Tin tổng hợp

Đào tạo ngành Kỹ thuật Không gian khóa đầu tiên

  • 14/12/2016
  • Ngày 20/4, Giám đốc ĐHQG-HCM đã ký quyết định giao nhiệm vụ cho Trường ĐH Quốc Tế đào tạo thí điểm trình độ đại học hệ chính quy ngành Kỹ thuật Không gian (KTKG). Đây là ngành đầu tiên và duy nhất được đào tạo trình độ đại học ở Việt Nam hiện nay.

    Trong đợt tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016, ngành KTKG có 12 sinh viên trúng tuyển với điểm chuẩn là 18,5, mở đầu cho mục tiêu chiến lược quốc gia về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020. 

    Ngành học đặc biệt

    KTKG là chương trình đào tạo kỹ sư 4 năm trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vệ tinh, bao gồm: Xử lý và phân tích tín hiệu, hình ảnh vệ tinh, công nghệ viễn thám và định vị vệ tinh. Chương trình được thiết kế 141 tín chỉ theo các tiêu chuẩn của ABET dành cho chương trình kỹ sư với các môn cơ bản: Toán học, Vật lý, Khoa học kỹ thuật không gian, Xây dựng thiết kế hệ thống và Thực hành tại phòng thí nghiệm. 

    PGS.TS Phan Bảo Ngọc, người tham gia xây dựng ngành KTKG cho biết: “Đây là chương trình được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, tập trung đào tạo kỹ sư chuyên về xử lý ảnh và phân tích tín hiệu vệ tinh, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược quốc gia và nhu cầu xã hội”.

    Để chuẩn bị cho khóa học đầu tiên, Trường ĐH Quốc Tế đã xây dựng 7 phòng thí nghiệm (PTN) trong đó một PTN về mô phỏng vệ tinh để sinh viên có điều kiện thực hành.

    100% giảng viên ngành KTKG đều đạt trình độ quốc tế. Đa số giảng viên được đào tạo ở nước ngoài và một số chuyên gia đang làm việc tại Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Công nghệ Vũ trụ Hà Nội. Bên cạnh đó, việc mở ngành KTKG cũng tạo cơ hội cho các chuyên gia người Việt ở nước ngoài quay trở về làm việc và nghiên cứu ở Trường ĐH Quốc Tế như PGS.TS Võ Tường Thụy (Trường ĐH Nottingham, Anh). 

    Theo PGS.TS Phan Bảo Ngọc cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy ngành KTKG không có quá nhiều trở ngại. Vì ngành này có thể kết hợp với các khoa khác trong trường như Điện tử Viễn thông, Công nghệ Thông tin... để dùng chung PTN. Việc chia sẻ cơ sở vật chất cũng sẽ làm tăng tối đa hiệu quả sử dụng các PTN. “Tuy nhiên, cơ sở vật chất để phục vụ nghiên cứu vẫn còn thiếu và rất cần sự đầu tư của Chính phủ và ĐHQG-HCM, cũng như sự hỗ trợ học bổng cho sinh viên theo ngành học đặc biệt này” - Ông Ngọc cho biết.

    Dự kiến đến năm 2021, ngành KTKG sẽ đẩy mạnh hướng nghiên cứu công nghệ không gian bao gồm thiết kế, phóng và vận hành các vệ tinh viễn thám cỡ nhỏ. 

    PGS.TS Phan Bảo Ngọc - người đặt nền móng xây dựng ngành KTKG. Ảnh: NVCC


    Cơ hội nhiều và áp lực lớn

        Khi quyết định theo đuổi một ngành học đặc biệt, 12 tân sinh viên ngành KTKG khóa 2016-2020 có nhiều cảm xúc trái ngược. Bạn Võ Ngọc Thủy Tiên chia sẻ: “Em không cảm thấy áp lực mà ngược lại thấy vô cùng tự hào được làm một trong những người trẻ tiên phong. Hiện tại em đã xác định được hướng đi cho mình và hy vọng có thể phát minh một số sản phẩm có ích cho cộng đồng”.

        Còn bạn Lê Kim Long khi nghĩ tới chặng đường dài sẽ được làm việc với những chuyên gia đầu ngành về KTKG thì vừa vui, vừa lo lắng: “Là thế hệ sinh viên đầu tiên, em thấy rất tự hào, nhưng cũng có chút tủi thân vì ngoài các thầy cô thì không có ai đi trước để chỉ dẫn. Chúng em phải tự tìm hiểu và tự làm mọi thứ. Cơ hội nhiều mà áp lực cũng rất lớn”. 

    Lễ đón tân sinh viên ngành KTKG. Ảnh: NVCC


        Học ở một ngành mới, sinh viên tốt nghiệp hứa hẹn có rất nhiều cơ hội việc làm. PGS.TS Phan Bảo Ngọc cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành KTKG được cấp bằng kỹ sư chính quy, có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh doanh có sử dụng dữ liệu vệ tinh để quan sát như tài nguyên - môi trường, quy hoạch - quản lý đô thị... Hiện tại, chỉ riêng ở TP.HCM đã có hơn 10 công ty tư nhân liên quan đến lĩnh vực viễn thám, bản đồ số và định vị vệ tinh. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo sinh viên còn được trang bị kỹ năng khởi nghiệp để có thể thành lập công ty kinh doanh, phát triển công nghệ trong lĩnh vực KTKG.

        “Ngành KTKG liên kết với Trung tâm Vệ tinh Quốc gia và Viện Công nghệ Vũ trụ để nhận sinh viên thực tập và giúp sinh viên có cơ hội được làm việc tại đây. Ngoài ra, 10% sinh viên năm III xuất sắc sẽ có cơ hội được các đối tác của Trường ĐH Quốc Tế tài trợ thực tập từ 1 - 3 tháng tại các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan” - Ông Ngọc cho biết thêm.

    NGUYÊN HẰNG - BÍCH HUỆ

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên