Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Bí quyết đạt điểm cao trong kỳ thi Đánh giá năng lực
Sinh viên ĐHQG-HCM

Bí quyết đạt điểm cao trong kỳ thi Đánh giá năng lực

  • 17/05/2024
  • Ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, tâm lý, thí sinh thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) ĐHQG-HCM còn cần có chiến thuật làm bài thông minh để đạt điểm số cao.

    Những phương pháp ôn tập, làm bài nào phù hợp và hiệu quả đối với kỳ thi ĐGNL? Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi với các thủ khoa, á khoa tuyển sinh trong kỳ thi ĐGNL năm 2023 để tìm câu trả lời cho vấn đề này.

    * Trịnh Minh Huy - Á khoa kỳ thi ĐGNL đợt 2, sinh viên Chương trình Tiên tiến ngành Khoa học Máy tính, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM (1.109 điểm)

    Dành thời gian đọc kỹ đề

    Trước khi thi ĐGNL, mình luôn dành thời gian mỗi ngày để hệ thống lại kiến thức được dạy trên lớp. Đến khoảng 1-2 ngày trước thi, mình nghỉ ngơi để giữ tinh thần thoải mái.

    Chiến thuật mình áp dụng khi làm bài là dành thời gian đọc kỹ đề và xác định những phần có thể làm ngay được. Thông thường, mình ưu tiên làm các câu không cần tính toán ở phần sử dụng ngôn ngữ và phần giải quyết vấn đề. Kế tiếp, mình mới bắt đầu làm các câu hỏi tính toán.

    Sau khi hoàn thành câu trả lời ở mỗi phần, mình dành 3-5 phút để rà soát kết quả. Mình tô phiếu đáp án trực tiếp trong lúc giải đề để tiết kiệm thời gian và tránh sai sót.

    * Trần Đức Minh Hiếu - Thủ khoa tuyển sinh có điểm ĐGNL của Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG HCM, sinh viên ngành Khoa học Máy tính (1.091 điểm)

    Chia thời gian thi thành 4 phần

    ĐGNL là kỳ thi thử thách nhất trong quãng đời học sinh của mình vì đề không chỉ đòi hỏi kiến thức rộng mà còn yêu cầu sự tập trung cao độ trong suốt 150 phút. Do đó, để chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho kỳ thi, mình đã đặt ra mục tiêu và kế hoạch học tập, ôn thi cho bản thân từ sớm.

    Phương pháp của mình là tập trung ôn tập kiến thức thật tốt ở nhiều môn, luyện giải các đề từ sách và các trang web để tích lũy kinh nghiệm làm bài cũng như rèn luyện sức bền. Sau thời gian dài luyện tập, mình tìm được chiến lược làm bài riêng và áp dụng thành công vào kỳ thi chính thức.

    Chiến thuật của mình là chia thời gian thi thành 4 phần. Trong 45 phút đầu, mình tập trung làm phần tiếng Việt, tiếng Anh, địa lý và lịch sử vì đây là những câu hỏi đòi hỏi sự minh mẫn để đọc hiểu dữ kiện. Ở 45 phút tiếp theo, mình chọn làm phần toán. Những câu hỏi toán học, phân tích số liệu khá dễ nên mình giải trước và cố gắng làm trọn vẹn. Riêng phần tư duy logic thì khá khó nên mình nỗ lực làm hết trong khả năng. Khi hết 45 phút của phần toán, mình sẽ tạm ngưng để chuyển sang phần còn lại.

    Mình dùng 45 phút tiếp theo để giải các phần về vật lý, hóa học và sinh học. Mình hay chọn làm trước những câu quen thuộc và được đề cập trong dữ kiện đề cho. Sau cùng, mình dành 15 phút cuối để rà lại những câu chưa tìm được đáp án, trong đó ưu tiên làm các câu đã có hướng giải, chủ yếu là phần tư duy logic.

    * Nguyễn Việt Hoàng - Thủ khoa tuyển sinh theo phương thức thi ĐGNL của Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, sinh viên ngành Khoa học Máy tính (1.031 điểm)

    Không đặt nặng điểm số

    Mình xem kỳ thi ĐGNL là một trải nghiệm và không quá đặt nặng về điểm số nên mình đã có tâm lý khá thoải mái khi làm bài. Mình gần như làm bài theo thứ tự các câu hỏi và không có chiến thuật gì thật rõ rệt.

    Trước hết, mình làm phần sử dụng ngôn ngữ thật cẩn thận rồi mới giải những câu mà mình có kiến thức nền tốt như lý, hóa, toán và phân tích số liệu. Riêng phần tư duy logic, khi gặp những câu hỏi khó mà sau khoảng 2 phút suy nghĩ nhưng chưa tìm được hướng đi thì mình sẽ chuyển sang phần khác để đỡ mất thời gian.

    Theo mình, có khá nhiều yếu tố để thí sinh có thể đạt điểm cao trong kỳ thi ĐGNL, gồm: kiến thức cơ bản vững vàng ở các môn học, sự bình tĩnh, thoải mái về tâm lý và … một chút may mắn nữa.

    * Quách Thị Kim Ngân - Thủ khoa tuyển sinh theo phương thức thi ĐGNL của Khoa Y ĐHQG-HCM, sinh viên ngành Y khoa (992 điểm)

    Giữ sức khỏe tốt

    Trước khi thi ĐGNL mình khá lạc quan và không suy nghĩ gì nhiều. Mình quan niệm rằng kỳ thi ĐGNL bao quát nhiều kiến thức nên ít nhiều gì mình cũng sẽ làm được một số câu nhất định. Tuy nhiên, mình cũng có chút lo lắng vì sợ không đạt mục tiêu đề ra nên đã chọn cách không ăn đồ dầu mỡ, không uống trà hay cà phê và đi ngủ sớm để có tinh thần thoải mái và sức khỏe tốt.

    Lúc làm bài, mình dành 45 phút đầu để làm phần tiếng Việt, tiếng Anh, lịch sử, địa lý và toán học. Nửa tiếng kế tiếp, mình cố gắng giải quyết những câu đơn giản (thường là khoảng 4-5 câu) trong phần vật lý, sinh học và hóa học. Thời lượng còn lại, mình tập trung hoàn thành các câu khó đã đánh dấu từ trước để kiếm thêm điểm.

    Lời khuyên của mình dành cho các bạn sắp thi ĐGNL là đừng cố làm trước những câu tính toán dễ nhưng dài vì sẽ tốn thời gian và bị “sa đà”, dẫn đến không làm kịp những câu còn lại.

    HƯƠNG NHU - THU THẢO

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên