Tin tức - Sự kiện

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới - NCS. Lê Thị Hồng Vân

  • 28/12/2020
  • Tên luận án: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới
    Chuyên ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử
    Mã số: 9229002
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Thị Hồng Vân
    Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Tấn Hưng; TS. Vũ Ngọc Lanh
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    1. Tóm tắt nội dung luận án 
    Hội An là một thành phố nằm ở khu vực miền Trung - Việt Nam, thuộc tỉnh Quảng Nam, với diện tích 63,55 km2, dân số hơn 98.000 người phân bố trên 9 phường, 4 xã, trong đó có 1 xã đảo (Chi cục Thống kê Thành phố Hội An, 2019, tr.5). Thành phố Hội An nằm bên bờ Bắc hạ lưu sông Thu Bồn, cách quốc lộ 1A khoảng 9 km về phía Đông, cách Thành phố Đà Nẵng khoảng 25 km về phía Đông Nam, cách Thành phố Tam Kỳ khoảng 50 km về phía Đông Bắc. Nơi đây từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, là trung tâm buôn bán nối liền ba miền Bắc, Trung, Nam. Với chiều sâu văn hóa đa tầng, đa sắc, Hội An được coi là bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị của Việt Nam hiện nay và đã được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới” (ngày 04/12/1999), nơi minh chứng cho sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong nhiều thế kỷ (từ thế kỷ XVI - XIX) và 10 năm sau, Cù Lao Chàm (thuộc Hội An) chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26/5/2009). Đây là niềm tự hào của dân tộc ta về lịch sử hình thành, phát triển của đất nước.
    Trong quá trình đổi mới, Đảng bộ và chính quyền Hội An luôn chú trọng công tác giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống đã đạt được những thành tựu nhất định.Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới vẫn còn những bất cập. Do đó, trên cơ sở lý luận chung về giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; xuất phát mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, Đảng bộ Thành phố Hội An đã xác định: “Hoàn thiện điều chỉnh và triển khai thực hiện, quản lý chặt chẽ quy hoạch chung về xây dựng Hội An đến năm 2030 theo hướng “Sinh thái – văn hóa – du lịch” – phát triển năng động, giàu bản sắc, hiện đại và bền vững. Xây dựng Thành phố đạt chuẩn đô thị loại 2, vừa bảo tồn nguyên trạng Khu phố cổ - Di sản văn hóa thế giới, vừa chỉnh trang mở rộng liên hoàn các khu đô thị sinh thái mới, các khu đô thị biển, các khu vực cảnh quan sinh thái làng quê. Tiếp tục tạo bước đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại”. Căn cứ từ thực trạng giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống ở Hội An tỉnh Quảng Nam trong quá trình đổi mới, luận án đề xuất những phương hướng: 1). Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới. 2) Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hội trong quá trình đổi mới. 3) Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở đặc điểm, tiềm năng, vị thế của địa phương; đồng thời kết hợp giữa truyền thống và hiện đại Hội An tỉnh Quảng Nam trong quá trình đổi mới. Từ đó, tác giả luận án đã đề xuất bốn giải pháp chủ yếu để thực hiện những phương hướng có tính chất định hướng đó như sau: Một là, nâng cao nhận thức cao nhận thức về công tác giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới; Hai là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới; Ba là, hoàn thiện thiết chế văn hóa nhằm nâng cao công tác giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới; Bốn là kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới.
    2. Những kết quả mới của luận án 
    Một là, luận án đã góp phần làm rõ những vấn đề lý luận chung về giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình đổi mới, từ đó phân tích thực trạng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới. Hai là, luận án đã đề xuất, luận giải một số phương hướng và giải pháp nhằm tăng cường việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án 
    Những đánh giá về thực trạng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới và những phương hướng, giải pháp mà luận án đưa ra sẽ góp phần giúp Đảng bộ, chính quyền và các sở, ban ngành chức năng của Thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam tham khảo trong hoạch định cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm tăng cường việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An trong quá trình đổi mới.
    Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các ngành: Khoa học quản lý văn hóa, Văn hóa học, Triết học xã hội… ở các viện, các trường cao đẳng, đại học cả nước và cho các nhà nghiên cứu quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình đổi mới nói chung, đối với Hội An nói riêng.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên