Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng dân chủ của phan bội châu với quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội ở việt nam hiện nay-NCS. Lại Văn Nam

  • 06/12/2019
  •          Tên luận án: “Tư tưởng dân chủ của phan bội châu với quá trình  dân chủ hóa đời sống xã hội  ở việt nam hiện nay”

             Chuyên ngành: LỊCH SỬ TRIẾT HỌC
             Mã số: 62.22.80.01  
             Họ và tên nghiên cứu sinh: LẠI VĂN NAM    
             Người hướng dẫn khoa học: PGS,TS. LƯƠNG MINH CỪ
             Cơ sở đào tạo: TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XH & NV-ĐHQG. HỒ CHÍ MINH

    1. Tóm tắt nội dung luận án         
    Tư tưởng dân chủ là một trong những giá trị căn bản, khẳng định, đề cao quyền sống, quyền tự do của con người. Dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước, luôn đề cao tinh thần, giá trị của dân chủ. Chính những giá trị của tư ưởng dân chủ ấy đã góp phần khẳng định cốt cách, bản sắc Việt Nam; đó cũng chính là một trong những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong lịch sử. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó, trong quá trình cách mạng cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta luôn đề cao, phát huy vai trò của dân chủ trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; do đó chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, thành quả của công cuộc đổi mới mà nước ta đạt được chỉ là bước đầu, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phải phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa công cuộc đổi mới đến thành công. Trong đó, phát huy dân chủ cũng như thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội có vấn đề có ý nghĩa quyết định. Vì thế, nghiên cứu tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu, từ đó rút ra những bài học lịch sử, góp phần vào việc phát huy dân chủ hóa đời sống xã hội hiện nay  ở Việt Nam hiện nay là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực.
    Tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu hình thành, chính là sự phản ánh những điều kiện lịch sử và yêu cầu cấp thiết của xã hội Việt Nam và thế giới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đặt ra, đó là yêu cầu giải phóng cho nhân dân các dân tộc nói chung và cho dân tộc Việt Nam, phát huy quyền làm chủ dân tộc, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc nói riêng. Là hình thái ý thức xã hội, tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu còn là sự tiếp thu những tiền đề tư tưởng trước đó. Đó là tinh thần yêu nước thương nòi, là quan điểm đề cao vai trò của dân, dân là gốc, “trọng dân”, “thân dân”, “khoan sức dân”, là tinh thần cố kết cộng đồng trong truyền thống văn hóa Việt Nam; đó còn là tư tưởng đề cao giá trị tốt đẹp trong đạo lý của Nho giáo, như “dân vi quý”, “dân vi bản”; là các quan điểm từ bi, hỷ xả, nhân văn Phật giáo; “ái nhân như kỷ” của đạo Datô; là quan điểm tiến bộ về pháp quyền, nhân quyền, dân quyền, quốc quyền, về dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái trong tư tưởng phương Tây. Trong đó, đặc biệt là tư tưởng dân chủ, giải phóng con người của chủ nghĩa Mác - Lênin. 
    Tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu chứa đựng những nội dung tiến bộ, sâu sắc, phong phú, có tính cách mạng. Một là, quan điểm về nhà nước dân chủ, nhà nước mà mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Trong đó nhân dân thể hiện quyền chính trị của mình thông qua việc tham gia ứng cử, bầu cử, quyền xem xét, đánh giá công việc của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và nhất là quyền bãi miễn người không xứng đáng trong bộ chức nhà nước. Hai là, quan điểm của Phan Bội Châu về các quyền và nghĩa vụ của công dân, đó là các quyền sống cơ bản của con người, như quyền tự do cư trú, đi lại; quyền tự do làm ăn, sản xuất, sinh sống; quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, quyền bầu cử và đặc biệt là sự bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật (Phan Bội Châu, Nam quốc dân tu tri, Lợi quyền, t. 8 tr. 19); và các nghĩa vụ cơ bản của công dân, như nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nghĩa vụ sống theo Hiến pháp và pháp luật, kể cả người nước ngoài; nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước (Phan Bội Châu, Tân Việt Nam, t. 2, tr. 260; Việt Nam Quang phục phương lược, t. 3, tr. 375 - 389)… Tất cả đều xuất phát từ đặc điểm chủ yếu đó là tính chất quá độ trong tư tưởng dân chủ, là tính kế thừa và phát triển, là tính nhân văn trong tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu.
    Với nội dung và đặc điểm đặc sắc trong tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu không chỉ đã làm phong phú, sâu sắc, sinh động nội dung tư tưởng dân chủ của dân tộc Việt Nam mà còn góp phần khẳng định vai trò, sức mạnh của nhân dân, khơi dậy lòng tin của nhân dân, thức tỉnh tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, nung nấu chí căm thù giặc, hun đúc ý chí chiến đấu, là nguồn động lực to lớn, cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng, động viên và tập hợp quần chúng đoàn kết đứng lên đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử và lập trường giai cấp chi phối, cho nên ngoài những tư tưởng dân chủ tiến bộ, sâu sắc, trong tư tưởng của Phan Bội Châu vẫn còn những hạn chế nhất định. Do vẫn còn ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo và do đang trong quá trình chuyển biến tư tưởng, từ quan điểm lập trường tư tưởng quân chủ sang lập trường dân chủ tư sản, tiến gần đến chủ nghĩa Mác - Lê nin, cho nên trong tư tưởng của Phan Bội Châu vẫn còn mang tính quá độ và có những quan điểm thực sự khoa học. Nếu bỏ qua những hạn chế ấy, giá trị nhân văn của ông vẫn còn là bài học lịch sử bổ ích trong việc xây dựng và phát huy vai trò của dân chủ trong đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Luận án đã trình bày, phân tích, hệ thống hóa và làm rõ những nội dung cơ bản và những đặc điểm chủ yếu trong tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu. Trên cơ sở đó, luận án phân tích, đánh giá, chỉ ra những ý nghĩa lịch sử và hạn chế trong giá trị nhân văn của Phan Bội Châu; từ đó rút ra những bài học lịch sử thiết thực và bổ ích, góp phần vào việc phát huy vai trò dân chủ đối với quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Bằng sự trình bày một cách có hệ thống những nội dung, đặc điểm và ý nghĩa trong tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu, luận án không chỉ giúp người đọc có sự nhận thức sâu sắc hơn tư tưởng của Phan Bội Châu mà còn giúp có sự đánh giá khách quan, đúng đắn hơn giá trị, vai trò của tư tưởng Phan Bội Châu trong lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Những bài học lịch sử rút ra từ tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu, là những vấn đề có ý nghĩa thực tiễn thiết thực góp phần trong việc phát huy vai trò dân chủ đối với quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay.
     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên