Sáng 2/11, ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo công tác tuyển sinh sau đại học với sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM và hơn 60 đại biểu là đại diện ban giám hiệu, lãnh đạo phòng sau đại học của các đơn vị thành viên ĐHQG-HCM, Trường ĐH RMIT...
Báo cáo “Công tác tuyển sinh sau đại học tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2017-2022”, TS Bùi Thị Thu Hiền - Phó Trưởng ban Ban Đào tạo, cho biết ĐHQG-HCM hiện có 8 cơ sở đào tạo sau đại học, trong đó có 135 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 96 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ với quy mô đào tạo là 7.224 học viên cao học, 1.037 nghiên cứu sinh.
“ĐHQG-HCM đã ban hành quy chế tuyển sinh sau đại học theo hướng tiếp cận chuẩn mực quốc tế và khu vực, trao quyền tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo. Hiện nay các quy định đã cho phép xét tuyển đầu vào đối với sinh viên tốt nghiệp các chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng, tiên tiến, chương trình PFIEV và các chương trình đào tạo đã được kiểm định theo chuẩn quốc tế như ABET, AUN... Đối với đầu vào tiến sĩ, chương trình dự bị tiến sĩ cho phép các thí sinh chưa đủ điều kiện tham gia xét tuyển do chưa đạt chuẩn ngoại ngữ, chưa đủ bài báo… có điều kiện tham gia học tập một số môn học trước khi đăng ký xét tuyển chính thức” - TS Bùi Thị Thu Hiền chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu còn nghe 5 báo cáo: “Phương thức xét tuyển trong tuyển sinh sau đại học tại Trường ĐH Bách Khoa”, “Công tác xét tuyển thông qua hình thức trực tuyến trong tuyển sinh sau đại học tại Trường ĐH Kinh tế - Luật”, “Chính sách thông tin - Truyền thông nhằm thu hút thí sinh trong tuyển sinh sau đại học tại Trường ĐH Quốc Tế”, “Chia sẻ kinh nghiệm tuyển sinh sau đại học của Trường ĐH RMIT”, “Công tác tuyển sinh của ĐH Indiana, Hoa Kỳ”.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh các vấn đề tồn tại trong công tác tuyển sinh sau đại học và giải pháp đi kèm như tiếp tục tổ chức xét tuyển, tuyển thẳng, đào tạo liên thông, có chính sách khen thưởng, học bổng...
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, ĐHQG-HCM và các đơn vị cần phân tích sâu hơn nữa hệ thống giải pháp để có chính sách phù hợp. Đồng thời, ông cũng thống nhất đẩy mạnh tuyển sinh theo phương thức xét tuyển, tuyển sinh trực tuyến và cho rằng cần đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh.
Tin, ảnh: BẢO KHÁNH
Hãy là người bình luận đầu tiên