Tin tổng hợp

Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

  • 10/07/2025
  • Ngày 10/7/2025, ĐHQG-HCM phối hợp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”. Chương trình nhằm cụ thể hóa các mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và vai trò tiên phong trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

    Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Đại Dương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; PGS.TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG-HCM; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; các đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và doanh nghiệp.

    Thể hiện vai trò tiên phong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW

    Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của Hội thảo trong bối cảnh thế giới chuyển động mạnh mẽ với sự trỗi dậy của kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Trong nước, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang diễn ra sâu rộng, gắn liền với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Để đạt mục tiêu này, cần nhanh chóng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và hiệu quả.

    Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo

    Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương khẳng định, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những đột phá chiến lược. Hội thảo là cơ hội quan trọng để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện đề án thực hiện nghị quyết và phục vụ công tác tham mưu, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai.

    Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đồng thời gợi mở một số nội dung trọng tâm cần tập trung thảo luận như phương pháp đo lường năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong điều kiện phát triển kinh tế số, những thách thức và hạn chế trong việc nâng cao năng suất, mối quan hệ giữa kinh tế số và TFP, cũng như bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới trong việc thúc đẩy tăng năng suất toàn nền kinh tế.

    PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, thời gian qua, ĐHQG-HCM đã chủ động ký kết hợp tác với nhiều đơn vị, trong đó 02 lần kỳ kết với Ban Kinh tế Trung ương (nay là Ban Chính sách, chiến lược Trung ương), tập trung vào hai trọng tâm lớn: nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các mô hình tăng trưởng mới; nghiên cứu, tư vấn chính sách phát triển bền vững. Trong bối cảnh Nghị quyết số 57-NQ/TW đang được triển khai quyết liệt, vấn đề kinh tế số được xác định đóng vai trò then chốt trong hiện thực hóa các mục tiêu của nghị quyết.

    PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại hội thảo

    Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Hội thảo lần này là kết quả phối hợp giữa ĐHQG-HCM và Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nhằm thảo luận sâu sắc về mối quan hệ giữa TFP và kinh tế số trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, Hội thảo còn góp phần khẳng định vai trò hạt nhân của ĐHQG-HCM tại khu vực phía Nam, trong việc kết nối hiệu quả giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc triển khai các định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

    Kiến tạo mô hình tăng trưởng mới dựa trên TFP và kinh tế số

    Hội thảo khoa học “Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm liên quan đế việc kiến tạo mô hình tăng trưởng mới dựa trên các trụ cột: con người, công nghệ, chuyển đổi số và thể chế; nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) để đạt mức đóng góp trên 55% vào tăng trưởng GDP; phát triển kinh tế số để chiếm tối thiểu 30% GDP; tái cấu trúc ngành công nghiệp nhằm đưa xuất khẩu công nghệ cao đạt ít nhất 50% tổng giá trị xuất khẩu. Nhiều vấn đề thiết thực cũng được đặt ra như đo lường TFP trong nền kinh tế số, vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng suất, xây dựng thể chế số, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hệ sinh thái thanh toán - tài chính số, thu hút FDI thế hệ mới và chiến lược nội địa hóa công nghệ.

    Hội thảo quy tụ nhiều tham luận chuyên sâu từ các nhà khoa học và chuyên gia trong và ngoài nước. Đồng chí Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình bày về vai trò của chuyển đổi số trong nâng cao năng suất lao động. Phó Cục trưởng Cục Thống kê - Nguyễn Việt Phong phân tích thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế số và TFP tại Việt Nam. TS Đặng Quang Vinh từ Ngân hàng Thế giới chia sẻ về tiềm năng đổi mới sáng tạo gắn với xuất khẩu công nghệ cao. GS.TS Vũ Minh Khương (ĐH Singapore) mang đến góc nhìn định lượng về động lực tăng trưởng của Việt Nam, trong khi GS Tan Swee Liang (ĐH Quản lý Singapore) cung cấp bài học từ hành trình nâng cao TFP của Singapore.

    Trong phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu tập trung vào ba nhóm chủ đề lớn: đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế số; tăng trưởng TFP trong mô hình kinh tế mới gắn với Nghị quyết 57-NQ/TW; và vai trò của doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển và tăng trưởng TFP. Các ý kiến nhấn mạnh vai trò chiến lược của kinh tế số và TFP, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể như hoàn thiện khung chính sách dữ liệu, thúc đẩy đầu tư công nghệ, tăng cường liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và hệ thống viện - trường.

    Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều sáng kiến nhằm hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Ông Trần Kim Chung - Chủ tịch Tập đoàn CT Group cho biết, doanh nghiệp đã ra mắt chip chuyển đổi số do chính mình nghiên cứu, đồng thời thành lập Ban chuyên trách nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, hướng tới nền kinh tế số hiệu quả. CT Group cũng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như tín chỉ carbon, drone, công nghệ gen - tế bào, lượng tử và AI để xây dựng nền tảng phát triển bền vững. Ông Phạm Tuấn Anh - Chánh Văn phòng Tập đoàn Becamex IDC Việt Nam cho biết doanh nghiệp đang phối hợp với địa phương xây dựng các đề án đô thị thông minh, xanh hóa và phát triển công nghiệp bền vững. Ông Tuấn Anh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ĐHQG-HCM trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối doanh nghiệp và địa phương trong hệ sinh thái phát triển chung.

    Toàn cảnh hội thảo

    Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Đại Dương trân trọng ghi nhận các ý kiến, tham luận sâu sắc từ các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tham dự. Những đóng góp này là cơ sở quan trọng cho công tác tham mưu Bộ Chính trị trong quá trình triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW. Đặc biệt, đồng chí Phạm Đại Dương bày tỏ sự đồng tình cao với việc coi năng suất các nhân tố tổng hợp là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế. Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cũng lưu ý, để khai thác hiệu quả công cụ này, cần xây dựng một công thức tính TFP cụ thể, thống nhất và có cơ sở khoa học rõ ràng. Đây sẽ là nội dung quan trọng cần tiếp tục được thảo luận sâu hơn trong các chương trình chuyên đề sắp tới.

    Đồng chí Phạm Đại Dương trân trọng ghi nhận các ý kiến, tham luận sâu sắc từ các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tham dự.
    Đồng chí Phạm Đại Dương trân trọng ghi nhận các ý kiến, tham luận sâu sắc từ các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tham dự.

    KHẮC HIẾU

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên