Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
GS Hồ Tú Bảo: Người Việt trẻ có nhiều cơ hội khởi nghiệp
Tin tổng hợp

GS Hồ Tú Bảo: Người Việt trẻ có nhiều cơ hội khởi nghiệp

  • 05/11/2017
  • Ngày 16/8, ĐHQG-HCM đã tổ chức hội thảo “Khoa học dữ liệu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4): Thách thức và cơ hội của chúng ta” tại Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM. GS Hồ Tú Bảo diễn giả chính của hội thảo đã có bài thuyết trình về Khoa học dữ liệu (KHDL).

    Là Giáo sư tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về Toán của Việt Nam (VIASM), Chủ nhiệm chương trình cao học về ICT hướng Khoa học dữ liệu của Viện John Von Neumann, ĐHQG-HCM, Giáo sưHồ Tú Bảo đã dành cho Bản tin ĐHQG-HCM cuộc trao đổi về CMCN4 và cơ hội của người Việt trẻ.

    Khoa học Dữ liệu, cốt lõi của CMCN4 

    * Thưa Giáo sư, thế giới đang diễn ra CMCN4, nhìn lại quá khứ, Việt Nam đã tận dụng được thành quả của ba cuộc cách mạng trước như thế nào?

    - Là nước nông nghiệp đang phát triển và dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên đang cạn dần, Việt Nam một phần nào đó đã đi theo và sử dụng được thành quả của ba cuộc cách mạng công nghiệp đã qua.

    Lưới điện của hơn một thế kỷ trước nay đã đến hầu hết mọi làng xóm xa xôi của đất nước.Máy tính cá nhân, Internet và thiết bị điện tử đã phổ biến rất nhanh dù ta không sản xuất ra chúng. Nhưng nhìn chung, ta mới là người tiêu dùng và chưa tham gia được vào việc tạo ra sản phẩm công nghiệp trong các cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra. Sản xuất của ta lúc này vẫn phần nhiều là những việc các nước G7, G20 đã ngừng để theo đuổi các sản xuất có hàm lượng khoa học và giá trị cao hơn.

    “Trong vài năm qua, các nước phát triển đều xây dựng chương trình chiến lược quốc gia cho sự phát triển của mình trong những thập kỷ tới, và nội dung công nghệ, phần cốt lõi của các chương trình, chính là câu chuyện của số hóa, kết nối và phân tích dữ liệu lớn. Xuyên suốt ba khía cạnh công nghệ này chính là KHDL”.

    * Theo Giáo sư, bản chất và cốt lõi của CMCN4 là gì?

    - Cốt lõi của CMCN4 theo tôi hiểu là sản xuất thông minh dựa trên các đột phá của công nghệ số. Có thể hiểu công nghệ số gồm hai nội dung chính: số hóa và dùng dữ liệu số hóa. Tiến bộ của khoa học đã cho phép con người dần số hóa được hầu hết thực thể trên đời (hệ gien người, cây lúa, chiếc ôtô, khách sạn, doanh nghiệp, cơ quan công quyền…), và trên Internet con người có thể kết nối các thực thể với nhau nhờ các phiên bản số của chúng (Internet vạn vật). Việc kết nối này thực chất là kết nối dữ liệu của các thực thể và do đó tạo ra một không gian dữ liệu số hóa của các thực thể rất lớn và rất phức tạp, hiện vượt quá khả năng xử lý của con người, gọi là hiện tượng dữ liệu lớn (big data). Nói sản xuất thông minh tức sản xuất được tiến hành và quyết định với sự hỗ trợ của máy tính qua việc tính toán và phân tích dữ liệu từ các thành phần sản xuất được kết nối (qua IoT).

    Trong vài năm qua, các nước phát triển đều xây dựng chương trình chiến lược quốc gia cho sự phát triển của mình trong những thập kỷ tới, và nội dung công nghệ, phần cốt lõi của các chương trình, chính là câu chuyện của số hóa, kết nối và phân tích dữ liệu lớn.Xuyên suốt ba khía cạnh công nghệ này chính là KHDL.

    * Giáo sư có cho rằng những thách thức của đời sống mà chúng ta gặp trên báo chí hằng ngày đều có thể giải quyết một phần bằng KHDL? 

    - Nếu phân tích được dữ liệu về nhu cầu thị trường, ta có thể quyết định cần nuôi bao nhiêu lợn mỗi nơi mỗi lúc. Nếu phân tích được dữ liệu mô phỏng các phương án xả lũ vào mùa mưa, ta có thể chọn được cách xả lũ ít thiệt hại nhất. Nếu phân tích được các bệnh án điện tử của người bệnh, ta có thể biết khi uống thuốc những hiệu ứng phụ nào có thể xảy ra. Amazon đã phân tích các lần mua hàng trước của bạn để gợi ý bạn mua những món đồ thích hợp tiếp theo...

    Những thách thức của đời sống mà chúng ta gặp trên báo chí hằng ngày nếu có liên quan đến dữ liệu, đều có thể giải quyết ở mức độ nào đó bằng KHDL.

    Người thắng cuộc thu về tất cả

    * Nhiều người cho rằng trong CMCN4 phần thắng sẽ thuộc về số ít.Giáo sư có bình luận gì?

    - Có thể nói, về bản chất, quốc gia nào thắng cuộc trong CMCN4 là quốc gia làm chủ các nguồn dữ liệu lớn và phức tạp (big data) và đưa chúng vào mọi lĩnh vực của sản xuất và cuộc sống, làm cho sản xuất và cuộc sống thông minh và hiệu quả hơn qua các phương pháp của trí tuệ nhân tạo. Nhiều khả năng là chỉ một số ít quốc gia nắm được, phát triển và dùng công nghệ số hiệu quả, và do đó sẽ thắng trong CMCN4.

    * Xin Giáo sư cho biết để trở thành “người thắng cuộc” trong những thập kỷ tới, các nước xung quanh ta đang làm gì?

    - Hàn Quốc đã lập Viện Dữ liệu lớn (Big Data Institute) đặt ở ĐHQG Seoul vào tháng 4/2014.Viện liên kết khoảng 220 giáo sư người Hàn hoạt động trong lĩnh vực này nhằm dẫn dắt sự dịch chuyển quốc gia về giáo dục và nghiên cứu với KHDL. Riêng phòng thí nghiệm về Dữ liệu Đô thị vừa qua đã nhận được 9 triệu USD của thành phố Seoul cho việc nghiên cứu.

    Tại Trung Quốc, năm 2012 chính phủ đã lập chương trình hoa tiêu về dữ liệu lớn với đầu tư 1,3 tỷ nhân dân tệ. Năm 2015, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra “Chiến lược quốc gia về dữ liệu lớn”, đồng thời thành lập các viện khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn ở nhiều đại học trên cả nước.

    Nhật Bản xây dựng Smart Society 5, nhằm cung cấp mọi hàng hóa và dịch vụ cho người có nhu cầu đúng lúc, đúng lượng, không phân biệt tuổi, giới tính và nơi chốn cho cuộc sống được thuận tiện với các dịch vụ chất lượng cao.

    Singapore đã thành lập tổ hợp khoa học dữ liệu (Data Science consortium) gồm ĐHQG Singapore, Đại học Kỹ thuật Nanyang, ĐH Quản lý Singapore, Trung tâm A* để liên kết với các công ty.

    Tất cả các nước dù muốn dù không vẫn phải đối đầu với cuộc cách mạng công nghiệp này, nhưng mỗi nước lại chọn con đường riêng và thế mạnh của mình để phát triển.

    * Theo Giáo sư, Việt Nam có nằm trong số nước thắng cuộc không?

    - Có thể nói Việt Nam hầu như không thể nằm trong số ít quốc gia thắng cuộc, theo nghĩa thắng ở việc làm ra các sản phẩm công nghệ cao cho thiên hạ. Tuy nhiên, với các mục tiêu phát triển của mình, ta có những cơ hội để thắng chính mình, để làm được và dùng KHDL một cách hiệu quả, rộng hơn là công nghệ số, cho những mục tiêu phát triển của đất nước.

    * Đâu là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc CMCN này, thưa Giáo sư?

    - Tôi đã phân tích về KHDL của Việt Nam với một số thế mạnh, chẳng hạn kinh nghiệm đào tạo toán học, có đông đảo người làm CNTT trẻ tuổi đầy khát vọng. Một số điểm yếu của Việt Nam là ít dữ liệu cần cho các ngành nghề, tính thích nghi chưa cao và hạn chế về tiếng Anh...

    “Việt Nam có truyền thống về học toán học. Ta có lực lượng làm về công nghệ thông tin khá đông đảo và có kỹ năng tốt. Quan trọng hơn cả, ta có những thế hệ người trẻ tuổi, thông minh, khát vọng vươn lên cho đời mình và cho đất nước” 

    Điểm mạnh và hạn chế đó mở ra cơ hội phát triển nhiều ngành nghề với tiến bộ của công nghệ số, kết hợp nhà nước - doanh nghiệp - trường viện, kết hợp trong và ngoài nước hình thành nhiều loại công việc mới. Từ đó đặt ra thách thức về tư duy mới và sáng tạo, làm sao khơi dậy truyền thống và sức mạnh dân tộc, đặc biệt với tuổi trẻ. Việt Nam cần sớm tạo ra nguồn dữ liệu quốc gia và đưa khoa học dữ liệu vào mọi ngành nghề.

    Người trẻ có cơ hội khởi nghiệp với KHDL

    * Nhận xét của Giáo sư về người trẻ Việt Nam?

    - Việt Nam có truyền thống về học toán học. Ta có lực lượng làm về công nghệ thông tin khá đông đảo và có kỹ năng tốt. Quan trọng hơn cả, ta có những thế hệ người trẻ tuổi, thông minh, khát vọng vươn lên cho đời mình và cho đất nước. Trong khóa học ngắn hạn về KHDL do Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức giữa tháng 5 vừa qua ở Hà Nội và TP.HCM, đã có hơn 1.000 người đăng ký tham gia, hầu hết còn trẻ. Có thể cảm nhận được khát khao hiểu biết và mong muốn vươn lên trên từng khuôn mặt và trong từng câu hỏi của người học.

    * Cơ hội nào cho người Việt trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực này, thưa Giáo sư?

    - Tôi nghĩ người trẻ có nhiều cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh lực này. KHDL định nghĩa một cách giản dị là dùng toán học và máy tính phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định hành động.KHDL có đặc điểm là phát triển và thay đổi nhanh, phù hợp với tính chất năng động của tuổi trẻ.Người trẻ của ta có khả năng toán học tốt.KHDL động chạm tới mọi ngành, đặt ra những vấn đề mới ở mỗi ngành rồi dùng dữ liệu phân tích tạo ra giá trị mới, tôi nghĩ đó là một con đường.KHDL vừa là cơ hội quan trọng vừa là trách nhiệm của chúng ta, của tuổi trẻ.

    * Theo Giáo sư, trường đại học nên làm gì trước cuộc cách mạng công nghiệp này?

    - Ta cần nhận thức về thời chuyển đổi số và tìm cách vươn lên, không bỏ lỡ cơ hội  dùcó nhiều thách thức. Ở ĐHQG-HCM và các trường đại học thành viên như Trường ĐH KHTN, Bách Khoa, CNTT, Quốc Tế… nên và cần đào tạo về KHDL, thống kê toán học, đào tạo lớp sinh viên có kỹ năng lao động mới, có kiến thức và khát vọng thay đổi.

    KHDL cần được đưa vào đào tạo ở mọi ngành nghề ở các cấp độ khác nhau. Một điều chúng tôi rất mong ĐHQG-HCM thay đổi và thí điểm là thi đầu vào cao học về KHDL được mở ra với sinh viên tốt nghiệp mọi ngành nghề khác, nếu qua được vòng tuyển chọn.


    THÁI VIỆT thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên