Tin tổng hợp

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Khoa Y phải góp phần phát triển nền y học nước nhà

  • 15/11/2019
  • Trong quá trình thành lập Khoa Y, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM được xem là vị Trưởng khoa đầu tiên. Ông là người bắt tay tổ chức xây dựng “hình hài” khoa này, từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho đến chương trình đào tạo.

    Sinh viên Khoa Y tốt nghiệp. Ảnh: TL

    Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Y, TS Nguyễn Đức Nghĩa đã chia sẻ những câu chuyện từ thuở sơ khai.

    * Thưa TS Nguyễn Đức Nghĩa, Khoa Y ĐHQG-HCM được thành lập trong bối cảnh như thế nào?

    - Giám đốc đầu tiên của ĐHQG-HCM - PGS.TS Trần Chí Đáo là người có ý tưởng thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe trực thuộc ĐHQG-HCM. Đây là khối ngành đặc thù, đòi hỏi chuyên môn cao. ĐHQG-HCM đa ngành, đa lĩnh vực với các khối ngành khoa học cơ bản nhưng lại không có người đầu ngành trong khối ngành khoa học sức khỏe. Năm 2004, khi ĐHQG-HCM chuyển trụ sở về Nhà Điều hành ở Thủ Đức thì việc thành lập khối ngành khoa học sức khỏe càng đặt ra cấp bách hơn.

    Năm 2008, PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM đã đặt ra vấn đề thành tập Khoa Y, cố vấn đề án lúc đó là GS Trương Đình Kiệt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM cùng các thầy đầu ngành đào tạo y ở TP.HCM và trên cả nước. Khi viết xong đề án, thầy Bình giao nhiệm vụ cho tôi triển khai thực hiện.

    * Vậy chắc hẳn có rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đó, thưa ông?

    - Đúng vậy, giai đoạn đó Khoa Y không có gì, từ cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý và chương trình đào tạo. Khi nhận nhiệm vụ, tôi nghĩ sẽ phải bắt đầu xây dựng Khoa Y từ 3 trụ cột chính đó.

    Về đội ngũ, “rất may” thời điểm đó thầy Đặng Vạn Phước vừa thôi chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM nên ĐHQG-HCM mời thầy về làm Trưởng Khoa Y. Đây là sự lựa chọn đúng đắn vì với chuyên môn và uy tín cao trong ngành, thầy Phước đã quy tụ được những giảng viên về ĐHQG-HCM.

    Trong ngành Y, thường Trưởng Bộ môn ở khoa Y cũng là Trưởng Bộ môn ở các bệnh viện nên lúc đó Khoa Y đã hợp tác được nhiều bộ môn của các bệnh viện. Trường ĐH Y Dược TP.HCM cử Phó Trưởng Khoa Y và Phó trưởng Khoa Dược của trường về làm  Phó Trưởng Khoa Y ĐHQG-HCM. Sau nhiều năm hoạt động, Khoa đã thu hút được đội ngũ giảng viên, chuyên gia trẻ từ nước ngoài về cộng tác.

     

    “ĐHQG-HCM không chỉ là nơi phát triển của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học quản lý… Cái cuối cùng ĐHQG-HCM hướng tới chính là hạnh phúc của con người, và khoa học sức khỏe đáng được quan tâm. Khoa Y ra đời không phải là sự thêm vào cho đủ, cho ‘tròn vai’ một đại học đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQG-HCM mà trước hết là vì sức khỏe của người dân”.

    PGS.TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM

    Về cơ sở vật chất, Ban Giám đốc ĐHQG-HCM dành hẳn tầng 6 Nhà Điều hành cho Khoa Y để làm phòng học, giảng đường, phòng làm việc… ĐHQG-HCM cho chỉnh sửa cơ sở vật chất tầng 6, tổ chức tập huấn, tuyển nhân sự cho từng phòng. Với sự tích cực, khẩn trương, năm 2010, Khoa Y tuyển sinh khóa đầu tiên đủ 100 chỉ tiêu với số điểm khá cao.

    Khi báo cáo việc thành lập Khoa Y với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng cho rằng ĐHQG-HCM đã rất “can đảm” vì việc thành lập và tổ chức đào tạo ngành Y ở các trường ĐH là rất khó.

    Ban Giám đốc ĐHQG-HCM đặt ra chiến lược cho Khoa Y là tiến tới phát triển thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe ĐHQG-HCM. Trong quy hoạch, ĐHQG-HCM cũng dành đất để xây dựng trường, kèm theo đó là bệnh viện, khu thực hành, khu nghiên cứu.

    Về chương trình đào tạo (CTĐT), Khoa Y xây dựng chương trình đào tạo ngành Y đa khoa 6 năm với sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT. Ban Giám đốc xác định CTĐT phải tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới, phục vụ cộng đồng và định hướng nghiên cứu chuyên sâu về bệnh, thuốc chứ không phải chỉ đào tạo điều trị lâm sàng. Với mục tiêu đó, Khoa Y ĐHQG tất yếu phải liên kết với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài ĐHQG-HCM.

    Khoa Y chủ động thành lập Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe Sinh sản, tạo được tiếng vang và là nơi đào tạo uy tín thu hút nhiều chuyên viên các nước đến học. Khi thành lập Phòng thí nghiệm Giải phẫu học, các đồng nghiệp ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ rất nhiều. Đồng thời, Khoa Y cũng vận dụng phương pháp đào tạo CDIO, tiếp cận phương pháp giảng dạy quốc tế. Lần đầu tiên trên cả nước, chương trình đào tạo y đa khoa ở Khoa Y được tổ chức theo module giúp CTĐT kết hợp giữa học lý thuyết ở giảng đường và thực hành ở bệnh viện linh động hơn.

    Khóa sinh viên Khoa Y đầu tiên ra trường năm 2016 được các bệnh viện tiếp nhận và đánh giá cao.

    “Lúc ĐHQG-HCM mở Khoa Y, dư luận xã hội không ít hoài nghi, nhiều người xem đó là việc ‘đội đá vá trời’. Ngay cả sinh viên Khoa Y, trong tuần sinh hoạt công dân đầu khóa 2010, cũng thắc mắc về chương trình đào tạo, về giá trị bằng cấp… Những thách thức ban đầu là điều dễ hiểu vì công việc đào tạo bác sĩ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, phương tiện, thiết bị tương thích. Tuy nhiên, dần dần với sự nỗ lực đầu tư của ĐHQG-HCM, tinh thần tận tụy, cống hiến của cán bộ giảng viên Khoa Y, sinh viên đã làm nên kết quả rất đáng tự hào hôm nay”.

    GS.TS.BS Đặng Vạn Phước - Trưởng Khoa Y ĐHQG-HCM

    * Là người đặt “viên gạch” đầu tiên xây dựng Khoa Y, ông có kỳ vọng gì về sự phát triển của Khoa Y?

    - Tôi kỳ vọng Khoa Y, sau 10 năm hình thành, phải tiến vào giai đoạn mới, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực khoa học sức khỏe, y, dược và các ngành liên quan. Khoa Y không chỉ là nơi đào tạo ra các bác sĩ giỏi mà phải tham gia nghiên cứu y dược một cách căn cơ để phát triển nền y học nước nhà.

    Trong những năm tới, Khoa Y sẽ phát triển thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, điều này không chỉ có ý nghĩa mở rộng quy mô đào tạo mà còn nâng cao vị thế của ĐHQG-HCM, xứng tầm khu vực và quốc tế.


    MINH CHÂU

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên