Hội nghị - Hội thảo

Trung Quốc đương đại qua một thôn trang

  • 09/04/2019
  • “Thôn trang ngày càng giàu hơn nhưng tâm hồn của họ lại nghèo và đói khát” - đó là chia sẻ của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa tại tọa đàm Trung Quốc và văn học trong một thôn trang do Khoa Văn học - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức sáng 8/4.

    Nhà văn Diêm Liên Khoa chia sẻ tại tọa đàm.

    Nhà văn họ Diêm cho biết việc được sinh ra trong một thôn trang là may mắn đối với ông. Thôn trang ấy thuộc huyện Tung, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Hà Nam trong quá khứ từng được biết đến với tên gọi Trung Nguyên - tức vùng đất trung tâm của Trung Quốc thời cổ. “Tôi bắt đầu viết từ năm 15 tuổi. Tôi cảm thấy viết văn là điều quan trọng nhất cuộc đời, đặc biệt là viết về thôn trang này” - ông chia sẻ.

    Tuy nhiên, cuộc sống tại đây đã thay đổi sau Cách mạng văn hóa, “người trong thôn hôm nay không còn là những người trong thôn của ngày hôm qua”. Theo ông, thôn là hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc hiện tại.

    Đó là câu chuyện của em họ nhà văn. Anh ta gây tai nạn trong lần đi làm đầu tiên với chiếc xe bán tải mới mua, nạn nhân là một đứa bé 3 tuổi ngồi trên yên xe đạp của mẹ mình đã chết ngay tại chỗ. “Cậu ấy không nói về sự đau buồn sau cái chết của đứa bé ấy mà chỉ đau xót cho số tiền 3 vạn tệ phải trả theo yêu cầu của gia đình nạn nhân. Đây là câu chuyện của em họ tôi và có lẽ những người trong thôn cũng thay đổi như vậy” - nhà văn chia sẻ.

    Tiếp theo là câu chuyện bầu cử chủ tịch thôn. Hai ứng viên cạnh tranh nhau bằng việc đứng giữa đường và hứa hẹn những gì họ có thể làm. Trong khi một người đến từng hộ gia đình để phát tiền thì người kia không chỉ làm như vậy mà còn bao luôn hai quán ăn trong thôn để mọi người được ăn uống thoải mái. Ông kể: “Anh tôi là đảng viên. Mỗi năm đến mùa bầu cử là lúc anh khổ nhất. Những người muốn làm bí thư thôn trang sẽ đến gặp đảng viên của mình để cho tiền và thuốc. Những lúc như thế anh tôi không biết phải chạy đi đâu”.

    Các công dân của thôn không bao giờ đọc sách, đặc biệt là Lỗ Tấn. Nhưng những nhân vật trong truyện của Lỗ Tấn đều có thể tìm thấy ở thôn trang này. Ông nói: “Họ chỉ quan tâm việc làm thế nào để giải phóng Đài Loan và liệu Trung Quốc có thể đánh bại Mỹ hay không”.

    Kết thúc phần trò chuyện, nhà văn Diêm Liên Khoa cùng nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học của Việt Nam và các độc giả trao đổi về kinh nghiệm sáng tác và văn nghiệp của ông.

    Trước đó, nhà văn Diêm Liên Khoa đã có buổi tọa đàm trao đổi với các nhà nghiên cứu, sinh viên và độc giả tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG Hà Nội nhân dịp ông sang du lịch và giao lưu với độc giả Việt Nam.

    Diêm Liên Khoa sinh năm 1958 là nhà văn thời danh Trung Quốc. Độc giả Việt Nam biết đến ông qua những tác phẩm như: Phong nhã tụng, Kiên ngạnh như thủy, Đinh Trang mộng

    Tin, ảnh: TẤN ĐỒNG