Tin tổng hợp

Về một nền giáo dục học thật, thi thật, nhân tài thật!

  • 22/05/2021
  • Hưởng ứng đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề "học thật, thi thật và nhân tài thật", PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM đã có những phân tích sâu sắc cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa khoa bảng của nước ta từ xa xưa đến vấn đề thi cử, và từ đó ông đã đưa ra những đề xuất đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Website ĐHQG-HCM trân trọng chia sẻ cùng quý độc giả.

    Về văn hóa khoa bảng của nước ta

    Từ xa xưa, người Việt Nam chúng ta đã có truyền thống coi trọng lễ nghĩa, coi trọng sự học. Theo lịch sử, chế độ khoa cử bắt đầu từ thời nhà Lý, năm 1075, được áp dụng để lựa chọn và bổ nhiệm quan chức. Hệ thống này có ba cấp độ: thi hương, thi hội và thi đình. Thi đình là kỳ thi quan trọng nhất và khó nhất đối với các sĩ tử và do nhà vua trực tiếp làm giám khảo để chọn ra những tài năng ưu tú nhất của đất nước. Những người đỗ trong kỳ thi này sẽ được phong danh hiệu tiến sĩ. Người đỗ đầu bảng tiến sĩ sẽ được gọi là trạng nguyên. Sau kỳ thi, nhà vua bổ nhiệm các tiến sĩ vào những chức quan nhất định. Các tiến sĩ thường được triều đình mời dự yến tiệc, được vua ban phẩm phụ, được quê nhà đón tiếp long trọng, gọi là “Lễ đón tiến sĩ vinh quy bái tổ”.

     

    Trải qua non một thế kỷ, tuy có những thay đổi, nhưng phương thức đánh giá chung của chế độ khoa cử về cơ bản là dựa vào bài luận. Các ứng viên được yêu cầu viết bài luận về chính trị, dựa vào các tác phẩm kinh điển, chủ yếu là tứ thư và ngũ kinh.

     

    Một số ưu điểm của chế độ khoa cử này khiến nó tồn tại bền vững dọc theo chiều dài lịch sử. Trước tiên, là tính đơn giản, không tốn kém cho cả triều đình và người dân vì nó chỉ liên quan đến việc tổ chức thi. Thứ hai, nó không có yêu cầu đầu vào, hay nói cách khác, bất luận giàu, nghèo, thành phần gia đình, ai cũng có thể được tham gia. Văn hóa dân gian của Việt Nam, qua các tác phẩm văn học, các loại hình nghệ thuật, thường đề cập đến những câu chuyện về các nhân vật xuất thân từ những gia đình nghèo khó, chăm chỉ cần cù dùi mài kinh sử, thi đỗ trạng nguyên, được bổ nhiệm làm quan, được nhà vua ban thưởng, thậm chí gả công chúa …

     

    Văn hóa khoa bảng đã lan tỏa vào hầu hết tất cả các gia đình, ở mọi tầng lớp trong xã hội. Cha mẹ nuôi dưỡng, gửi gắm niềm tin và hy vọng về tương lai của con cái vào thành tích tại các kỳ thi.

     

    Bên cạnh những mặt tích cực thì văn hóa khoa bảng cũng có những mặt tiêu cực, nhất là việc quá chú trọng vào thi cử và bằng cấp nên xuất hiện kiểu học vẹt, học để thi chứ không phải “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” mà UNESCO đã khởi xướng.

     

    Ảnh hưởng của văn hóa khoa bảng đối với xã hội hiện nay

     

    Gần một thế kỷ đã qua nhưng văn hóa khoa bảng vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến mỗi gia đình của người Việt Nam. Mối quan hệ giữa địa vị xã hội và khoa bảng đỗ đạt, bằng cấp dường như trở thành đồng nhất trong tâm trí mọi người.

     

    Trong xã hội hiện đại ngày hôm nay, những ảnh hưởng tích cực từ văn hóa khoa bảng vẫn còn rất đậm nét. Đó là truyền thống hiếu học của người Việt Nam, là niềm tin vào sự chăm chỉ, chịu khó sẽ mang lại thành quả tốt đẹp trong tương lai. Hầu hết các gia đình ở Việt Nam đều tin rằng đầu tư vào học tập là phương thức tốt nhất để mang lại thành công cho con sau này.

     

    Tuy nhiên chế độ khoa cử cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến những mặt trái, những hệ lụy tiêu cực trong xã hội hiện đại. Đó là việc đề cao thành tích thi cử hơn là sự học, thực học để tự trau dồi nâng cao kiến thức; coi trọng và đề cao bằng cấp hơn là năng lực thực sự.

     

    Các yếu tố để thay đổi

     

    Có nhiều yếu tố có thể từng bước thay đổi quan niệm về vấn đề thi cử và bằng cấp, từ nhận thức của mỗi cá nhân đến gia đình đến xã hội; từ cách đào tạo, tuyển dụng đến công tác bổ nhiệm cán bộ.

     

    Thực tiễn cho thấy ở xã hội hiện đại, ngoài con đường học vấn thì còn nhiều con đường khác có thể mang lại thành công. Đó có thể là lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao… Ước mơ trở thành bác sĩ là ước mơ đẹp của nhiều bạn trẻ, của nhiều gia đình. Tuy nhiên nếu không trở thành bác sĩ được thì vẫn có thể là một y tá, một hộ lý tận tụy với nghề, yêu thương và chăm sóc bệnh nhân bằng cả tấm lòng. Họ sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc.

     

    Thực tiễn cũng cho thấy, tùy vào ngành nghề khác nhau, yêu cầu về bằng cấp là khác nhau. Đối các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài thì rõ ràng năng lực - chứ không phải là bằng cấp - là yếu tố quyết định. Đối với cán bộ giảng dạy trong các trường đại học thì cần phải có chuyên môn sâu, có năng lực nghiên cứu để sáng tạo tri thức mới nên yêu cầu về bằng cấp là cần thiết.

     

    Trái lại, đối với các lĩnh vực quản lý công thì khả năng tự học, thực học của công chức, viên chức để trau dồi kiến thức, kỹ năng là quan trọng hơn cả. Đối với các lĩnh vực này, hồ sơ tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nên cân nhắc chỉ cần ghi trình độ cao nhất là tốt nghiệp đại học.

     

    PGS.TS Vũ Hải Quân

    (Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên