Ngày 11/9, Tạp chí Times Higher Education (THE) công bố bảng xếp hạng các trường đại học toàn cầu năm 2020. ĐHQG-HCM xếp hạng trong nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Đây là năm đầu tiên Việt Nam có đại diện lọt vào top của bảng xếp hạng này.
Trong việc thu thập và xem xét dữ liệu cho Bảng xếp hạng Đại học Thế giới 2020 của Times Higher Education - THE, THE cam kết tính khoa học và minh bạch của bảng khảo sát. Bảng xếp hạng THE 2020 đánh giá chi tiết gần 1.400 tổ chức đại học toàn cầu.
THE là thước đo đánh giá các trường đại học trên toàn cầu, nghiên cứu trên tất cả những nhiệm vụ cốt lõi của một trường đại học bao gồm: giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kiến thức và triển vọng quốc tế. THE sử dụng chỉ số đo lường theo chuẩn, nhằm cung cấp những so sánh toàn diện và cân bằng nhất, được sinh viên, học giả, lãnh đạo các trường, chính phủ cũng như giới học thuật tin tưởng.
Các tiêu chí về hiệu suất được phân thành 5 nhóm gồm: Giảng dạy (môi trường học tập); Nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng); Các trích dẫn khoa học (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu); Triển vọng quốc tế (của nhân viên, sinh viên và nghiên cứu); và thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức).
Giảng dạy (môi trường học tập): 30%
- Khảo sát về danh tiếng: 15%
- Tỷ lệ nhân viên/sinh viên: 4,5%
- Tỷ lệ tiến sĩ/cử nhân: 2,25%
- Tỷ lệ tiến sĩ được trao bằng/nhân viên học thuật: 6%
- Thu nhập ngành (giá trị, tác động thương mại của nghiên cứu): 2,25%
Khảo sát mới nhất về danh tiếng trong giới học thuật Academic Reputation Survey (khảo sát thường niên), vốn là nền tảng cho danh mục này, được THE thực hiện trong thời gian từ tháng 11/2018 tới tháng 3/2019. Nó xem xét mức độ uy tín của các tổ chức giáo dục trong việc giảng dạy. Những phản hồi này là đại diện toàn diện trong tất cả các lĩnh vực và có phạm vi địa lý trong ngành học thuật toàn cầu. Dữ liệu năm 2019 được kết hợp với kết quả từ lần khảo sát năm 2018, với hơn 21.000 phản hồi.
Cùng với ý nghĩa về mức độ cam kết của một tổ chức giáo dục là nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo trong giới học thuật, một tỉ lệ cao sinh viên nghiên cứu sau đại học cùng việc cung cấp điều kiện giảng dạy ở mức độ cao sẽ hấp dẫn sinh viên đại học. Tiêu chí này được chuẩn hóa để xem xét về tổ hợp các môn học riêng của từng trường, phản ánh thực tế số lượng tiến sĩ được cấp bằng có sự đa dạng trong các ngành.
Nghiên cứu (số lượng, thu nhập và danh tiếng): 30%
- Khảo sát danh tiếng: 18%
- Thu nhập nghiên cứu: 6%
- Năng suất nghiên cứu: 6%
Tiêu chí nổi bật nhất trong mục này là danh tiếng về nghiên cứu xuất sắc của một trường đại học so với các đồng nghiệp, dựa trên câu trả lời của khảo sát thường niên Academic Reputation Survey.
Thu nhập từ nghiên cứu được tính trên số lượng cán bộ nghiên cứu và được điều chỉnh theo mức độ nghiên cứu. Tiêu chí này có phần gây tranh cãi vì nó có thể phụ thuộc vào chính sách quốc gia và hoàn cảnh kinh tế của đất nước đó chi phối. Tuy nhiên thu nhập là một phần quan trọng trong việc phát triển một trường nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, và vì phần lớn nó là đối tượng cho sự cạnh tranh cũng như sự đánh giá của đồng nghiệp, các chuyên gia của THE cho rằng nó vẫn là một phương pháp hợp lý. Tiêu chí này được chuẩn hóa hoàn toàn để xét từng hồ sơ môn học riêng biệt của các trường. Thông thường các khoản đầu tư cho nghiên cứu trong lĩnh vực KHTN thường lớn hơn so với lĩnh vực KHXH&NV, nghệ thuật.
Để đo năng suất nghiên cứu, THE thống kê số lượng bài báo khoa học được bình quân trên mỗi học giả trên cơ sở dữ liệu Scopus của công ty phân tích Elsevier. Nó mang tới số liệu cho thấy khả năng của các trường đại học trong việc có sản phẩm nghiên cứu được đăng trên các tạp chí uy tín.
Tỉ lệ được trích dẫn (ảnh hưởng của nghiên cứu): 30%
Tiêu chí về ảnh hưởng của nghiên cứu này sẽ xem xét vai trò của các trường trong việc truyền tải kiến thức và ý tưởng.
THE phân tích ảnh hưởng của nghiên cứu bằng cách lấy số lượng trung bình số lần tác phẩm xuất bản của một trường đại học được trích dẫn bởi các học giả trên toàn cầu. Năm nay, nhà cung cấp dữ liệu Elsevier của THE đã phân tích 77,4 triệu lượt trích dẫn đối với 12,8 triệu tác phẩm chuyên ngành, bài đánh giá, tranh luận tại hội nghị, sách và các chương trong sách được xuất bản trong vòng 5 năm. Dữ liệu này bao gồm hơn 23.400 tác phẩm học thuật được hệ thống dữ liệu của Elsevier thống kê, và tất cả đều rải từ năm 2014-2018. Các lượt trích dẫn đối với những tác phẩm này, được nghiên cứu và xuất bản trong 6 năm từ 2014-2019, cũng được thu thập.
Lượt trích dẫn giúp công chúng thấy được khả năng đóng góp của mỗi trường đại học đối với kiến thức của nhân loại: Số liệu đó chỉ ra nghiên cứu của đơn vị nào, được các học giả khác chọn và xây dựng, và quan trọng nhất, là chia sẻ trong cộng đồng học giả toàn cầu để phá bỏ giới hạn của hiểu biết và tri thức, bất kể ngành nghề nào.
Dữ liệu này được chuẩn hóa để phản ánh sự khác biệt trong số lượng trích dẫn giữa các ngành học khác nhau. Điều này có nghĩa các tổ chức giáo dục có hoạt động nghiên cứu ở cấp độ cao trong các môn học có truyền thống được trích dẫn nhiều sẽ không được hưởng lợi thế không công bằng so với các môn còn lại.
THE đã kết hợp một cách công bằng đối với các số liệu về lượt trích dẫn, tổng hòa cả số liệu có điều chỉnh và không có điều chỉnh theo quốc gia.
Trong năm học 2015-2016, THE loại ra các bài báo của hơn 1.000 tác giả vì chúng có tác động không tương xứng đến thang đo về trích dẫn của một số ít trường đại học. Trong năm 2016-2017, THE đã thiết kế một phương pháp để tái tập hợp các bài báo này. Cùng với Elsevier, THE đã đã phát triển một phương pháp đếm tỉ lệ nhằm đảm bảo mọi trường đại học nơi các học giả là tác giả của các tác phẩm này sẽ nhận được ít nhất 5% giá trị của tác phẩm, và trong đó những trường có nhiều học giả đóng góp nhất đối với tác phẩm sẽ nhận tỷ lệ đóng góp tương ứng lớn hơn.
Triển vọng quốc tế (giảng viên, sinh viên, nghiên cứu): 7,5%
- Sinh viên quốc tế: 2,5%
- Giảng viên quốc tế: 2,5%
- Hợp tác quốc tế: 2,5%
Khả năng thu hút sinh viên đại học, sau đại học và các giảng viên trên khắp thế giới là chìa khóa thành công của một trường đại học trên trường quốc tế.
Trong chỉ tiêu quốc tế thứ 3, THE tính tổng số các ấn bản tạp chí nghiên cứu có ít nhất 1 đồng tác giả quốc tế. Đây là chỉ tiêu được chuẩn hóa nhằm đánh giá tổ hợp các môn học do trường giảng dạy và áp dụng phương pháp tiếp cận 5 năm tương tự như mục trích dẫn ảnh hướng NCKH.
Thu nhập trong ngành (chuyển giao kiến thức): 2,5%
Khả năng phục vụ cộng đồng của một trường đại học bằng những đổi mới, phát minh và tư vấn đã trở thành một nhiệm vụ cốt lõi của cộng đồng học thuật toàn cầu hiện nay. Chỉ tiêu này ghi nhận hoạt động chuyển giao kiến thức công nghệ bằng cách xem xét nguồn thu nhập một tổ chức thu về từ việc nghiên cứu cho ngành (có điều chỉnh theo PPP). Chỉ số sau đó sẽ được cân bằng lại theo số giảng viên của trường.
Chỉ tiêu trên cho thấy mức các doanh nghiệp sẵn sàng chi cho nghiên cứu và khả năng thu hút tài trợ của trường đại học trên thị trường thương mại. Đây chính là các chỉ số hữu ích để xác định chất lượng của trường.
Trường hợp bị loại
Các trường đại học có thể bị loại khỏi Bảng xếp hạng THE nếu không đào tạo cử nhân, hoặc nếu số nghiên cứu của trường đó đạt ít hơn 1.000 bài báo khoa học từ năm 2014 đến 2018 (với tối thiểu 150 bài/năm). Các trường đại học cũng sẽ bị loại nếu từ 80% nghiên cứu trở lên chỉ thuộc về một trong 11 lĩnh vực chủ đề của THE.
Hãy là người bình luận đầu tiên