Tin tổng hợp

Trí thức trẻ ĐHQG-HCM đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ liên ngành

  • 30/11/2024
  • Từ 29/11 đến 30/11, Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ ĐHQG-HCM lần thứ IV với chủ đề “Trí thức trẻ ĐHQG-HCM đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ liên ngành giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới”. Chương trình mang lại cơ hội để các trí thức trẻ cùng thảo luận, chia sẻ và đề xuất sáng kiến khoa học, công nghệ đột phá.

    GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của tri thức, đó là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến thịnh vượng và bền vững.
    GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của tri thức, đó là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến thịnh vượng và bền vững.

    Phát biểu tại phiên bế mạc Diễn đàn, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của tri thức, đó là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến thịnh vượng và bền vững. Theo đó, Diễn đàn Trí thức trẻ ĐHQG-HCM lần thứ IV đã minh chứng được tinh thần và trách nhiệm của đội ngũ trí thức trẻ trong việc phát triển đất nước, nâng cao vị thế quốc gia.

    “Tôi tin rằng, với tri thức và sự nhạy bén, các bạn trẻ có thể làm chủ công nghệ, đưa ĐHQG-HCM trở thành trung tâm sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ đột phá. Qua việc nghiên cứu, sáng tạo, đội ngũ trí thức trẻ ĐHQG-HCM sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc gia, lan tỏa tri thức nhân văn”, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM nói.

    135 đại biểu trí thức trẻ từ 25 đơn vị khác nhau

    Diễn đàn Trí thức trẻ ĐHQG-HCM lần thứ IV quy tụ 135 đại biểu đang công tác, học tập từ hơn 25 đơn vị trong hệ thống ĐHQG-HCM. Các đại biểu đã trình bày những giải pháp đột phá, thiết thực, qua đó đóng góp những ý tưởng và kết quả nghiên cứu quan trọng vào sự phát triển bền vững của ĐHQG-HCM.

    Diễn đàn năm nay bao gồm ba nhóm chủ đề chính: (1) Giải pháp góp phần phát triển ĐHQG-HCM trở thành trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao; (2) Giải pháp thúc đẩy nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế - luật; (3) Giải pháp phát triển một số mô hình tăng trưởng đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Theo đó, chủ đề 1 có 16 đại biểu tham gia với 1 tham luận và 13 ý kiến trao đổi. Chủ đề 2 có 17 đại biểu tham gia, 3 tham luận và 25 ý kiến trao đổi. Chủ đề 3 với 25 đại biểu tham gia, 2 tham luận và 20 ý kiến trao đổi.

    Qua từng chủ đề, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất cơ chế hỗ trợ trí thức trẻ ĐHQG-HCM nhằm thúc đẩy quá trình số hóa trong quản lý giáo dục, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực nghiên cứu liên ngành. Ngoài ra, mục tiêu “đại học xanh” và thúc đẩy nghiên cứu khoa học bền vững cũng được nhiều trí thức trẻ quan tâm.

    Báo cáo tổng quát kết quả thảo luận của ba nhóm chủ đề, ThS Nguyễn Thế Đức Tâm, Trường ĐH Kinh tế - Luật cho biết, tại Diễn đàn năm nay, các vấn đề trọng tâm của kế hoạch chiến lược phát triển ĐHQG-HCM đã được nhìn nhận một cách toàn diện, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo của đội ngũ trí thức trẻ. Qua đó, những đề tài nghiên cứu đã được trình bày với mong muốn được áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả đổi mới và phát triển bền vững của cả hệ thống.

    Trong dịp diễn ra Diễn đàn Trí thức trẻ ĐHQG-HCM lần thứ IV, Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Trí thức trẻ ĐHQG-HCM.
    Trong dịp diễn ra Diễn đàn Trí thức trẻ ĐHQG-HCM lần thứ IV, Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Trí thức trẻ ĐHQG-HCM.

    Dám nghĩ lớn để đột phá sáng tạo

    Tại phiên bế mạc Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã trình bày chuyên đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu khoa học liên ngành”. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh thông điệp về cách thức phối hợp giữa các nhà trí thức trẻ trong nghiên cứu khoa học liên ngành và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình nghiên cứu.

    “Nghiên cứu khoa học liên ngành là một trong những vấn đề được ĐHQG-HCM đặc biệt quan tâm. Điều đó đòi hỏi trí thức trẻ cần phải liên tục đổi mới, phối hợp chặt chẽ cùng nhau để cho ra kết quả nghiên cứu hữu ích, có tính ứng dụng cao. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển, đội ngũ trí thức trẻ còn phải quan tâm đến cách ứng dụng  AI để hỗ trợ quá trình nghiên cứu thuận lợi hơn”, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình nói.

    Bên cạnh đó, TS Phan Duy Anh, Trường ĐH Bách khoa đã trình bày chuyên đề “Trí thứ trẻ ĐHQG-HCM góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Theo đó, TS Phan Duy Anh đã đề cập đến trách nhiệm của đội ngũ trí thức trẻ trong bối cảnh phát triển của đất nước.

    “Đội ngũ trí thức trẻ cần tự chủ, tự lực với nhận thức về trách nhiệm cá nhân, mang tinh thần tự hào về bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc. Đồng thời, trí thức trẻ cần dám nghĩ lớn để không giới hạn mình trong tư duy an toàn, tạo nên điều đột phá, mới mẻ”, TS Phan Duy Anh chia sẻ.

    Trong dịp diễn ra Diễn đàn Trí thức trẻ ĐHQG-HCM lần thứ IV, Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Trí thức trẻ ĐHQG-HCM nhằm liên kết đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, sinh viên tiêu biểu cùng tham gia nghiên cứu khoa học.

    Trí thứ trẻ ĐHQG-HCM góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
    Trí thứ trẻ ĐHQG-HCM góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

    KHẮC HIẾU - MAI THƯ