Tối 30/12, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao giải thưởng Sáng tạo lần thứ 2 năm 2021. Tại buổi lễ, 6 công trình nghiên cứu, giải pháp của giảng viên ĐHQG-HCM đã xuất sắc giành được 4 giải Nhì, 2 giải Ba, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố.
Trong đó, 4 công trình của Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Quốc Tế, Khoa Y, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử (INOMAR) đạt giải Nhì gồm: “Nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị sản xuất Bún, Phở dạng mini trang bị cho các nhà hàng khách sạn trên thế giới để quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt” (PGS.TS Trần Doãn Sơn - Khoa cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa); “Nghiên cứu và phát triển hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên ảnh MRI sọ não ở Việt Nam” (TS Hà Thị Thanh Hương, TS Ngô Thanh Hoàn, TS Nguyễn Thanh Đức, TS Ngô Thị Lụa - Bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trường Đại học Quốc Tế); “DNAi, hệ thống tích hợp khoa học dữ liệu hệ gen và lâm sàng để phát hiện bệnh di truyền hiếm trong y khoa” (TS Bùi Chí Bảo, ThS Phạm Thị Thanh Thủy, ThS Phạm Thị Trúc Linh - Phòng Khoa học Công nghệ, Khoa Y); “Thiết kế và chế tạo vật liệu Nano xốp mới ứng dụng trong điều trị ung thư, chuyển hóa năng lượng và hướng xử lý môi trường” (TS Đoàn Lê Hoàng Tân - INOMAR).
Ngoài ra, 2 công trình khác của Trường ĐH Bách Khoa đã giành được giải Ba. Đó là công trình “Nghiên cứu điều chỉnh cấu trúc pha kết hợp với liên kết thuận nghịch Diels – Alders nhằm tạo ra vật liệu polyurethane mới có cơ tính cao và tính năng tự lành ở nhiệt độ ôn hòa” của PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu, PGS.TS Nguyễn Trần Hà Khoa Công nghệ Vật liệu; và công trình “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông dựa vào dữ liệu cộng đồng và phân tích dữ liệu lớn” của PGS.TS Trần Minh Quang, ThS Mai Tấn Hà, ThS Phạm Nguyễn Hoàng Nam - Khoa Kỹ thuật máy tính.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, các giải pháp, công trình đạt Giải thưởng Sáng tạo lần này sẽ là tiền đề, hạt nhân thấm sâu và lan tỏa vào mỗi người dân thành phố. “Với trên 10 triệu người đang sinh sống và học tập trên địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh có niềm tin mãnh liệt rằng sự năng động, sáng tạo sẽ là chìa khóa giúp Thành phố vươn lên và bứt phá sau dịch bệnh. Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo thành xu thế tất yếu của xã hội trong điều kiện bình thường mới và cả trong tương lai,” ông Phan Văn Mãi nói.
Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM được xét tặng 2 năm một lần đối với 7 lĩnh vực: lĩnh vực 1 (phát triển kinh tế); lĩnh vực 2 (quốc phòng, an ninh); lĩnh vực 3 (quản lý nhà nước); lĩnh vực 4 (truyền thông); lĩnh vực 5 (văn học nghệ thuật); lĩnh vực 6 (khoa học kỹ thuật); lĩnh vực 7 (khởi nghiệp sáng tạo). Đây là giải thưởng nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống, tiềm năng sáng tạo của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, khẳng định năng lực sáng tạo của người dân TP.HCM góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM trở thành thành phố thông minh, hiện đại.
Năm nay, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM đã xét chọn 50 công trình để trao giải. Trong đó, có 3 giải Nhất, 15 giải Nhì và 32 giải Ba.
Tại buổi lễ, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã phát động Giải thưởng Sáng tạo lần thứ 3 năm 2022.
BẢO KHÁNH
Hãy là người bình luận đầu tiên