Tên luận án: Xây dựng cơ sở pháp lý cho quan hệ tài sản tín thác tại Việt Nam
Chuyên ngành: Luật Dân sự và Tố tụng Dân sự
Mã số: 9380103
Họ tên: Lê Bích Thủy
Mã số NCS: N20709051
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Vũ Nam, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM
1. Tóm tắt luận án
Tín thác đã hình thành, phát triển và trở nên khá phổ biến từ rất lâu trên thế giới. Tại Việt Nam, các quan hệ tài sản có đặc điểm của quan hệ tài sản tín thác tồn tại khá phổ biến trong thực tiễn đời sống dân sự và được điều chỉnh bởi một số chế định nằm rải rác trong pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, ngân hàng, chứng khoán… Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa nhận diện sự tồn tại của quan hệ tài sản tín thác trong hệ thống pháp luật dân sự. Do đó, khi phát sinh những nhu cầu thực tế hoặc khi giải quyết xung đột có liên quan, cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa đạt được các giải pháp triệt để và thoả đáng. Một số quan hệ tài sản mặc dù tồn tại khá phổ biến nhưng vẫn chưa được quy định pháp luật điều chỉnh triệt để, dẫn đến nhiều xung đột trong thực tế. Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế làm gia tăng giao lưu dân sự, thương mại, đầu tư dẫn đến phát sinh tài sản và quan hệ tài sản có yếu tố nước ngoài. Pháp luật Việt Nam khi thiếu chế định điều chỉnh quan hệ tài sản tín thác có thể gây trở ngại hoặc cản trở việc quản lý, khai thác tài sản trong các quan hệ tài sản có yếu tố nước ngoài này. Thực tiễn cho thấy nhu cầu nghiên cứu “Xây dựng cơ sở pháp lý cho quan hệ tài sản tín thác tại Việt Nam” với mong muốn dùng kết quả của nghiên cứu để đề xuất xây dựng nền tảng pháp luật phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ tài sản tín thác được hình thành và phát triển trong khuôn khổ pháp luật tại Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu của Luận án đề xuất cơ sở pháp lý cần thiết để quan hệ tài sản tín thác phát triển tại Việt Nam là sự xuất hiện của các khái niệm mới về quan hệ tài sản tín thác và quyền đối với tài sản tín thác trong pháp luật dân sự, đóng vai trò định hướng để các quan hệ tài sản phát triển phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng đa dạng của người dân. Dựa vào các khái niệm này, cơ quan tư pháp có cơ sở giải quyết các tranh chấp phát sinh một cách hợp lý hơn. Đồng thời, cơ sở pháp lý cũng là các biện pháp quản lý hành chính nhằm minh bạch giao dịch liên quan đến tài sản trong mối quan hệ sao cho quyền lợi của các chủ thể được bảo vệ trong bối cảnh quy tắc pháp lý và trật tự xã hội được bảo đảm.
2. Những kết quả mới của luận án
Luận án là công trình khoa học cấp tiến sĩ đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về công cụ pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản mang bản chất của quan hệ tài sản tín thác trong lĩnh vực dân sự tại Việt Nam. Đồng thời, Luận án cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên đưa ra những đề xuất xây dựng các cơ sở pháp lý cụ thể để nhận diện và thống nhất điều chỉnh quan hệ tài sản tín thác trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, Luận án bổ sung nhằm hoàn thiện hơn tình hình nghiên cứu trên thế giới về lĩnh vực tín thác tại một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.
Luận án có những điểm mới sau:
- Luận án đã hệ thống được bản chất của quan hệ tài sản tín thác và cơ sở lý luận của việc hình thành công cụ điều chỉnh quan hệ tài sản tín thác trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới nhằm đúc kết thành một số kinh nghiệm cho Việt Nam;
- Luận án phân tích được thực trạng pháp luật Việt Nam và nhu cầu cần điều chỉnh quan hệ tài sản tín thác bằng pháp luật Việt Nam;
- Luận án đưa ra một số đề xuất mang tính cụ thể, chi tiết và toàn diện để nhận diện và thống nhất điều chỉnh quan hệ tài sản tín thác tại Việt Nam nhằm cải cách pháp luật tài sản của Việt Nam theo hướng hội nhập hơn với pháp luật thế giới dựa trên các cơ sở lý luận hiện có. Dựa trên chủ thuyết về các ngoại lệ của học thuyết sản nghiệp hiện diện trong pháp luật Việt Nam, Luận án đề xuất giới thiệu khái niệm quan hệ tài sản tín thác và quyền đối với tài sản trong quan hệ tài sản tín thác vào Bộ luật Dân sự với mục đích làm cơ sở nhận diện, hình thành và điều chỉnh quan hệ tài sản tín thác. Đây cũng là các khái niệm nền tảng có tác dụng định hướng cho quan hệ tài sản tín thác phát triển theo pháp luật.
- Luận án đề xuất xây dựng hệ thống đăng ký quan hệ tài sản tín thác và tài sản tín thác nhằm bảo vệ quyền của các bên trong giao dịch liên quan đến tài sản trong mối quan hệ tài sản tín thác; đồng thời, thông qua hoạt động tư pháp để công nhận sự bảo vệ của pháp luật đối với sự hình thành và phát triển đúng pháp luật của các quan hệ tài sản tín thác
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Những kết quả nghiên cứu của Luận án sẽ đóng góp vào công cuộc hoàn thiện pháp luật tài sản Việt Nam theo hướng hội nhập pháp luật thế giới, thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển. Thông qua phân tích cơ sở lý luận, đề xuất nội dung và phương thức xây dựng những cơ sở pháp lý điều chỉnh quan hệ tài sản tín thác, Luận án có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn nhất định. Kết quả của nghiên cứu có thể được dùng như tài liệu tham khảo hữu ích cho cơ quan xây dựng pháp luật khi tìm kiếm định hướng cho các quan hệ tài sản phát triển phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân nhưng vẫn vận hành theo đúng quy định pháp luật, do đó, sẽ được giải quyết hợp lý hơn trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Ngoài ra, Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng về quản lý tài sản ở các cấp học trong các cơ sở đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam.
Điểm thiếu sót lớn nhất của Luận án là thiếu nghiên cứu và phân tích sâu về những bất cập của việc tiếp nhận công cụ điều chỉnh tín thác vào Việt Nam. Ccó thể kể đến một số tác động tiêu cực như: thực hiện các giao dịch tài sản tín thác với mục tiêu trái pháp luật như hối lộ, rửa tiền hay trốn thuế; dùng giao dịch tài sản tín thác để trốn tránh nghĩa vụ đối với chủ nợ của bản thân; quan hệ tài sản tín thác tiềm ẩn thách thức đối với quá trình thực thi pháp luật thừa kế… Trên thực tế, một số vấn đề đã có biện pháp để kiểm soát hoặc hạn chế tác động, trong khi biện pháp giải quyết một số vấn đề khác đang còn bỏ ngỏ, ví dụ như đối với trường hợp xác lập quan hệ tài sản tín thác có thể xâm phạm quyền thừa kế theo pháp luật. Dựa trên những nguồn tài liệu hiện có thể tiếp cận, Luận án chưa thể thực hiện nghiên cứu mang kết quả chi tiết và thực tế hơn về những bất cập của tiếp nhận tín thác tại các quốc trên thế giới nhằm đưa ra những đánh giá mang tính cảnh báo cho các nhà làm luật Việt Nam. Khoảng trống này có thể xem là một gợi ý cho những nghiên cứu khác trong tương lai.
Hãy là người bình luận đầu tiên