thông tin, từ đó xử lý ra những đáp số cho hướng nghiệp, cho bài viết để học sinh, phụ huynh dễ tiếp cận… Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là thông tin. Nhưng may là mình may mắn luôn có đội ngũ săn lùng thông tin song hành”.

    Vì tâm huyết với mảng này, TS Lê Thị Thanh Mai đã xây dựng và phát triển những sản phẩm định hướng cho thế hệ trẻ. Cô chủ trì nghiên cứu, thiết kế, vận hành Công cụ hướng nghiệp offline: Career365, được sử dụng rộng rãi từ năm 2015 đến nay; đồng thời biên soạn Sổ tay Định hướng nghề nghiệp (năm 2019), Bộ công cụ trắc nghiệm hướng nghiệp, và xuất bản 5 tập sách về hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THPT.

    Với những việc đã làm, trên hết, điều mong muốn nhất của người giảng viên, cán bộ quản lý quê Đồng Tháp này là những nụ cười hạnh phúc của tân sinh viên. “Mình mong không có những sinh viên phải bỏ dỡ giữa chừng vì chọn sai ngành. Mình mong học sinh có cơ sở vững chắc trong định hướng tương lai. Bởi lẽ, lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp, ngoài việc hạnh phúc trong quá trình làm sinh viên, các em còn tránh được nguy cơ bị những phần tử xấu lôi kéo.Và từ trong sâu thẳm, mình mong ĐHQG-HCM nói chung và các trường đại học nói riêng tuyển được những em thật sự đam mê và phù hợp với ngành nghề chứ không phải tuyển những em điểm số cao” - TS Mai nói. 

    Lê Thị Kiều My - Sinh viên ngành Du lịch,Trường ĐH KHXH&NV kể: “Năm lớp 12, em không dám chọn vào ngành Du lịch vì nghĩ là mình không đủ giỏi, không đủ đẹp lại không giao tiếp tốt, đặc biệt về khả năng ngoại ngữ. Nhưng nhờ cô động viên và cho biết các kỹ năng mềm không phải bẩm sinh mà là do tập luyện nên em quyết tâm học ngành này luôn”. “Ở lứa tuổi mà bất cứ câu nói nào cũng có thể khiến mình từ bỏ ước mơ hoặc là động lực để tiến về phía trước thì em thấy mình rất may mắn đã được trò chuyện với cô lúc đó”- Kiều My xúc động nói.

    Còn Đặng Văn Ni - Sinh viên Phân hiệu ĐHQG-HCM nói: “Cô Mai đã đồng hành, giúp đỡ em từ khi bắt đầu viết nguyện vọng đến khi vào đại học như bây giờ. Cô rất thân thiện và giản dị vô cùng, cũng chính cô là người truyền cho em hứng thú trong công tác tư vấn tuyển sinh và hiện em cũng hỗ trợ công tác này của Phân hiệu”.

    Theo TS Thanh Mai, công tác tư vấn hướng nghiệp đòi hỏi rất nhiều điều. Thứ nhất, phải “trẻ” trong suy nghĩ, hành động. Thứ hai, tâm phải “sáng”. Thứ ba, phải “tiên phong, năng động và sáng tạo”. Thứ tư, phải khiêm tốn để không ngừng học tập, hoàn thiện bản thân. Thứ năm, phải có kỹ năng nắm bắt tâm lý, phân tích dữ liệu và dự báo về xu hướng của sinh viên. “Cho đến nay, người làm công tác sinh viên vẫn chưa có trường lớp đào tạo bài bản cho nên để đi dài trong công tác này kỹ năng và kiến thức thường xuyên tự tích lũy, trau dồi là nền tảng và một tinh thần không chùn bước trước khó khăn, thất bại là rất quan trọng” - Cô trăn trở.

    Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, TS Lê Thị Thanh Mai cũng là rất tích cực tham gia hoạt động thể dục thể thao, công tác xã hội. Cô và nhiều cộng sự tổ chức hơn 100 chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa; vận động tài trợ xây dựng gần 200km đường nông thôn trong chương trình Mùa hè xanh tại hai tỉnh Trà Vinh và Đồng Tháp với tổng trị giá 150 triệu đồng.

    Với những cống hiến đó, TS Lê Thị Thanh Mai đã nhận được nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng: Huân chương Lao động hạng III (năm 2012), Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM, Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS HCM (năm 2011), Huy hiệu TP.HCM (năm 2015), Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (năm 2017), Bằng khen của Giám đốc ĐHQG-HCM (năm 2016, 2019), Chiến sĩ thi đua cấp ĐHQG-HCM (năm 2014, 2017, 2018), Chiến sĩ thi đua cấp Bộ (năm 2015)…

    Một trong những chuyên gia đầu tiên kết hợp giữa tư vấn tuyển sinh với hướng nghiệp cho học sinh

    Chị Lê Thị Thanh Mai thuộc nhóm người đầu tiên về làm việc ở Ban Dự án ĐHQG-HCM với nhiệm vụ thư ký. Dự án do thầy Trương Minh Vệ, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM làm trưởng ban, trước khi ĐHQG-HCM có quyết định thành lập. Có thể nói, mô hình Đại học Quốc gia còn rất mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã dần hình thành trong thực tế từ Ban Dự án này. Đến năm 1995, ĐHQG-HCM chính thức hoạt động sau khi có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ. Trưởng thành từ chuyên viên đa năng, khi tôi về làm Phó trưởng ban rồi sau đó là Trưởng ban Đào tạo, chị Mai là chuyên viên của Ban Đào tạo. Cũng thời gian này chị Mai cũng bảo vệ được luận án tiến sĩ sinh học, đến giờ vẫn là trường hợp rất hiếm mà một chuyên viên làm được trong quá trình làm việc. Tuyển sinh của các trường đại học thay đổi rất nhiều trong giai đoạn 1999-2002, từ tuyển sinh riêng của các trường đến tuyển sinh ba chung, từ thi tự luận chuyển sang thi trắc nghiệm, chị Mai đã thành một chuyên gia tư vấn tuyển sinh. Và hơn thế nữa, sau khi dự khoá tập huấn về hướng nghiệp ở nước ngoài, chị Mai cũng là một trong những chuyên gia đầu tiên kết hợp giữa tư vấn tuyển sinh với hướng nghiệp cho học sinh.

    Với quá trình phát triển năng lực quản lý, chị Mai được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Đào tạo. Sau đó, với vai trò Trưởng ban Công tác sinh viên, chị Mai vẫn là người đa năng khi luôn tạo được các sinh hoạt, phong trào công tác sinh viên rộng khắp trong các trường thành viên ĐHQG-HCM. Cũng thật thú vị khi chị Mai cũng là vận động viên không chuyên môn cầu lông, đạt nhiều giải thưởng thi đấu cấp ĐHQG-HCM và cấp ngành. Chị Mai đã gắn bó và cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho ĐHQG-HCM.

    TS Nguyễn Đức Nghĩa - Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM

    MINH CHÂU

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên