Tin tức - Sự kiện

Sự phát triển chính trị của Myanmar (từ 1988 đến 2016) - NCS. Văn Trung Hiếu

  • 15/07/2019
  • Tên luận án: “Sự phát triển chính trị của Myanmar (từ 1988 đến 2016)”
    Chuyên ngành: Lịch sử Thế giới.
    Mã số: 62.22.03.11.
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Văn Trung Hiếu.
    Người hướng dẫn khoa học: PGS-TS Hoàng Văn Việt.
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa hoc Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
    Từ khi giành được độc lập năm 1948 đến nay, Myanmar thường xuyên mất ổn định về mặt chính trị với sự kiện lực lượng quân đội đảo chính thành lập Hội đồng Khôi phục trật tự và pháp luật quốc gia (SLORC) năm 1988 đã đẩy đất nước Myanmar bước vào thời kỳ khủng hoảng, cấm vận, đóng cửa và bế tắc.  Sự thay đổi từ ngày 30 tháng 3 năm 2016 với việc thành lập chính phủ dân cử của Tổng thống dân sự đầu tiên Htin Kyaw đã chính thức chấm dứt chế độ quân sự đã nắm quyền ở Myanmar hơn 50 năm. Chính vì thế, nghiên cứu về sự phát triển chính trị của Myanmar từ năm 1988 đến năm 2016 thực sự là một vấn đề nghiên cứu có tính cấp thiết, có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn. 
    Luận án “Sự phát triển chính trị của Myanmar (từ 1988 đến 2016)” chia làm ba giai đoạn với các nội dung cụ thể như sau:
    1. Chế độ độc tài quân sự ở Myanmar giai đoạn 1988-1997. 
    Nội dung trình bày bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị và đảo chính quân sự ngày 08 tháng 8 năm 1988; Tổ chức chính phủ của chế độ độc tài Saw Maung; Hoạt động của chính phủ Saw Maung.  Có thể nói, trong tình thế khủng hoảng kinh tế - chính trị - xã hội đất nước đã bùng lên mạnh mẽ vào 1988, đe dọa đến sự tồn vong của chinh phủ độc tài, đưa đất nước Myanmar đến bờ vực của cuộc cách mạng quần chúng, lực lượng cấp tiến trong bộ máy của chế độ độc tài quân sự do tướng Saw Maung chỉ huy đã tiến hành đảo chính ngày 18 tháng 9 năm 1988. Những biện pháp của tướng Saw Maung chỉ đơn thuần là việc thay đổi bộ phận lãnh đạo cũ bằng bộ phận lãnh đạo mới bằng việc xóa bỏ Hội đồng Cách mạng, thành lập Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp quôc gia (SLORC). Mặc dù tổ chức tổng tuyển cử quốc gia năm 1990 đã thể hiện sự phát triển tiếp theo của nền dân chủ Myanmar trong phạm vi ảnh hưởng của quân đội, quân đội kiên quyết nắm giữ quyền lực nhà nước của mình và từ chối chuyển giao quyền lực chính trị cho Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), càng khiến cho Myanmar bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế. Con đường gia nhập khu vực ASEAN là một biện pháp tháo gỡ các khó khăn kinh tế và từng bước thực hiện các cải cách chính trị trong bối cảnh hội nhập khu vực đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
    2. Các nhân tố phát triển chính trị và các bước chuyển giao quyền lực chính trị ở Myanmar giai đoạn 1998-2008. 
        Ở giai đoạn này, chúng ta thấy tình hình phát triển của các lực lượng chính trị xã hội đối lập trong nước, trên cơ sở đó đề cập đến việc chính phủ Myanmar thành lập Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang (SPDC) và gia nhập ASEAN 1997, chính phủ Myanmar đã nỗ lực tiến hành từng bước các biện pháp làm cơ sở cho sự ra đời một nhà nước dân chủ như Soạn thảo hiến pháp mới phù hợp với các nguyên tắc cơ bản đã được đại hội quốc dân xây dựng cũng như trưng cầu ý dân để thông qua hiến pháp. Hiến pháp mới năm 2008 không những thể hiện rõ mục tiêu nỗ lực xây dựng cơ chế dân chủ đa đảng, cơ chế kinh tế thị trường, mà còn đảm bảo Quân đội tham gia lãnh đạo đất nước về mặt chính trị. Từ đó có sự đảm bảo về Hiến pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy chiến lược chuyển đổi mô hình nhà nước của Chính phủ quân sự trước đó. Chính phủ mới ra đời căn cứ vào kết quả bầu cử theo Hiến pháp mới này sẽ có đủ hành lang pháp lý thực hiện cải cách, làm sâu sắc hơn chiến lược chuyển đổi mô hình nhà nước mà vẫn không làm thay đổi nguyên tắc Quân đội tham gia lãnh đạo đất nước về chính trị.
    3. Xây dựng và củng cố chế độ dân chủ từ 2009 đến 2016. 
    Ở giai đoạn này, chính phủ Myanmar tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội theo Hiến pháp dân chủ 2008; Xây dựng và củng cố hệ thống chính phủ dân chủ theo hiến pháp mới; Xây dựng đất nước phát triển, hiện đại và dân chủ; Giải quyết vấn đề ly khai và xung đột dân tộc; Điều chỉnh các quan hệ đối ngoại. Sau gần ba thập kỷ, lộ tình bảy bước tiến tới dân chủ đã thành công, chính phủ dân chủ mới ở Myanmar đã được thành lập năm 2016 và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải trong hơn một năm qua. Chính phủ dân chủ mới ở Myanmar đang bị chỉ trích công khai cả trong lẫn ngoài nước bởi hàng loạt vấn đề từ kinh tế bị trì trệ tới vi phạm nhân quyền. Mặc dù chính phủ dân chủ mới ở Myanmar chú trọng và ưu tiên các cuộc đàm phán hoà bình nhưng tình hình đất nước đang trong tình trạng bất ổn bởi các cuộc xung đột nổ ra nhiều khu vực. Bên cạnh đó, chính phủ dân chủ mới ở Myanmar cũng phải đối mặt trước các lời chỉ trích từ cộng đồng quốc tế về các vụ bạo lực do lực lượng an ninh nhà nước gây ra. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài đi xuống kể từ khi chính phủ dân chủ mới ở Myanmar lên nắm quyền. Nền kinh tế gần như đi chệch hướng cho dù đã có dự đoán sẽ có sự khởi sắc sau cuộc bầu cử. Tự do báo chí giờ lại bị chỉ trích vì không ít phóng viên bị bắt giam do bình luận chỉ trích giới quân sự cũng như các thành viên cao cấp đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của chính phủ dân chủ mới ở Myanmar. Đứng trước tình hình này, câu hỏi được đặt ra là liệu chính phủ dân chủ mới ở Myanmar không có các biện pháp để thúc đẩy một hệ thống dân chủ hơn thì khả năng sau cuộc bầu cử 2020 Myanmar chế độ dân chủ hiện nay sẽ rất mong manh.
    Con đường dân chủ ở Myanmar xét về bản chất vẫn nằm trong vòng chi phối của lực lượng quân đội. Chính quyền dân sự do Aung San Suu Kyi lãnh đạo dù có dùng các biện pháp để tập trung quyền lực vào tay họ thì lực lượng quân đội Myanmar vẫn kiểm soát các chức năng quan trọng chính quyền, và nắm trong tay một số (lớn và không thay đổi được) ghế nghị sĩ trong Quốc hội. Vì lẽ đó, gần một thập niên đã qua trong tiến trình thoát ra khỏi ách độc tài quân sự, sự phát triển chính trị ở Myanmar hiện nay có thể nói là sự đan xen giữa dân chủ và độc tài. Toàn bộ con đường đi tới một quốc gia dân chủ của Myanmar còn ở phía trước với tất cả những gian nan và thách thức, song hứa hẹn thành công hơn rất nhiều so với các cuộc cải cách không ít máu đổ mang tên các mùa hoa diễn ra tại các nước Bắc Phi trong năm 2010. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì với những thay đổi mới này không những đã nâng cao rõ rệt vị thế quốc tế của Myanmar trong cộng đồng các nước ASEAN nói riêng và trên trường quốc tế mà còn là những đóng góp đáng kể cho việc tăng cường sức mạnh của cộng đồng ASEAN và giúp tăng cường cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong toàn khu vực.
    + Những kết quả của luận án
    Trên cở sở kế thừa và phát triển có chọn lọc kết quả nghiên cứu từ các công trình trước, luận án có những đóng góp khoa học sau:
    Thứ nhất, chỉ ra được những nguyên nhân cơ bản đưa đến những biến đổi về chính trị và kinh tế Myanmar từ 1988 đến 2016, nội dung và bản chất của những biến đổi về chính trị và kinh tế của Myanmar trong gần nửa thập kỷ qua; 
    Thứ hai, luận án góp phần làm rõ những giai đoạn khác nhau trong quá trình đi đến dân chủ của Myanmar từ khi xác lập chế độ độc tài cho đến nay. Trên cơ sở khám phá quy luật, tác nhân, và tính chất của quá trình phát triển chính trị của Myanmar, luận án đóng góp vào việc tìm hiểu xu thế phát triển chính trị ở các nước Đông Nam Á nói chung, cũng như giúp chúng ta có cơ sở để nhìn nhận và đánh giá một cách khoa học diễn biến quan trọng này của Myanmar; giúp hiểu thấu đáo hơn tình hình mới tại đây, thấy được những khó khăn thách thức mà Myanmar phải đối mặt khi cần giải quyết hàng loạt những vấn đề mới, mâu thuẫn mới, xung đột mới trong hành trình tìm kiếm con đường phát triển và khẳng định bản sắc riêng của mình.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Đóng góp về mặt thực tiễn: cho đến nay ở Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử chính trị xã hội Myanmar hiện đại, do đó, luận án được chờ đợi sẽ mang lại nguồn tư liệu bổ sung cho hệ thống tài liệu nghiên cứu về Myanmar, qua đó góp phần tìm hiểu Myanmar nói riêng và Đông Nam Á nói chung ở Việt Nam, góp phần hiểu rõ Myanmar cũng như tăng cường tình hữu nghị tốt đẹp giữa chính phủ và nhân dân các nước thành viên ASEAN.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên