Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
TP.HCM và Bình Dương phải bàn giao 100% mặt bằng cho ĐHQG-HCM trong năm 2024
Tin tổng hợp

TP.HCM và Bình Dương phải bàn giao 100% mặt bằng cho ĐHQG-HCM trong năm 2024

  • 16/11/2023
  • Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với lãnh đạo ĐHQG-HCM, các bộ, ngành trung ương và hai địa phương TP.HCM, Bình Dương tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào chiều 16/11.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Lý Nguyên

    5 kiến nghị với Thủ tướng

    Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, PGS.TS Vũ Hải Quân đã đưa ra 5 kiến nghị của hệ thống đại học này với Chính phủ và các bộ, ngành.

    Theo đó, Giám đốc ĐHQG-HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét sớm phê duyệt Đề án “Phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á” đã được Thủ tướng giao chủ trì vào năm 2022. Dự kiến hoàn thành trong ngày 16/12/2023.

    PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết: “ĐHQG-HCM đã tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, địa phương về đề án này và gửi đề án cho Văn phòng chính phủ. Dự kiến ĐHQG-HCM sẽ hoàn thành đề án trong ngày 16/12. Vì theo yêu cầu của Thủ tướng, đề án này sẽ được thực hiện trong năm 2023. Lãnh đạo ĐHQG-HCM đang toàn tâm để hoàn thành đề án”. 

    Tiếp đến, người đứng đầu ĐHQG-HCM kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương giao ĐHQG-HCM thực hiện Đề án thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành; Các chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, Công nghệ Sinh học, Trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á; Chương trình phát triển ĐHQG-HCM thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với vùng và khu vực châu Á. Đồng thời, kiến nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT hướng dẫn, hoạch định về số lượng đặt hàng nghiên cứu, ngân sách đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu. 

    PGS.TS Vũ Hải Quân mong muốn Thủ tướng đồng ý chủ trương ủy quyền cho Giám đốc ĐHQG-HCM thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý của ĐHQG-HCM. Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì lấy ý kiến tham mưu bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

    Ông Quân nói: “ĐHQG-HCM sẽ chịu trách nhiệm về việc thực hiện thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật”.

    Về vấn đề giải phóng mặt bằng tại khu đô thị ĐHQG-HCM, Giám đốc ĐHQG-HCM kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương và giao ĐHQG-HCM phối hợp UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bình Dương lập dự toán điều chỉnh tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng giai đoạn 2021-2025, phù hợp với các quy định của pháp luật. Sau đó giao cho Bộ KH&ĐT hướng dẫn, chủ trì, thẩm định rồi báo cáo lại cho Thủ tướng quyết định.

    PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết thêm, ĐHQG-HCM đã nộp hồ sơ thẩm định nâng cấp Khoa Y thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe. Chủ trương thành lập Thủ tướng đã ký, đề án đã xây dựng xong nhưng vẫn còn lấy ý kiến bộ, ngành.  

    “Mong Thủ tướng có ý kiến để Bộ GD&ĐT sớm có hồ sơ trình, xem xét, ra quyết định thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe. Đây là một trong những mảnh ghép cuối cùng để hoàn thiện mô hình ĐHQG-HCM” - ông Quân nhấn mạnh

    Trao đổi với các bộ, ngành trung ương, Giám đốc ĐHQG-HCM đã nêu một số đề xuất quan trọng nhằm tháo gỡ những trở ngại trong các thủ tục, cơ chế, chính sách đối với hoạt động của ĐHQG-HCM.

    Đối với Bộ LĐTB&XH, việc phối hợp đào tạo nghề giữa trường đại học và các cao đẳng nghề là chưa nhịp nhàng. Ông Quân mong Bộ LĐTB&XH phối hợp ĐHQG-HCM để tăng cường công tác đào tạo nghề, nhất là chia sẻ hệ thống phòng thí nghiệm. Đồng thời Bộ LĐTB&XH cần tạo điều kiện cho nhà khoa học, giảng viên nước ngoài đến làm việc tại các trường đại học. Nếu không có cơ chế chính sách, thu hút giảng viên nước ngoài, việc nâng cấp, mở rộng giao lưu quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn.

    Đối với Bộ Nội vụ, theo quy định của Luật Công chức, Viên chức, viên chức không thể lập doanh nghiệp. ĐHQG-HCM kiến nghị thí điểm biệt phái thầy cô giáo có quyền mở các doanh nghiệp spin-off trong tối đa 2 năm. Việc lập doanh nghiệp trong trường đại học mới có thể giúp thương mại hóa kết quả nghiên cứu. 

    Đối với Bộ Tài chính và Bộ KH&CN, ĐHQG vẫn phải làm dự toán, tổng hợp các đề tài của thầy cô để gửi ra bộ và “rất hồi hộp”. Tổng kinh phí năm nay của ĐHQG-HCM được cấp là trên 200 tỷ nhưng số tiền được duyệt khoảng 140 tỷ. Số tiền được cấp này không đủ cho nhà khoa học thực hiện nghiên cứu. ĐHQG-HCM mong muốn được cấp kinh phí cố định trong 3-5 năm. Như vậy, mỗi năm ĐHQG-HCM sẽ có kế hoạch phân bổ cho đề tài, dự án nghiên cứu hợp lý hơn. 

    Đối với Bộ TT&TT, Bộ đã gửi ý kiến cho ĐHQG-HCM phối hợp xây dựng chương trình đào tạo chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. “Tuy nhiên, cách đây 1 tuần, tôi có nhận được văn bản của Bộ về góp ý cho chiến lược ngành công nghệ bán dẫn. Tôi chỉ mong muốn trong chiến lược đó, về mặt đào tạo nên có 2 ĐHQG. Hiện tại ĐHQG-HCM đào tạo 53% tổng nhân lực cho cả nước nên nếu có 2 ĐHQG, công tác triển khai hoạt động đào tạo sẽ tốt hơn” - ông Quân bày tỏ.

    Xử lý kiến nghị của ĐHQG-HCM trước tháng 6/2024

    Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thông qua buổi làm việc này, ông thấy bản thân cần có trách nhiệm nhiều hơn với ĐHQG-HCM.

    Nêu 8 định hướng phát triển cho ĐHQG-HCM, Thủ tướng lưu ý hoạt động đào tạo là xương sống, trục chính của ĐHQG-HCM. ĐHQG-HCM cần xây dựng chương trình đào tạo dựa trên quy hoạch phát triển của đất nước, ngành, vùng và của TP.HCM để phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

    Nói về hoạt động nghiên cứu khoa học, Thủ tướng cho rằng phải đáp ứng hai yêu cầu cơ bản về giải quyết các vấn đề trong thực tiễn và đảm bảo xu thế thời đại, mang tính dự báo cao.

    Về việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực con người, Thủ tướng nhấn mạnh nguồn lực lớn nhất của ĐHQG là con người, bao gồm đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên. ĐHQG-HCM phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này. 

    Tiếp đến là thương mại hóa sản phẩm của ĐHQG-HCM. Sinh viên ra trường cũng là sản phẩm cần được ĐHQG-HCM thương mại hóa. Vấn đề này cần được hiểu trong nghĩa rộng nhất. Song song đó, để sử dụng hiệu quả nguồn lực con người cũng như thương mại hóa sản phẩm tốt, Thủ tướng nhấn mạnh công tác quản trị của ĐHQG-HCM cần có trọng tâm, trọng điểm. 

    Về các đề án xây dựng, Thủ tướng cho rằng ĐHQG-HCM cần phải hoàn thiện việc quy hoạch và giải phóng mặt bằng. 

    “Tôi đề nghị TP.HCM và Bình Dương trong năm 2024 bàn giao 100% mặt bằng sạch cho ĐHQG-HCM. Các địa phương còn thiếu cái gì, cần cái gì thì báo cáo với Thủ tướng. Không có mặt bằng thì không làm gì được” - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo. 

    Ngoài ra, ĐHQG-HCM cần phải chủ động xây dựng và kiến nghị các cơ chế chính sách, hoạt động phù hợp cơ chế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam.

    Cuối cùng là vấn đề huy động nguồn lực. ĐHQG-HCM cần tận dụng nguồn lực từ hợp tác với địa phương, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình hoặc thông qua các hình thức hợp tác công tư trong việc xây dựng sân vận động, nhà thi đấu... Cách huy động nguồn lực cần đảm bảo các yếu tố như có chương trình, đề án, dự án, hợp tác và có mô hình hoạt động cụ thể.

    Đối với 5 kiến nghị của Giám đốc ĐHQG-HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trên nguyên tắc sẽ đồng ý hết. 

    “Bây giờ văn phòng chính phủ làm cho tôi văn bản nêu rõ vấn đề nào thuộc bộ ngành nào và thời hạn giải quyết trong bao lâu. Theo tôi, chậm nhất là đến tháng 6/2024 phải giải quyết các kiến nghị này cho ĐHQG-HCM” - ông Chính đặc biệt nhấn mạnh.

    Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lý Nguyên

    PHIÊN AN - HƯƠNG NHU

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên