Tin tổng hợp

Tọa đàm về “Giáo dục đạo đức cho sinh viên”

  • 27/07/2016
  • Sáng 27/7, ĐHQG-HCM đã tổ chức buổi tọa đàm về “Giáo dục đạo đức cho sinh viên” tại Phòng 512 Nhà Điều hành ĐHQG-HCM. Buổi tọa đàm có sự tham gia của Viện Nghiên cứu Đạo đức Nhật Bản (Viện NCĐĐ NB), Trung tâm Nghiên cứu Đạo đức Trường ĐH KHXH&NV cùng các cán bộ, viên chức phụ trách công tác sinh viên của các trường đại học trong và ngoài ĐHQG-HCM.

        “Cơ sở hình thành đạo đức truyền thống và thực trạng đạo đức của người Việt Nam giai đoạn hiện nay” và “Giáo dục và thực hành giáo dục đạo đức trong hệ thống đại học Nhật Bản” là 2 báo cáo chính tại buổi tọa đàm.

        Giáo sư Ota Masakatsu, GS danh dự ĐH Giáo dục Joetsu, Giảng viên Viện NCĐĐ NB cho biết: “Ở Nhật Bản, giáo dục đạo đức được công bố trong pháp lệnh. Các giáo trình và sách được biên soạn phục vụ giảng dạy từ bậc tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Trong đó, các nội dung được chia thành 4 mảng lớn: Hiểu về bản thân; Bản thân và mối quan hệ với những người xung quanh; Bản thân với tự nhiên và siêu nhiên; và Bản thân với đoàn thể, xã hội. Các nội dung này được lặp đi lặp lại và mở rộng theo từng cấp học”. 

        Ông Sadakata Masahiko, Phó Trưởng khối Joshinetsu, Viện NCĐĐ NB chia sẻ: “Khi chúng tôi dạy cho sinh viên chuyên đề về hạnh phúc thì bài đầu tiên chúng tôi dạy rằng ‘Chỉ mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân thì đó không phải là hạnh phúc thực sự’. Hạnh phúc phải là cách sống có lợi cho bản thân, cho người khác và cho xã hội”.

        Các đại biểu cho rằng cách giáo dục đạo đức của người Nhật như đề cao vai trò của giáo dục trong gia đình và dạy con người sống thành thật, khiêm nhường là gần gũi với cách giáo dục của Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu cũng thể hiện sự quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức trong sinh viên Việt Nam khi lý thuyết và thực tiễn xã hội có sự chênh lệch đáng kể và làm sao giúp sinh viên trở thành những con người có đạo đức tốt.

        Ông Sadakata Masahiko nói: “Trong các bài giảng, chúng tôi kể cho sinh viên về những anh hùng, những vĩ nhân với những câu chuyện cảm động và quá trình vượt khó của họ. Chúng tôi cũng dạy về mối quan hệ nhân quả, và tự sinh viên sẽ biết nên phải hành động như thế nào”. Phó Trưởng khối Joshinetsu nói thêm: “Giáo dục đạo đức là bao gồm cả học tập và thực hành. Khi sinh viên hiểu đúng rồi thì cần phải tìm mọi cơ hội để sinh viên thực hành đi thực hành lại nhiều lần, vì hiểu rồi không có nghĩa là làm được ngay mà cần phải rèn luyện”.

        TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên ĐHQG-HCM cho biết buổi tọa đàm là một trong những hoạt động nhằm triển khai đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Qua buổi tọa đàm này, ĐHQG-HCM mong muốn các cấp lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác sinh viên của các đơn vị có thêm phương pháp tiếp cận về đạo đức qua thực tiễn và kinh nghiệm tại Nhật Bản.

        Buổi tọa đàm được các đại biểu đánh giá cao về ý nghĩa và những bài học thiết thực,  giúp các đơn vị nâng cao phương pháp giáo dục đạo đức cho sinh viên.

    PGS.TS Vũ Tình, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đạo đức trình bày về thực trạng đạo đức ở VN hiện nay.
    Ông Sadakata Masahiko, Phó Trưởng khối Joshinetsu, Viện NCĐĐ NB chia sẻ cách giáo dục thực hành đạo đức ở NB.
    Giáo sư Ota Masakatsu, Giảng viên Viện NCĐĐ NB trình bày về nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức ở NB.
    Đoàn chủ tọa điều hành buổi tọa đàm.
    TS Lê Thị Thanh Mai tặng hoa cho đại diện Viện NCĐĐ NB và Trung tâm NCĐĐ Trường ĐH KHXH&NV.

    Bài, ảnh: MINH CHÂU
     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên