Tin tổng hợp

GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA CUỘC CÁCH MẠNG XÃ HỘI

  • 30/08/2017
  • Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện vĩ đại này không chỉ đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc mà còn tích hợp nhiều bài học giá trị sâu sắc cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước hiện nay.

    Mít tinh Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: Baodongnai.vn


    Dự báo “1945 Việt Nam độc lập”

        Tháng 2/1942, Chiến tranh Thế giới lần II đang phát triển đến giai đoạn quyết liệt, các mặt trận đang mở rộng cả ở châu  u và châu Á. Lúc ấy chưa ai có thể nói đến Chiến tranh Thế giới sẽ kết thúc thế nào, thì ở Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự báo “1945 Việt Nam độc lập”.

        Thực ra từ gần một năm trước đó, trong Hội nghị Trung ương tại Pác Bó (tháng 5/1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng phân tích tình hình và đánh giá: “Cuộc đế quốc chiến tranh này là cuộc xâu xé quyền lợi giữa hai đế quốc, đều vì mục đích tham lam muốn cướp giật và giành thuộc địa, thị trường của nhau”, do đó là điều kiện “thuận lợi cho cách mạng thế giới” và “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”. Các dân tộc Đông Dương trong lúc này phải thấy rõ “quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. 

        Trong thư Kính cáo đồng bào (ngày 6/6/1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc yêu cầu: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”; trên báo Việt Nam Độc Lập số 113 ra ngày 21/12/1941, Người chỉ rõ “phận sự dân ta” phải: “Đồng tâm hợp lực. Muôn người một lòng. Nhân cơ hội này mà khôi phục lại Tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Người chúc tết năm mới 1942 với quyết đoán: “Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh - Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta được độc lập, tự do”. 

        Theo nhận thức và chủ trương ấy, cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam từ đó có một lộ trình chuẩn bị rõ ràng, đầy đủ và chắc chắn, đáp ứng đúng yêu cầu của cách mạng toàn xứ và nguyện vọng của hết thảy dân chúng trong nước, phù hợp với xu thế của cách mạng thế giới và xu hướng phát triển của cuộc đại chiến. 

        Khi Chiến tranh Thế giới đi vào giai đoạn kết thúc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh càng thấy rõ “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng”; Người có Thư gửi đồng bào toàn quốc (tháng 10/1944) nhắc nhở: “Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!” để có “một cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”.

        Suốt mấy năm cùng phe dân chủ chống chiến tranh phát xít, lực lượng và phong trào của Việt Nam Độc lập đồng minh (Việt Minh) đã phát triển nhanh chóng khắp Bắc - Trung - Nam, tiến tới một cao trào tiền khởi nghĩa rộng lớn. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, thời cơ ngàn năm có một cho dân tộc đã đến, cả nước đứng lên với quyết tâm “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

    15 ngày khởi nghĩa thành công

        “Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do”. Chớp thời cơ, ngày 13/8/1945, Đảng triệu tập Hội nghị Toàn quốc quyết định phát động Tổng khởi nghĩa; ngày 16/8/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Quốc dân đại hội thống nhất toàn thể dân tộc trước giờ hành động; Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng - Cụ Hồ Chí Minh kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. 

        Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền bùng lên như một ngọn lửa thần kỳ loang cháy khắp cánh đồng cỏ khô. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh và Đảng Cộng sản, cuộc khởi nghĩa vũ trang của quần chúng đông đảo trên mọi miền đất nước đã diễn ra nhanh như bão táp với tâm bão là ở các đô thị lớn.

        Tại Hà Nội, thủ phủ của chính quyền thuộc địa, từ chiều ngày 17/8, Tổng hội công chức tổ chức cuộc mít tinh tại Nhà hát lớn; hàng vạn quần chúng nội và ngoại thành kéo đến, cả lính bảo an, cảnh sát cũng đến giữ trật tự; Khâm sai Bắc Kỳ xin từ chức. Sáng sớm ngày 19/8, cả Hà Nội rực màu cờ đỏ sao vàng; hàng chục vạn nhân dân nội, ngoại thành xuống đường biểu dương lực lượng, rồi tỏa đi các nơi chiếm chính quyền.


        Tại Huế, kinh đô của nhà nước phong kiến Việt Nam, chiều ngày 23/8 hàng vạn nhân dân Thừa Thiên Huế tập trung thành hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng, biến cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc biểu dương lực lượng của cách mạng; Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Chiều 30/8/1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong Kinh thành, đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến.

        Tại Sài Gòn, đô thị thuộc địa sớm nhất trên toàn quốc, từ chiều 24/8 Thanh niên Tiền phong xung kích, Tổng Công đoàn và các đoàn thể Việt Minh chiếm giữ dinh Khâm sai và các vị trí quan trọng, xe diễu hành cắm cờ Việt Minh chạy khắp phố; lực lượng khởi nghĩa các nơi kéo vào. Sáng sớm 25/8 khoảng một triệu người tham gia cuộc biểu tình, tạo thành sức mạnh áp đảo giành chính quyền về tay nhân dân. 

        Việc giành chính quyền nhanh gọn, không đổ máu ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã thúc đẩy tất cả địa phương còn lại ở Bắc - Trung - Nam đứng lên khởi nghĩa. Ngày 28/8, Vũng Tàu, Đồng Nai Thượng, Hà Tiên, Côn Đảo là các địa phương cuối cùng giành chính quyền về tay nhân dân, kết thúc 15 ngày tổng khởi nghĩa trên toàn quốc từ đất liền đến hải đảo. Từ đó xuất hiện một “Nước Việt Nam từ máu lửa; Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi).

    Giá trị đích thực một cuộc cách mạng

        Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã giải quyết vấn đề tối hậu của cách mạng xã hội là vấn đề chính quyền. Ngày 2/9/1945 cả nước đón mừng ngày Độc lập, Chính phủ cách mạng lâm thời ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kết quả đỉnh cao ấy của cuộc cách mạng đã đưa đến những thay đổi to lớn trên đất nước và dân tộc Việt Nam, như lời thơ của Tố Hữu:

    Việt Nam, ta lại gọi tên mình 
    Hạnh phúc nào hơn được tái sinh 
    Mát dạ ông cha nghìn thuở trước 
    Cho đời, hai tiếng mới quang vinh! 

        Cũng cần phải trình diện cho hết những kết quả trực tiếp được định hình, định lượng mà đất nước và dân tộc có được trong biến cố lịch sử 15 ngày Tổng khởi nghĩa: (1) Đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ; lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế hàng ngàn năm trên đất nước Việt Nam; (2) Mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; lập ra nhà nước công nông đầu tiên trong lịch sử dân tộc và là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; (3) Đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh dân tộc của mình; đưa đất nước Việt Nam từ một thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ; đưa Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền.

        Hơn thế nữa, từ kết quả có giá trị lịch sử to lớn ấy, nền dân chủ cộng hòa Việt Nam trong hơn 70 năm về sau còn làm nên những thành công mới, tạo thêm giá trị bền vững mang bản chất cách mạng của quốc gia dân tộc và có tính thời đại sâu sắc. Đó là:

        Chống thù trong giặc ngoài bảo vệ thành quả cách mạng; không ngừng xây dựng, củng cố và phát triển nhà nước dân chủ nhân dân theo hiến pháp và pháp luật hiện đại, phát huy quyền dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân;
    Kiên quyết chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống chiến tranh xâm lược của các đạo quân viễn chinh của Pháp, Mỹ;

        Hoàn thành thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với phong trào cộng sản, phong trào giải phóng dân tộc và láng giềng anh em; 

        Đổi mới, phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội; thực hiện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa; giữ vững độc lập tự chủ;
    Đóng góp cho hòa bình khu vực và thế giới nhiều kinh nghiệm thực tế; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và ngày càng có uy tín, vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào” về cuộc cách mạng vĩ đại ấy. Ngày nay, khi kiểm nghiệm, đối chứng với lịch sử dân tộc thế kỷ XX và cả trước đó, vẫn thấy Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 là có một không hai trong lịch sử cận hiện đại, xác lập chính danh nền dân chủ cộng hòa ở Việt Nam và đưa dân tộc vào thời kỳ chấn hưng mới, sáng tạo một điển hình thành công về cách mạng vô sản ở thuộc địa, khai phá thành công một mô hình cách mạng xã hội mang bản sắc Việt Nam.

    Tháng 8/2017

    PGS.TS HÀ MINH HỒNG
    (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV)
     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên