Tin tức - Sự kiện

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - NCS. Nguyễn Quốc Toàn

  • 28/12/2020
  • Tên đề tài LATS: Liên kết vùng trong phát triển kinh tế ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ
    Chuyên ngành: Kinh tế chính trị    
    Mã số: 62.31.01.02
    Họ tên NCS: Nguyễn Quốc Toàn    
    Mã số NCS: 01610102004
    Người hướng dẫn khoa học: HD1: TS. Cung Thị Tuyết Mai, HD2: TS. Đặng Danh Lợi
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1.Tóm tắt luận án 
    Luận án phân tích ba nội dung liên kết vùng trong phát triển kinh tế ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ giai đoạn 2010-2018, gồm: liên kết thiết lập thể chế điều phối vùng; liên kết phát triển các ngành kinh tế và liên kết cải thiện các lĩnh vực hỗ trợ phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, Luận án đánh giá tác động kinh tế của hoạt động liên kết vùng trên các tiêu chí: nâng cao hiệu quả kinh tế toàn vùng; thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh vùng; phát triển ngành kinh tế trọng điểm của vùng và phát huy sức lan tỏa kinh tế của lãnh thổ trọng điểm trong vùng. Kết quả từ phân tích định tính và định lượng cho thấy, bên cạnh các thành công và đóng góp nổi bật, liên kết vùng trong phát triển kinh tế ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ còn tồn tại các hạn chế như: liên kết vùng trong thiết lập thể chế điều phối vùng chưa hiệu quả; liên kết vùng trong các ngành kinh tế và các lĩnh vực hỗ trợ chưa chặt chẽ và thiếu tính chất vùng; tác động kinh tế của liên kết vùng còn yếu. Để nhận diện những nguyên nhân của những hạn chế này, Luận án phân tích ba nhóm yếu tố ảnh hưởng đến liên kết vùng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, liên kết vùng trong phát triển kinh tế ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ gặp nhiều bất lợi từ các nguồn lực sản xuất vùng; lực cản từ tư duy, nhận thức về liên kết vùng và thể chế liên kết vùng còn nhiều bất cập. Tổng hợp các kết quả phân tích nêu trên, Luận án rút ra một số vấn đề về việc giải quyết ba mối quan hệ lớn trong hoạt động liên kết vùng, đó là: quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất vùng chưa tương hợp; vai trò Nhà nước và công năng thị trường chưa được xác định rõ; lợi ích kinh tế giữa các địa phương và lợi ích tổng thể vùng chưa hài hòa. Trên cơ sở đó, Luận án đề xuất các định hướng và giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ để tăng cường liên kết vùng trong thời gian tới.
    2. Những kết quả mới của luận án 
    Thứ nhất, luận án nghiên cứu 03 nội dung liên kết vùng nhằm phân tích cả liên kết giữa các đơn vị kinh tế cũng như liên kết giữa các chủ thể quản lý vùng.
    Thứ hai, luận án xây dựng khung phân tích trên cơ sở xem xét liên kết vùng là một cách thức tổ chức quan hệ sản xuất vùng.
    Thứ ba, luận án đã phát hiện được những dấu hiệu bất cập trong liên kết vùng ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
    Thứ tư, Luận án khái quát hóa và rút ra một số vấn đề về việc giải quyết 03 mối quan hệ lớn trong hoạt động liên kết vùng ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
    Thứ năm, Luận án đã xác định được các nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế trong liên kết vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Từ đó, luận án đã đề xuất 5 nhóm giải pháp tăng cường liên kết vùng, trong đó có đề xuất mô hình mới là Hội đồng điều phối liên kết vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Luận án có thể là một tài liệu cung cấp cho những nhà nghiên cứu, những người học quan tâm đến chủ đề liên kết vùng trong phát triển kinh tế. Mặt khác, 5 nhóm giải pháp mà luận án đề xuất góp phần cung cấp cho lãnh đạo địa phương những luận cứ khoa học để tăng cường liên kết vùng gắn với phát triển kinh tế - xã hội nội vùng và liên vùng.
    Tuy nhiên, Luận án vẫn còn một số vấn đề chưa thể giải quyết được như: (1) đánh giá định lượng các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết vùng, (2) xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá các nội dung liên kết vùng, (3) đánh giá vai trò của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong tiến trình phát triển vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Đây là những hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài liên kết vùng.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên