Sau đại học

Triết học chính trị của John Stuart Mill giá trị và bài học lịch sử - NSC. Ngô Thị Như

  • 28/10/2013
  • Chuyên ngành: Lịch sử Triết học
    Mã số: 62.22.80.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Ngô Thị Như
    Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Nguyễn Trọng Chuẩn; PGS. TS. Nguyễn Xuân Tế.
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM

    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Lĩnh vực chính trị là một trong những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, chiếm vị trí quan trọng và có sự chi phối đến các lĩnh vực khác. Qua mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, lĩnh vực chính trị luôn vận động cùng với sự vận động của xã hội loài người, và được khái quát hóa thành tri thức lý luận tổng quát, thành các học thuyết, khuynh hướng, trào lưu triết học chính trị. Như thế, triết học chính trị vừa là sự phản ánh của thực tiễn chính trị sinh động, vừa bao hàm cả tính định hướng cho hoạt động thực tiễn. Vậy nên, nghiên cứu triết học chính trị là công việc cần thiết nhằm phát triển trình độ tư duy lý luận, nâng cao năng lực nhận thức của con người; thông qua đó tăng cường hiệu quả cho hoạt động thực tiễn, mà trước hết là thực tiễn chính trị.
    Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, triết học chính trị phương Tây nổi bật như một trong những mạch nguồn của phong cách tư duy duy lý. Trong những tên tuổi tiêu biểu của triết học Anh và triết học Pháp, thì John Stuart Mill (1806 - 1873) là một triết gia có ảnh hưởng lớn, vượt ra khỏi biên giới xứ sở sương mù thế kỷ XIX. Ông là triết gia đại diện cho chủ nghĩa kinh nghiệm Anh thời đại Victoria. Không chỉ là nhân vật kế tục truyền thống chủ nghĩa kinh nghiệm Anh, J.S.Mill còn được ghi nhận là đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa thực chứng, một phong trào triết học và chính trị phổ biến rộng rãi trong nửa cuối thế kỷ XIX. Điều đặc biệt ở chỗ, J.S.Mill đã triển khai chủ nghĩa thực chứng theo phương án thuyết đạo đức công lợi của Anh. Và do đó, ông đã thành công khi đưa triết học thực chứng vượt ra khỏi khía cạnh thực chứng xã hội học, để gắn với khuynh hướng thực chứng chính trị học. Vì thế, nghiên cứu triết học chính trị J.S.Mill nhằm mở ra một hướng tiếp cận đối với lịch sử triết học phương Tây cận đại, từ đó góp phần quan trọng làm sáng rõ thêm bức tranh lịch sử triết học phương Tây nói chung cũng như triết học chính trị pháp quyền tư sản nói riêng.
    Là một nhà triết học, nhà logíc học, nhà đạo đức học, nhà kinh tế chính trị học, sự nghiệp và hoạt động của J.S.Mill để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử 2 châu Âu; đặc biệt là triết học chính trị của ông được thể hiện qua hai tác phẩm tiêu biểu: Bàn về tự do và Chính thể đại diện. Trong các tác phẩm của mình, J.S.Mill đã khẳng khái thể hiện quan điểm về tự do, về dân chủ, về chính thể nhà nước. Bằng những trước tác đó, ông đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển lý thuyết tự do chủ nghĩa và chính trị pháp quyền. Là một học thuyết lý luận sắc sảo, triết học chính trị của J.S.Mill chứa đựng nhiều bài học giá trị không chỉ đối với thời đại của ông, mà còn đối với các quốc gia đang xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị pháp quyền giai đoạn hiện nay, trong đó có Việt Nam. Thực tế cho thấy rằng, chỉ có thể dựa trên sự kế thừa tinh hoa triết học chính trị thế giới thì việc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại sẽ trở nên hiệu lực hơn và tránh được những hạn chế đang tồn đọng.
    ...
    NCS. Ngô Thị Như

    Nội dung chi tiết của tóm tắt luận án trong tệp đính kèm, tải về tại đây.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên