Chân dung nhà khoa học

Không có cơ chế thực hiện, triết lý giáo dục chỉ là lý thuyết suông

  • 04/04/2018
  • Hiện nay, giáo dục khai phóng được các trường đại học Việt Nam nhắc đến như một nhu cầu và triết lý để nâng cao chất lượng đào tạo. Là giảng viên từng gắn bó với môi trường giáo dục tại miền Nam trước và sau năm 1975, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Khuê đã có những trao đổi với Bản tin ĐHQG-HCM về lịch sử và các ý tưởng thực hiện triết lý giáo dục này tại Việt Nam.

    NGƯT Nguyễn Khuê - Nguyên Trưởng bộ môn Hán Nôm, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Ảnh: PHIÊN AN

    * Nền giáo dục của miền Nam trước năm 1975 từng xây dựng triết lý giáo dục khai phóng. Là giảng viên trong môi trường giáo dục ấy, thưa thầy, giáo dục khai phóng đã được hiểu như thế nào?

        - Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, bộ đã tổ chức nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia lần I tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, nhân sĩ trí thức, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật... Đại hội đã thảo luận và đúc kết ba nguyên tắc giáo dục là Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng. Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của miền Nam trước 1975.

        Thứ tự của ba nguyên tắc này không phải được xếp đặt ngẫu nhiên mà tuân theo một logic khoa học. Tại sao phải là nhân bản rồi mới đến dân tộc và cuối cùng là khai phóng? Do đó, để hiểu được giáo dục khai phóng là gì, chúng ta cần hiểu hai nguyên tắc giáo dục trước đó.

        Trước nhất, giáo dục nhân bản nhấn mạnh đến đối tượng của giáo dục là con người. Tức phải lấy con người làm gốc và phải phát huy những khả năng của con người. Đồng thời, giáo dục nhân bản còn hướng đến sự hoàn thiện nhân phẩm của người học. Do đó, nguyên tắc nhân bản đòi hỏi người dạy học phải tôn trọng tính cá biệt giữa các học sinh. Từ đó phát hiện ra những tài năng đặc thù, tạo điều kiện để phát huy những khả năng riêng biệt đó của người học. 

        Thứ hai là giáo dục dân tộc. Đối tượng của giáo dục là con người. Nhưng những con người đó không tồn tại riêng rẽ, họ thuộc về một cộng đồng xã hội nhất định. Và cộng đồng xã hội đó chính là dân tộc. Cụ thể hơn, đó là dân tộc Việt Nam. Chúng ta đào tạo những con người này để thành những con người Việt Nam, để sống trong đất nước Việt Nam cùng với những người Việt Nam khác. Vì vậy, nền giáo dục đó phải có bản sắc dân tộc, hay dân tộc tính. Có bản sắc dân tộc, có dân tộc tính, tức phải tôn trọng và phát huy truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt.

        Mặt khác, con người không chỉ tồn tại trong cộng đồng, dân tộc của mình mà còn giao lưu, tiếp xúc với cộng đồng, dân tộc khác. Vì vậy, giáo dục không chỉ dừng lại sự tồn tại hòa hợp giữa con người trong cùng cộng đồng mà còn để giao lưu với thế giới bên ngoài. Giao lưu với thế giới bên ngoài để làm gì? Để tiếp cận nền khoa học kỹ thuật của thế giới để giúp cho đất nước mình được phát triển, tiến bộ. Đây chính là triết lý giáo dục khai phóng. 

        Cả ba nguyên tắc này như ba mắc xích gắn liền nhau, không thể nói cái nào quan trọng hơn cái nào. Bởi nguyên tắc này sẽ là tiền đề cho nguyên tắc kia. Chúng ta muốn giáo dục một người thì phải giáo dục nhân bản trước. Họ chưa có gì mà đòi bản sắc dân tộc với khai phóng là bất khả. Do đó, để thực hiện giáo dục khai phóng cần phải đảm bảo hai nguyên tác nền tảng trên.

    * Thưa thầy, trong 21 năm, dường như các đại học tại miền Nam đều đón nhận và phát triển đa dạng các trào lưu, khuynh hướng học thuật mới nhất của thế giới. Phải chăng đây là thành quả do giáo dục khai phóng mang lại? 

        - Đúng như vây. Xét riêng Đại học Văn Khoa, nhà giáo tham gia giảng dạy tại đây chủ yếu từ ba nguồn. Một là được đào tạo trong nước như tôi. Thứ đến là đào tạo ở Mỹ và đào tạo ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Đối với các vị được đào tạo ở ngoại quốc, họ tiếp thu những trào lưu học thuật mới nhất. Do đó khi quay về Việt Nam, họ du nhập và truyền đạt lại cho sinh viên. Từ đó tạo nên sự đa dạng trong tư tưởng học thuật, bắt kịp các xu thế, trào lưu mới nhất của thế giới. Đó là chưa kể báo chí, phương tiện truyền thông và các định chế xã hội khác đã tạo một môi trường mở để đón lấy những tư tưởng tiến bộ của thời đại. Giáo dục khai phóng đã được sản sinh trong môi trường đó. Từ các yếu tố ngoại tại này và các yếu tố nội tại như tôi đã nêu ở trên.

    * Như vậy, có thể hiểu rằng tự do học thuật là điều kiện cần để thực hiện giáo dục khai phóng, thưa thầy?

        - Tôi nghĩ tự do học thuật thể hiện rõ ràng nhất ở bài giảng của người thầy hoàn toàn độc lập. Việc soạn giáo án và lên giảng đường dạy của người thầy không bị bất cứ ai khác kiểm tra. Ở trên bục giảng, họ hoàn toàn tự do giảng dạy. Những vấn đề, tư tưởng người thầy giảng cho sinh viên có thể khác biệt, có thể đối lập, nhưng không phải để minh họa cho đảng phái chính trị nào hay đưa tôn giáo nào để truyền bá về nó. Tuy nhiên, nếu những luồng tư tưởng, học thuyết liên quan đến vấn đề mà người thầy đang giảng thì họ có quyền đưa ra. Tức việc giảng dạy phải phục vụ cho khoa học, cho sự hiểu biết. Khi người thầy đến lớp với chiếc vòng kim cô mà cái gì mình được nói, cái gì mình không được nói thì không thể có tự do về học thuật được.

        Ngoài ra, một trong những biểu hiện cụ thể của tự do học thuật chính là sách giáo khoa. Các bộ sách giáo khoa của các bậc học ở miền Nam trước năm 1975 khá đa dạng. Hệ thống sách giáo khoa gồm nhiều nguồn và tồn tại song hành. Chẳng hạn, sách giáo khoa để dạy trung học gồm sách của bộ giáo dục biên soạn, sách của giảng viên, giáo sư ở trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp. Và người thầy khi giảng dạy hay người học muốn dùng sách của ai thì dùng. Đặc biệt, sách dạy tiểu học là do giáo viên tiểu học soạn chứ không phải mời những ông tiến sĩ ngồi trên cao để soạn sách dạy tiểu học. Tức, giáo viên của bậc học nào sẽ soạn sách của bậc họ đó. Giáo sư đại học không thể xuống soạn sách cho trung học được. 

        Điều đó nó cho thấy cái gì? Về cơ bản, thứ nhất là chất lượng của người thầy. Người thầy dạy bậc học nào thì khả năng của họ hoàn toàn phù hợp soạn sách cho bậc học đó. Thứ hai là tự do xuất bản. Sách giáo khoa được các nhà xuất bản in ra tự do chứ không quy về một mối. Thứ ba đối với người thầy, họ có thể tham khảo rất nhiều sách để phục vụ cho bài giảng của mình chứ không buộc phải nói theo sách giáo khoa. Tương tự đối với người học. Tự do học thuật được thể hiện ở những điều cơ bản như vậy. Và đó cũng chính là những công cụ nền tảng để thực hiện giáo dục khai phóng.

    * Sau năm 1975, Trường ĐH Tổng Hợp TP.HCM và Trường ĐH KHXH&NV được hình thành dựa trên nền tảng của ĐH Văn Khoa Sài Gòn. Thưa thầy, di sản học thuật nói chung và triết lý giáo dục khai phóng nói riêng của của ĐH Văn Khoa Sài Gòn đã được tiếp nối như thế nào? 

        - Từ ngày 30/4/1975 cho đến khoảng cuối năm 1976, là giai đoạn chuyển tiếp, để những người có trách nhiệm tiếp quản ĐH Văn Khoa Sài Gòn có thời gian nắm vững tình hình của nhà trường từ mặt cơ sở vật chất cho đến chương trình giảng dạy và phương pháp đào tạo của trường. Theo tôi được biết, chương trình được những người tiếp quản đem áp dụng đều theo chương trình của Trường ĐH Tổng Hợp Hà Nội. Vì vậy, tôi thấy không có sự tiếp nối nào cả. 

        Ba nguyên tắc về giáo dục là nhân bản, dân tộc và khai phóng, nền giáo dục cách mạng đều không đề cập tới. Không đề cập ở miền Bắc và cũng không đề cập trong lúc tiếp quản ĐH Văn Khoa Sài Gòn hay ở các trường học khác của miền Nam. Theo tôi, cho đến bây giờ hình như không có một nguyên tắc nào giống hay tương đương ba nguyên tắc giáo dục của miền Nam mà tôi kể trên. 

    * Thưa thầy, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, để thực hiện nền giáo dục khai phóng chúng ta cần phải làm gì?

        - Theo tôi, một triết lý giáo dục dù có hay đến mấy đi nữa thì nó chỉ có tính cách khả thi khi nào nó có điều kiện thuận lợi. Nếu không có một môi trường thuận lợi để những nguyên tắc đó, những triết lý đó được thực thi thì nó cũng chỉ là nguyên tắc, triết lý suông. Cho nên vấn đề là ở cơ chế, thể chế… nó có tạo điều kiện cho triết lý giáo dục đó được thi hành không?

        Thứ đến, nền giáo dục của chúng ta phải đảm bảo tính chất thực tiễn, và có tính chất đón đầu chứ không phải chạy theo. Chẳng hạn, chúng ta xây dựng kế hoạch 5 năm, 10 năm, 20 năm buộc phải làm rõ trong 5 năm, 10 năm và 20 năm nữa chúng ta sẽ phải làm gì? Từ đó mới đào tạo ra những con người có thể nhận lãnh công việc và trách nhiệm mà đòi hỏi trong thời điểm của 5 năm, 10 năm, 20 năm đó đã đề ra. Nếu chỉ chạy theo đuôi các nền giáo dục khác, các quốc gia khác ắt sẽ không thể nào đủ người để làm công việc mà những nền giáo dục đó và các quốc gia đó đã làm.

        Cuối cùng, cổ nhân có câu “Dạy tức là Học” và muốn dạy ít ắt phải biết nhiều. Vì vậy, khi muốn áp dụng nguyên lý giáo dục nào thì người thầy đó buộc phải áp dụng nguyên tắc giáo dục đó vào trong công việc nghiên cứu của mình rồi mới dạy cho học trò được.

    PHIÊN AN thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên