Tin tổng hợp

Từ tư vấn trực tuyến đến hỗ trợ trực tiếp

  • 28/09/2021
  • “Bác sĩ gia đình”, “Tư vấn trực tuyến Chăm sóc sức khỏe tại nhà”, “Tổng đài 1022”, trực fanpage và chuẩn bị các túi An sinh xã hội… là những hoạt động trực tuyến và cả trực tiếp mà Công đoàn ĐHQG-HCM đã tổ chức hoặc tham gia trong nhiều tháng qua, mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị thiết thực cho người lao động và người dân TP.HCM, góp phần chung tay cùng Thành phố chống dịch Covid-19.

    Chăm sóc sức khỏe tại nhà phòng ngừa SARS-CoV-2

    Hưởng ứng phong trào “Mỗi Công đoàn cơ sở một chương trình tình nguyện”, sáng 30/8, Công đoàn Khoa Y ĐHQG-HCM đã đăng cai tổ chức Chương trình tư vấn trực tuyến “Chăm sóc sức khỏe tại nhà phòng ngừa SARS-CoV-2”, thu hút rất nhiều cư dân Nhà công vụ ĐHQG-HCM và người thân tham gia.

    Tại buổi tư vấn, ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Hạnh- Khoa Y ĐHQG-HCM đã chia sẻ kiến thức y khoa về việc chăm sóc F0 tại nhà, những vấn đề lưu ý khi thực hiện 5K, cách sử dụng thuốc khi nhiễm bệnh cũng như nhận biết các dấu hiệu chuyển nặng và thông tin liên hệ khi cần.

    Theo bác sĩ Hạnh, việc thực hiện 5K, giữ bình tĩnh, giữ tinh thần lạc quan, tích cực và ăn uống đủ chất dinh dưỡng là các yếu tố rất quan trọng giúp mỗi người an toàn vượt qua mùa dịch.

    Bác sĩ Hạnh cũng đã trực tiếp tư vấn cho gần 10 trường hợp cụ thể liên quan vấn đề xét nghiệm, cách sử dụng máy đo SP02 và chăm sóc sức khỏe tại nhà.

    Tham gia buổi tư vấn, chị Đoàn Thị Minh Châu - Công đoàn viên Công đoàn Cơ quan ĐHQG-HCM cho biết: “Tôi nghe bác sĩ Hạnh tư vấn từ đầu đến cuối chương trình và nhận được nhiều thông tin, kiến thức rất bổ ích cho bản thân và gia đình. Bác sĩ Hạnh tư vấn rõ ràng và dễ hiểu. Đây là một chương trình rất hay, kịp thời giải đáp những thắc mắc của cư dân Nhà công vụ”.

    Điều trị trực tuyến, mỗi F0, F1 có 1 bác sĩ tư vấn

    Không chỉ tổ chức trực tuyến tư vấn chăm sóc sức khỏe để truyền đạt kiến thức phòng chống dịch, Công đoàn ĐHQG-HCM còn tổ chức Chương trình “Bác sĩ gia đình” dành cho các cán bộ viên chức, người lao động ĐHQG-HCM hoặc người thân thuộc diện F0, F1 đang cách ly tại nhà hoặc có những bệnh khác, gặp khó khăn trong việc tiếp cận bác sĩ trong hoàn cảnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

    Thông qua chương trình, mỗi gia đình muốn được tư vấn sức khỏe sẽ được Công đoàn kết nối với 1 bác sĩ phụ trách riêng qua zalo, hoặc điện thoại theo khung giờ quy định mỗi ngày. Sau khi người bệnh mô tả tình trạng của mình, các bác sĩ sẽ chẩn đoán từ xa và hướng dẫn cách điều trị, chăm sóc, sử dụng thuốc.

    Trong trường hợp cần tư vấn y tế khẩn cấp, các F0, F1 cũng có thể liên hệ trực tiếp với “Bác sĩ gia đình” để được hướng dẫn cách xử lý. Mỗi khi được kết nối, bác sĩ sẽ đồng hành cùng “gia đình” cho đến khi tình trạng F0, F1 ổn định hoặc lành bệnh.

    Trực tổng đài 1022 và fanpage “An sinh xã hội” hỗ trợ người dân khó khăn

    Từ 12 giờ 00, ngày 6/8, Tổng đài 1022 - nhánh số 4, do tình nguyện viên ĐHQG-HCM phụ trách đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là kênh tiếp nhận thông tin của người dân TP.HCM khi cần hỗ trợ, giải đáp về vấn đề chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. Chỉ sau 6 ngày đầu tiên, nhánh này đã tiếp nhận hơn 8.000 cuộc gọi.

    Các tình nguyện viên được chia thành các nhóm để tham gia trực từ 8 giờ 00 đến 22 giờ 00 mỗi ngày, để lắng nghe, ghi nhận, phân loại thông tin, và có nhiệm vụ nhanh chóng kết nối thông tin tới các tổ chức liên quan để hỗ trợ người dân.

    Tương tự Tổng đài 1022, thời gian qua, khoảng 50 cán bộ, giảng viên ĐHQG-HCM đã xung phong, tình nguyện trực, xử lý hàng ngàn tin nhắn mỗi ngày ở các fanpage "hotline" của Trung tâm An sinh TP.HCM để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn vì Covid-19.

    Thạc sĩ Phùng Quán, Phó chủ tịch Công đoàn ĐHQG-HCM cho biết, ban đầu, chỉ có 1 - 2 người trực fanpage, nhưng ngày càng đông người dân vào nhờ hỗ trợ. Sau này lại có thêm trang riêng của Trung tâm An sinh, lượt tin nhắn dồn dập, nên phải huy động thêm tình nguyện viên.

    “Những ngày đầu chỉ vài trăm tin nhắn, sau này mỗi ngày từ 1.000 đến 2.000 tin. Tôi thấy 50 người làm cũng không kịp. Mỗi buổi tối, chúng tôi đều họp lại với nhau, xem xét công việc, rút kinh nghiệm để làm sao xử lý tốt nhất cho người dân. Khi nào TP.HCM vẫn còn quy định người dân phải trong nhà, vẫn triển khai gói an sinh thì chúng tôi còn làm”, ông Quán nói.
    Tính tới nay đã có gần 50 người quản lý cả hai fanpage, tất cả đều là giảng viên, chuyên viên, viên chức, người lao động của ĐHQG-HCM.

    Tham gia chương trình “3 tại chỗ”

    Không chỉ thực hiện các hoạt động trực tuyến, suốt mấy tuần liền, nhiều cán bộ, viên chức các trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc ĐHQG-HCM như: Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Y, TT Thể dục Thể thao đã đăng ký và trực tiếp tham gia chuẩn bị các túi an sinh xã hội cùng với LĐLĐ Thành phố.

    Anh Tân Tài - CĐCS Khoa Y cho biết, công việc này đòi hỏi sự kiên trì và sức khỏe tốt vì gần như mỗi người đều phải tham gia thực hiện tất cả các khâu, từ kiểm đếm, phân chia, đóng gói đến khuân vác hàng hóa. Và dù áp lực thời gian, lại mất nhiều sức lực nhưng các TNV đều rất vui, ai ai cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao để mong sao các gói an sinh đến tay người dân nhanh nhất có thể. Các tình nguyện viên của ĐHQG-HCM còn rất vui khi được làm việc chung và cảm nhận được sự gần gũi, chan hòa, đoàn kết của cán bộ công đoàn LĐLĐ TP.HCM.

    Ngoài các hoạt động trên, sắp tới, Công đoàn ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho con” để hỗ trợ con của CBVC-NLĐ ĐHQG-HCM khó khăn và học sinh, sinh viên toàn quốc. Cụ thể, Công đoàn ĐHQG-HCM sẽ vận động hiện kim, hiện vật để trao tặng học bổng cho con của CBVC-NLĐ ĐHQG-HCM không may qua đời vì Covid-19; Hỗ trợ nâng cấp dung lượng đường truyền cho con các CBVC-NLĐ có nhu cầu. Đồng thời, thông qua các nhóm tình nguyện, Công đoàn cũng tổ chức hỗ trợ tư vấn trực tuyến để xử lý các sự cố khi học online, hỗ trợ giảng lại bài học cho học sinh, sinh viên hoặc tổ chức tặng máy tính cho các đối tượng trên từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau.

    KHÁNH LÂM

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên