Đó là khẳng định của Nhà giáo Trần Chút - Chủ tịch Danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM tại Hội thảo khoa học “100 năm chữ Quốc ngữ” do Hội Ngôn ngữ học TP.HCM tổ chức vào sáng 21/12.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 120 đại biểu là thành viên của Hội Ngôn ngữ học TP.HCM; giảng viên, cán bộ nghiên cứu, học viên cao học Bộ môn Ngôn ngữ học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM và các học giả ở trong và ngoài nước.
Có 23 bài tham luận của các nhà nghiên cứu Việt Nam, Mỹ, Pháp, Hà Lan được chọn đăng Kỷ yếu của hội thảo, trong đó tập trung vào các chủ đề: Vai trò của các nhà truyền giáo trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ buổi đầu; Các vấn đề ngôn ngữ học liên quan đến chữ Quốc ngữ; Sự ra đời và phát triển văn học chữ Quốc ngữ; Báo chí với việc truyền bá chữ Quốc ngữ; Các phong trào xã hội liên quan đến chữ Quốc ngữ; Sự thay đổi về giáo dục nhìn ở góc độ chữ Quốc ngữ.
Nhà giáo Trần Chút bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã có công sáng chế ra chữ Quốc ngữ như Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa... Trong đó, theo ông, bằng việc xuất bản Từ điển Việt-Bồ-La và Phép giảng tám ngày, năm 1651, Alexandre de Rhodes chính là người có công tổng kết giai đoạn hình thành của chữ viết tiếng Việt bằng hệ thống chữ cái Latin, về sau được gọi là chữ Quốc ngữ.
GS.TS Huỳnh Như Phương cho biết, cách đây 7 năm ĐHQG-HCM đã tổ chức nhóm nghiên cứu và cho đặt tượng Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes trong khuôn viên Ký túc xá ĐHQG-HCM kèm bảng chú thích để sinh viên được biết. “Và cách đây không lâu, tên hai ông cũng được đặt cho hai con đường song song nhau, trong khu đô thị đại học này” - GS Phương nói.
Nhiều nhà nghiên cứu đồng tình ủng hộ quan điểm của GS Đinh Văn Đức rằng đụng đến chữ Quốc ngữ là đụng đến văn hóa, không nên xáo trộn và đặc biệt không nên có can thiệp nào để sửa chữ Quốc ngữ lúc này.
“Từ thực tế của tiến trình lịch sử, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã tự nguyện lựa chọn chữ Quốc ngữ làm chữ viết tiếng Việt. Giá trị của chữ Quốc ngữ càng được nâng cao: Chữ Quốc ngữ được dùng làm cơ sở để xây dựng hệ thống chữ viết cho nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta. Có thể khẳng định chữ Quốc ngữ là chữ viết quốc gia của Việt Nam”- Nhà giáo Trần Chút phát biểu trong phần sơ kết hội thảo.
Tin, ảnh: Minh Châu
Hãy là người bình luận đầu tiên