Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Sẽ xây dựng khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí
Tin tổng hợp

Sẽ xây dựng khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí

  • 21/09/2023
  • Thách thức về giá trị cốt lõi của nghề báo, thiếu đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động báo chí, cạnh tranh không lành mạnh về đào tạo truyền thông báo chí giữa trường công và tư… là những vấn đề được thảo luận sôi nổi trong buổi làm việc giữa Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tại Nhà Điều hành của trường đại học này (cơ sở Linh Trung, Thủ Đức) vào sáng 21/9.

    Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

    Đào tạo báo chí phải từ trường công

    Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM là trường đại học duy nhất tại miền Nam được đào tạo báo chí.

    Ngành học này được đào tạo theo hai hệ là chất lượng cao và hệ chuẩn. Chỉ tiêu tuyển sinh cho chương trình chất lượng cao là 60 sinh viên, hệ chuẩn là 100 sinh viên báo chí và 60 sinh viên truyền thông đa phương tiện. Điểm chuẩn chất lượng đầu vào của ngành học này luôn giữ vị trí cao nhất trường. Năm học 2023-2024, điểm chuẩn báo chí hệ chất lượng cao là 27,5 điểm, hệ chuẩn báo chí và truyền thông đa phương tiện lần lượt là 28 và 27,2 điểm.

    “Đặc biệt, từ năm 2022, Khoa Báo chí và Truyền thông của Trường đã chính thức mở ngành đào tạo thạc sĩ báo chí. Ở phía Nam, nhu cầu học sau đại học của ngành học này rất lớn nhưng lại không có đơn vị đào tạo. Do đó, tỷ lệ cạnh tranh trong các đợt tuyển sinh thạc sĩ báo chí vừa rồi khá cao” - PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho biết.

    Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho rằng ngành học này đang phải đối mặt với một số thách thức.

    Một mặt, cũng như phần lớn các khoa khác trong trường, Khoa Báo chí và Truyền thông đang đối mặt với thách thức về nguồn nhân lực như thiếu hụt người duy trì ngành do các giáo sư, phó giáo sư đã về hưu theo Nghị định 50, áp lực từ chế độ đãi ngộ so với trường tư. Ngoài ra, sinh viên báo chí sau khi tốt nghiệp lại không theo nghề báo mà chủ yếu làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Trong khi đó, sinh viên của các khoa lịch sử, văn hóa… lại chọn nghề báo sau khi ra trường. Mặt khác, hiện nay, các trường tư đang đầu tư mạnh cho hoạt động đào tạo truyền thông, báo chí.

    “Trong quá trình tự chủ, việc đầu tư cơ sở vật chất rất hạn chế. Nói là đào tạo về ngành báo chí, xuất bản mà đến khi tôi lên làm hiệu trưởng thì không có phòng thực hành đúng nghĩa cho ngành này, rất tạm bợ. Vì nguồn ngân sách chủ yếu để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở vật chất còn chưa có tích lũy” - PGS.TS Ngô Thị Phương Lan chia sẻ.

    PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nêu các thách thức trong hoạt động đào tạo báo chí của Trường ĐH KHXH&NV.

    Bà Lan cho biết thêm, thời gian qua, được Nhà nước quan tâm đầu tư, Trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng phòng thí nghiệm truyền thông đa phương tiện. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Nhà nước về ngành báo chí - truyền thông.

    ThS Phạm Duy Phúc - Phó Trưởng khoa Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV, cho rằng nghề báo và hoạt động đào tạo báo chí hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn.

    Ông Phúc phân tích, sự cạnh tranh với mạng xã hội không chỉ khiến cho báo chí không còn là một trong những kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy trong truyền thông chính sách mà còn là xu hướng thương mại hóa chất lượng tin tức. Điều này khiến cho báo chí đánh mất các giá trị cốt lõi và sứ mạng đặc thù của mình.

    Đối với nguồn nhân lực cho báo chí, các cơ sở đào tạo ngành báo chí tại các trường đại học công lập lại thiếu nguồn lực và chịu ràng buộc bởi các quy định cho việc đầu tư cơ sở vật chất. Do đó, nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng tình hình mới gặp rất nhiều khó khăn.

    “Dù chịu thách thức từ sự phát triển của công nghệ nhưng chúng ta cần xác tín về giá trị cốt lõi, vai trò, sứ mệnh của nghề báo là không thay đổi. Vì vậy, việc đào tạo báo chí phải xuất phát từ các trường đại học công lập để đảm bảo tính chuyên nghiệp, thực hiện đúng các sứ mạng chính trị của Đảng và Nhà nước” - Phó Trưởng khoa Khoa Báo chí và Truyền thông nhận định.

    Thiếu môi trường làm nghề chuyên nghiệp

    Lý giải vấn đề sinh viên báo chí không chọn theo nghề, TS Huỳnh Văn Thông - nguyên Trưởng khoa Khoa Báo chí và Truyền thông, cho rằng có hai lý do quan trọng.

    Một là thị trường lao động báo chí đang co hẹp, giá trị hàng hóa lao động báo chí không cao do tác động của mạng xã hội. Tiếp đến, như chính sinh viên chia sẻ là các em không được làm báo đúng như những điều được học.

    Ông Thông cho rằng cả hai lý do này đều liên quan đến chính sách cũng như giá trị và sự định vị của báo chí trong môi trường thông tin hiện đại đang đi xuống như ThS Phạm Duy Phúc nêu lên.

    Theo TS Huỳnh Văn Thông, việc xây dựng chương trình đào tạo của ngành báo chí cần sự tham gia của các bên: nhà nước - người đóng vai trò thẩm định chính sách và quản lý thông tin, các nhà giáo dục, các nhà báo và sinh viên.

    Trên bình diện quản lý và định hướng hoạt động báo chí nói chung, TS Huỳnh Văn Thông đề nghị Nhà nước cần đảm bảo môi trường hoạt động báo chí chuyên nghiệp thông qua các bộ luật về báo chí, truyền thông. Nhưng các bộ luật liên quan lĩnh vực này hiện còn rất mỏng.

    “Nhìn vào môi trường thông tin hiện nay, khung luật pháp quản lý của chúng ta đang rất mỏng. Đến thời điểm này chỉ có luật an ninh mạng, đúng ra là luật an toàn mạng. Chúng ta còn thiếu rất nhiều bộ luật để quản lý thông tin như bộ luật về bảo vệ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu riêng tư, luật liên quan về minh bạch nguồn thông tin,… Đây là những bộ luật cơ bản của nhiều nước trên thế giới. Những bộ luật này sẽ góp phần tạo cho sinh viên báo chí được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp” - ông Thông nhấn mạnh.

    Đề cập chất lượng đào tạo báo chí của các trường đại học tư nhân, TS Huỳnh Văn Thông đặt vấn đề: “Chúng ta đang có kịch bản gì với những trường nhận vài ngàn sinh viên một khóa đào tạo? Có bao nhiêu giảng viên trong danh sách cơ hữu đủ tiêu chuẩn và trung thực để nhận được chỉ tiêu? Điều này làm cho thị trường đào tạo trở nên không minh bạch, gây nên sự tổn thương sâu sắc”.

    Ông Thông cho rằng trước sự cạnh tranh không lành mạnh này, việc theo đuổi chuẩn mực đào tạo ở các trường công “nếu nhìn ở góc độ thị trường đào tạo, thậm chí là có phần ngu ngốc”.

    TS Huỳnh Văn Thông kiến nghị cần có thêm nhiều bộ luật về báo chí để đảm bảo môi trường làm nghề chuyên nghiệp.

    Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ sự trân trọng trước các ý kiến về việc bảo vệ giá trị, chất lượng chương trình đào tạo của ĐHQG-HCM nói chung và đào tạo báo chí nói riêng. Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm đối với nhà trường và đất nước.

    Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT sẽ ghi nhận, tổng hợp những thực trạng, các kiến nghị, đề xuất này để có những giải pháp cụ thể. Dù còn nhiều khó khăn nhưng Trường ĐH KHXH&NV đã luôn giữ vững quan điểm chính trị, thực hiện đúng sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đào tạo ngành báo chí và xuất bản.

    Để đảm bảo chất lượng trong công tác đào tạo báo chí, ông Nghĩa cho biết Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì và phối hợp Ban Tuyên giáo, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam soạn thảo và chuẩn hóa chương trình đào tạo báo chí, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
    Theo ông Nghĩa, ngoài ĐHQG-HCM, ĐHQG Hà Nội và ĐH Huế đều có chương trình đào tạo về báo chí, những trường đại học khác muốn đào tạo phải đăng ký đề xuất theo khung chương trình chuẩn này.

    Ông Nghĩa cũng lưu ý, khung chương trình chuẩn chỉ mang tính định hướng, còn lại tùy đặc điểm của từng cơ sở giáo dục đại học, có thể bổ sung nhưng phải bám sát khung chuẩn này. Đây sẽ là điểm đột phá để góp phần chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và gần hơn là kỷ niệm 100 trăm năm báo chí cách mạng Việt Nam.

    “Sau này, không nói ai được đào tạo, không được đào tạo mà thống nhất trường nào đủ điều kiện tiêu chí đó thì cho bảo lưu đào tạo ngành báo chí, không đủ thì thôi. Tất nhiên đã nói báo chí thì thuộc trường công lập rồi vì chúng ta không chấp nhận báo tư nhân, phải đào tạo đội ngũ này có đặc thù” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bình luận.

    Đối với các trăn trở về việc đánh mất giá trị, sứ mạng báo chí, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định cần được khắc phục trên nền tảng hoạt động của báo chí là báo chí cách mạng. Điều này phải được truyền tải mạnh hơn, sâu hơn trong chương trình đào tạo báo chí.
    Ông Nghĩa cũng cho rằng những trở ngại về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo báo chí cần được khắc phục bằng cơ chế phối hợp.

    “Sắp tới đây có rất nhiều cơ chế, chính sách, nghị quyết về tri thức, cơ chế chính sách về KH&CN, cơ chế chính sách đặc thù đối với TP.HCM. Các đồng chí đều tận dụng được các cơ chế này” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

    PHIÊN AN - THU THẢO - HƯƠNG NHU

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên