Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM thảo luận quy chế mới về đào tạo tiến sĩ

  • 22/04/2025
  • Ngày 22/4/2025, ĐHQG-HCM tổ chức Toạ đàm Lấy ý kiến góp ý Quy chế đào tạo tiến sĩ và xây dựng Quy định về công bố khoa học dành cho nghiên cứu sinh (NCS) nhóm ngành Công nghệ thông tin (CNTT) và Điện - Điện tử tại ĐHQG-HCM.

    Toạ đàm có sự tham gia của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG HCM, PGS.TS Trần Cao Vinh - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM và khoảng 40 đại biểu là thành viên Tổ Công tác rà soát và điều chỉnh Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ tại ĐHQG-HCM (Tổ công tác), thành viên Hội đồng liên ngành CNTT ĐHQG-HCM, Hội đồng liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hoá ĐHQG-HCM, lãnh đạo các Ban chức năng ĐHQG-HCM có liên quan và lãnh đạo các khoa, bộ môn phụ trách quản lý đào tạo tiến sĩ và các giảng viên tham gia giảng dạy trình độ tiến sĩ các ngành CNTT - Khoa học máy tính - Trí tuệ nhân tạo, Điện - Điện tử tại các trường đại học thành viên ĐHQG-HCM.

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG HCM phát biểu chỉ đạo Toạ đàm.

    Phát biểu chỉ đạo, PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh yêu cầu đổi mới, đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đặc biệt ở các lĩnh vực CNTT và Điện - Điện tử. Ông kỳ vọng trên tinh thần công khai, thẳng thắn, Tọa đàm sẽ đưa ra các góp ý thiết thực xoay quanh ba nội dung trọng tâm: Thống nhất chung quy định về điều kiện tốt nghiệp Tiến sĩ tại ĐHQG HCM, bảo đảm chất lượng và không thấp hơn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nhóm ngành CNTT và Điện - Điện tử chấp nhận cả bài báo tạp chí và báo cáo hội nghị (hội nghị được xếp hạng A/A*, B,C.); Xác định số bài báo, tạp chí mà NCS cần đạt để được bảo vệ.

    Điểm mới trong Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2025

    PGS.TS Huỳnh Khả Tú trình bày báo cáo Quy chế đào tạo tiến sĩ và Quy định về công bố khoa học dành cho NCS năm 2025.

    Đại diện Tổ công tác, PGS.TS Huỳnh Khả Tú, Phó Trưởng ban phụ trách, Ban Đào tạo đã trình bày Quy chế đào tạo tiến sĩ và Quy định về công bố khoa học dành cho NCS năm 2025 (Quy chế 2025). Theo đó, PGS.TS Khả Tú cho biết, so với Quy chế năm 2022, Quy chế 2025 bổ sung Chương trình liên thông từ trình độ đại học lên trình độ tiến sĩ, thông qua 2 chương trình liên thông từ trình độ đại học lên trình độ thạc sĩ và từ trình độ thạc sĩ lên trình độ tiến sĩ.

    Về người hướng dẫn NCS, Quy chế mới cho phép các giáo sư thỉnh giảng được Giám đốc ĐHQG-HCM bổ nhiệm tham gia giảng dạy và hướng dẫn NCS.

    Quy chế 2025 đưa ra hai phương thức công bố khoa học để xét tốt nghiệp. Phương thức 1 dành cho NCS chọn hướng đào tạo chỉ làm nghiên cứu. Phương thức 2 dành cho NCS vừa học vừa nghiên cứu khoa học. Trong đó, đối với phương thức 2, điều kiện về công bố khoa học không phân chia theo khối ngành Khoa học tự nhiên kỹ thuật công nghệ và các ngành còn lại, mà sẽ xác định chung trong toàn ĐHQG-HCM và trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo có thể xây dựng các quy định cụ thể theo đặc thù của từng chương trình học, ngành học (nếu cần). Đồng thời cùng với việc điều chỉnh cập nhật quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ lần này, Tổ công tác cũng đề xuất Quy định về danh mục các hội nghị được xét tương đương đối với 2 nhóm ngành CNTT và Điện - Điện tử để người học có thể dễ dàng tiếp cận thông tin và có kế hoạch công bố phù hợp.

    Cần thực tế và linh hoạt

    PGS.TS Trần Thiên Phúc phát biểu đóng góp cho Toạ đàm.

    Tại Tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến chuyên môn sâu sắc. PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa nhấn mạnh việc tăng nguồn tuyển sinh đầu vào và giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NCS. Ông đề xuất nên giao cho hội đồng ngành thẩm định chất lượng hội nghị khoa học vì hội đồng ngành hiểu rõ đặc thù công bố khoa học trong lĩnh vực của mình.

    PGS.TS Vũ Đức Lung, cũng từ Hội đồng liên ngành CNTT, cho biết ông ủng hộ các nội dung Tổ công tác đã đề xuất. Trong đó, ông cho rằng nên cân nhắc việc cho phép sinh viên khá học lên tiến sĩ, vì theo thông lệ quốc tế, yêu cầu thường là sinh viên giỏi. Ngoài ra, ông đề xuất đưa ra quy trình cụ thể đối với phản biện kín, đảm bảo tính minh bạch.

    GS.TS Phan Thị Tươi - Chủ tịch Hội đồng liên ngành CNTT chia sẻ thực tế rằng NCS tại Việt Nam đa phần không học toàn thời gian, nên thời gian đào tạo thường kéo dài. Theo bà, việc cho phép quy đổi các hoạt động nghiên cứu thành học phần là giải pháp giúp rút ngắn thời gian đào tạo mà vẫn đảm bảo chất lượng.

    Trong khi đó, PGS.TS Quản Thành Thơ - Trưởng khoa Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Trường ĐH Bách khoa, cho rằng quy chế cần có cơ chế linh hoạt cho các trường hợp đặc biệt, vì có trường hợp NCS chỉ có một bài báo nhưng đó lại là công trình đột phá, có giá trị học thuật cao.

    PGS.TS Nguyễn Văn Nhờ - Ủy viên Hội đồng liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hoá cũng bày tỏ ý kiến đồng ý với các đề xuất đối với quy chế và danh mục các hội nghị được xét cho NCS thuộc nhóm ngành của mình.

    PGS.TS Trần Cao Vinh phát biểu kết luận Toạ đàm.

    Kết luận, PGS.TS Trần Cao Vinh cho biết Toạ đàm đã thống nhất nguyên tắc xây dựng quy chế khung của ĐHQG-HCM, trên cơ sở đó, ĐHQG-HCM sẽ phân cấp giao quyền cho cơ sở đưa ra những điều kiện cụ thể để áp dụng.

    Đại biểu chụp hình lưu niệm.

    KHÁNH LÂM

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên