Hoạt động xã hội

Cùng dìu nhau qua mùa đại dịch

  • 16/07/2020
  • Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, học tập của sinh viên. Tuy nhiên, nhờ nhiệt huyết tuổi trẻ, sự năng động, sáng tạo, sinh viên ĐHQG-HCM đã lựa chọn cách sống tích cực dắt dìu nhau qua mùa dịch, sẵn sàng bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

    Sinh viên hỗ trợ dọn dẹp khu cách ly. Ảnh: Tư liệu

    Đó chính là nét riêng và bản lĩnh của sinh viên ở một đại học lớn, có nhiều ước mơ và khát vọng.

    Vun đắp tình cảm gia đình

    Đối với nhiều sinh viên, đợt nghỉ dịch vừa qua là khoảng thời gian được ở cạnh gia đình lâu nhất. Nó trở thành cơ hội để sinh viên chăm sóc, bồi dưỡng bản thân, vun đắp tình cảm với bạn bè và gắn kết hơn với người thân trong gia đình. 

    Nguyễn Trang Minh - Khoa BC&TT, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, tâm sự: “Từ trước đến nay, mình cảm thấy bản thân chưa thực sự quan tâm, chăm sóc gia đình một cách đúng mực. Vì vậy, trong thời gian được nghỉ dịch, mình phụ giúp cha mẹ nhiều hơn để họ đỡ phần nào vất vả. Mình có nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống khi ở xa gia đình với cha mẹ khiến họ an tâm về mình hơn. Nhờ ở nhà nhiều, mình mới thấu hiểu được nỗi lo toan của cha mẹ khi nuôi mình ăn học”. 

    Với Bùi Hoàng Quân - Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM, thời gian này không chỉ dành để vun đắp tình cảm với gia đình mà còn là cơ hội để khám phá khu phố nơi ghi dấu sự trưởng thành của mình. “Lúc trước, mình không nhận ra nơi mình ở lại có nhiều cảnh đẹp đến thế. Nhờ kỳ nghỉ kéo dài, mình có cơ hội đặt chân đến những cung đường bình yên. Mình thêm yêu thành phố Bảo Lộc nhỏ bé nơi mình sinh ra và lớn lên, biết trân trọng những người bạn đồng hành vì họ là chất xúc tác tích cực để mình có thể hoàn thiện bản thân” - Hoàng Quân chia sẻ.

    Thay đổi lối sống để trở nên tích cực hơn trong thời gian khủng hoảng do đại dịch đã giúp các bạn sinh viên vượt qua “kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử”. Những trải nghiệm trong thời gian này là hành trang bổ ích, giúp các bạn vượt qua những khó khăn trên chặng đường phía trước. 

    Môi trường online năng động

    Để đảm bảo tiến độ chương trình đào tạo, hầu hết các trường thành viên ĐHQG-HCM đều triển khai việc học online. Tuy nhiên, khi làm quen với các ứng dụng Classroom, Google Meet… sinh viên có nhiều ý kiến trái chiều.

    Trần Văn Thành - Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, thở dài: “Mình và nhiều bạn khác phải học lại từ đầu khi đi học chính thức trở lại”. Theo Thành, do đặc thù của ngành học, các bạn đã quen với cách học truyền thống.

    Còn Nguyễn Duy Mẫn - Khoa Khoa học và Kỹ thuật thông tin, Trường ĐH CNTT ĐHQG-HCM, hào hứng chia sẻ về “mẹo” học online của mình: “Mình có thể ghi màn hình buổi học online, chỗ nào chưa hiểu mình có thể xem lại nhiều lần. Đây là một ưu điểm mà mình đánh giá rất cao của việc học online”. Duy Mẫn còn vui mừng vì nhờ áp dụng hình thức học online, trường đã giảm 7% học phí để hỗ trợ sinh viên. 

    Không chỉ việc học, nhiều khoa còn chủ động chuyển các hoạt động sang môi trường online, hình thức mới lạ này gây sự chú ý và thích thú của sinh viên.

    Trương Nhất - Khoa Khoa học Máy tính, Trường ĐH CNTT ĐHQG-HCM, cho biết: “Khoa mình có tổ chức cuộc thi giải code online, người tham gia sẽ được cộng điểm rèn luyện, ai đạt thành tích tốt sẽ được nhận giải thưởng. Theo mình, đề thi không quá khó, mục đích của cuộc thi chủ yếu giúp các bạn ôn tập kiến thức”.

    Trần Hồng Thắm - Khoa BC&TT, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, chia sẻ về quá trình xây dựng các cuộc thi online: “Do dịch nên ban tổ chức phải bàn bạc với nhau qua các ứng dụng trực tuyến. Mặc dù có rất nhiều ý tưởng hay và sáng tạo được đưa ra nhưng vì các bạn truyền đạt chưa đầy đủ, thời gian lại gấp rút nên tụi mình đành phải bỏ qua và chọn phương án an toàn nhất sao cho cuộc thi diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp”.

    Các cuộc thi được tổ chức online giúp sinh viên tận dụng thời gian rảnh của mình để ôn tập và bổ sung kiến thức. Hơn thế nữa, các bạn còn có cơ hội trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm. 

    Giờ học thực hành của sinh viên Trường ĐH Bách Khoa. Ảnh: HCMUT

    San sẻ đẩy lùi dịch bệnh

    Vào giữa tháng 3, Trung tâm Quản lý Ký túc xá được trưng dụng làm khu cách ly, khiến nhiều sinh viên lo lắng.

    Nhớ lại khoảng thời gian đó, Trang Minh cho biết: “Ban Quản lý đưa ra thông báo đột ngột khiến mình gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nơi ở mới. Tuy nhiên, mình cũng rất hiểu và thông cảm. Mình gọi điện để thuê xe vận chuyển nhưng bị nhiều người từ chối. May mắn cho mình, chú Minh ‘hiệp sĩ của sinh viên’ đã đứng ra giúp đỡ, chở đồ đạc sang nơi ở mới cho mình hoàn toàn miễn phí”. 

    Nhờ công tác bảo quản đồ đạc kỹ lưỡng, khoa học nên sinh viên rất an lòng hơn khi quay trở lại ký túc xá. Duy Mẫn vui vẻ cho biết: “Mình hài lòng khi nhìn thấy mọi thứ trong phòng được vệ sinh sạch sẽ. Tụi mình chỉ việc phân chia nhau dọn dẹp, sắp xếp vật dụng cá nhân là có thể bắt đầu cuộc sống bình thường trở lại rồi. Phòng mình còn được ‘khuyến mãi’ thêm cái thau và chổi lau nhà của người cách ly”.

    Những sinh viên ở trọ bên ngoài cũng may mắn nhận được sự sẻ chia từ các chủ nhà trọ. Trương Nhất hào hứng kể về người chủ trọ của mình: “Tháng 3, chủ nhà giảm cho mỗi người 500 ngàn đồng và đặc biệt là miễn 100% tiền nhà trong tháng 4. Từ tháng 5 tụi mình mới phải đóng tiền lại như trước đây”.

    Mỗi sinh viên đều có riêng cho mình những kỷ niệm và trải nghiệm trong mùa dịch COVID-19. Trở lại trường học sau một kỳ nghỉ dài, sinh viên đã có đủ thời gian để tái tạo năng lượng cho bản thân, sẵn sàng cho học kỳ mới đầy niềm vui và cả thử thách.

    HOÀI THƯƠNG - NHƯ QUỲNH (Bản tin ĐHQG-HCM số 200)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên