Tin tổng hợp

Trường ĐH An Giang giao lưu với nhà văn Nguyễn Tấn Phát

  • 24/05/2022
  • Tối 23/5, hơn 600 giảng viên, sinh viên Trường Đại học An Giang đã giao lưu với nhà văn - PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    PGS.TS Nguyễn Tấn Phát (giữa) và PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang giao lưu, chia sẻ với sinh viên. Ảnh: Đức Giàu.

    Tại buổi giao lưu, sinh viên đã trao đổi, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn, tiểu thuyết gia, nhà giáo dục, chính trị gia Nguyễn Tấn Phát cùng những tác phẩm văn học của ông với ý nghĩa nhân văn sâu sắc mang màu sắc văn học hiện đại và triết lý về con người, cuộc đời.

     PGS.TS Nguyễn Tấn Phát cho biết, ông rất vui vì được gặp gỡ, giới thiệu với sinh viên về những tác phẩm của mình. “Dù viết về đề tài gì, kỹ thuật viết như thế nào, thì cái cốt yếu nhà văn muốn hướng đến vẫn là những giá trị nhân văn cao đẹp, để cuộc sống này ngày càng đáng sống hơn” - Nhà văn Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.

    Ông cũng khuyên các bạn trẻ khi đã sáng tác thì cố gắng duy trì đam mê, biết vượt qua những khó khăn thử thách, chịu khó tìm tòi học hỏi để tạo dấu ấn riêng.

    Bên cạnh một số công trình nghiên cứu được công bố, như: Ca dao dân ca Nam bộ, Truyện cười dân gian Nam bộ, Giáo dục cách mạng miền Nam 1954-1975, Trường học miền Nam trên đất Bắc…, sau khi nghỉ hưu, nhà văn Nguyễn Tấn Phát đã tìm đến văn chương và liên tiếp tạo dấu ấn với nhiều tiểu thuyết đặc sắc: Đeo bám (2017), Vòng xoáy cuộc đời (2018), Giọt lệ mờ nhân ảnh (2019), Tìm lại tình đời (2022).

    Giới thiệu về những tiểu thuyết này, NXB Tổng hợp TP.HCM nhận xét: “Tác giả dường như đã tìm được chủ đề và mạch cảm xúc tạo thuân lợi để ngòi bút đi sâu vào nội dung tiểu thuyết trữ tình lãng mạn, phong cách cổ điển dung hòa với phong cách đương đại và hiện thực huyền ảo.

    Bạn đọc sẽ tìm thấy trong tác phẩm, bằng hình tượng và thông qua hình tượng, xu hướng cổ xúy cho sự hài hòa tương tác giữa nền văn minh hiện hữu với môi trường sinh thái,với động thực vật hoang dã và thuần dưỡng, với tương lai và hạnh phúc bền vững của con người”.

    Nhà văn Nguyễn Tấn Phát sinh năm 1944, tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông tốt nghiệp Văn khoa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, và từng đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt: Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Giám đốc ĐHQG-HCM, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành giáo dục.

    Ông cũng từng là Đại biểu Quốc hội khóa IX và X, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và IX.

    Một số tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Tấn Phát. Ảnh: NVCC

    BẢO KHÁNH