Thông cáo báo chí

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng:“UEL sẽ trở thành cơ sở đào tạo đạt chuẩn quốc tế”

  • 06/11/2015
  • Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL, 6/11/2000 - 6/11/2015), PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng UEL đã tâm huyết khẳng định như vậy với Bản tin ĐHQG-HCM khi nói về mục tiêu sắp tới của nhà trường.

     

    PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật. Ảnh: Thái Việt

                   
    * Thưa PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, với tư cách là người đứng đầu UEL, ông có suy nghĩ và xúc cảm thế nào trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập trường?

    - Trong 15 năm qua, nhất là 5 năm gần đây, vị thế của UEL đã có sự nhận diện rõ ràng hơn. Bản thân tôi rất cảm kích và trân trọng cám ơn sự ủng hộ, đồng hành và quan tâm của mọi người đối với sự phát triển của nhà trường.

    Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi, đó chính là cùng tập thể nhà trường đón nhận Quyết định thành lập UEL, thành viên mới của ĐHQG-HCM vào năm 2010. Một trường đại học mới ra đời với tên gọi thật thân thương và không lẫn vào đâu được. Cả thầy và trò chúng tôi đều tự hào về điều đó và hiểu rằng, cần phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để UEL sớm trở thành một “thương hiệu mạnh” trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

    * Trước khi UEL được thành lập, xã hội đã có các trường ĐH luật, ĐH kinh tế, theo ông đâu là sự khác biệt của UEL?

    - UEL được thành lập nhằm bổ sung hai lĩnh vực quan trọng là kinh tế và luật trong chiến lược xây dựng ĐHQG-HCM thành hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực, làm nòng cốt cho giáo dục đại học nước nhà.

    Ngay từ đầu, UEL xác định phát triển theo định hướng nghiên cứu, do vậy chương trình và phương pháp đào tạo được xây dựng và triển khai theo hướng trang bị cho người học khả năng nghiên cứu, tư duy phản biện, tính chủ động và năng lực học tập suốt đời. Nhà trường một mặt nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh nghiên cứu ở hai  lĩnh vực kinh tế và luật, mặt khác kết hợp và tạo sức mạnh liên ngành đối với hai lĩnh vực trên. Với tinh thần đó, các chương trình đào tạo của nhà trường được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức của các lĩnh vực nhằm tận dụng thế mạnh và tạo sự khác biệt so với các cơ sở đào tạo khác. Người tốt nghiệp thuộc khối ngành kinh tế có am hiểu nhất định về luật và ngược lại. Do vậy sinh viên UEL khi tham gia thị trường lao động luôn tự tin và có khả năng thích ứng cao với môi trường làm việc.

    * Ông có thể giới thiệu đôi nét về sự phát triển của UEL trong 15 năm qua?

    - Sau 15 năm xây dựng và phát triển, UEL đã đạt được những kết quả đáng tự hào ở tất cả lĩnh vực hoạt động. Đội ngũ cán bộ, giảng viên tăng nhanh cả về lượng và chất. Hiện nay toàn trường có 341 cán bộ, viên chức, trong đó có 67 tiến sĩ (1 giáo sư, 16 phó giáo sư), 100% giảng viên có trình độ sau đại học, có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cơ sở vật chất được xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học được nâng cao.

    Trong 15 năm qua, nhà trường đã đào tạo 20.052 cử nhân, 900 thạc sĩ, 32 tiến sĩ. Sinh viên của trường được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao về kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc. Trường được xã hội đánh giá là một trong những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng trong lĩnh vực kinh tế, luật, quản lý và kinh doanh của khu vực phía Nam.

    Trường đã tham gia nghiên cứu hơn 200 đề tài các cấp, có nhiều đề tài nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại các tỉnh, thành, địa phương; tham gia các đề án nghiên cứu theo đặt hàng của Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương; xuất bản gần 100 giáo trình, tài liệu phục vụ cho giảng dạy, học tập; công bố 343 bài báo trong nước và 49 bài báo quốc tế.

    Tất cả thành tựu đó cho thấy UEL là thành viên tích cực của ĐHQG-HCM, có những đóng góp và vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học quốc dân, trong khu vực và từng bước vươn ra thế giới.

    * Xã hội ghi nhận thành quả đào tạo của nhà trường như thế nào, thưa ông?

    - Thành quả đào tạo phải được khẳng định và thể hiện qua chất lượng đào tạo. Mặc dù phải còn nỗ lực nhiều hơn, nhưng nhà trường có thể tự hào về các thế hệ sinh viên đã ra trường. Người sử dụng lao động có những đánh giá và phản hồi rất tích cực đối với sinh viên của nhà trường. Phần lớn các em có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, thậm chí nhiều sinh viên được tuyển dụng khi còn ngồi ở ghế nhà trường, và hiện nay không ít các em đã thành đạt, giữ những vị trí quan trọng ở các tổ chức, tập đoàn đa quốc gia. Các học viên cao học và nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ thành công luận văn, luận án đều phát huy năng lực, kiến thức trong công tác quản lý, chuyên môn thuộc nhiều vị trí xã hội khác nhau.

    Để nâng cao chất lượng đào tạo, UEL tích cực thúc đẩy liên thông trong trường và trong ĐHQG-HCM, chuyển đổi tín chỉ trong khu vực. Các hoạt động đánh giá chất lượng giảng dạy môn học, khóa học, chất lượng quản lý và phục vụ; khảo sát thu thập ý kiến của cựu sinh viên và doanh nghiệp về mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, chất lượng đào tạo; đánh giá chương trình đào tạo đại học theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA; đánh giá cơ sở đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT... đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa và tư duy về chất lượng. Trường thực hiện tự đánh giá hầu hết các chương trình và đánh giá ngoài ĐHQG- HCM 6 chương trình, đánh giá chính thức AUN chương trình Kinh tế Đối ngoại và Tài chính - Ngân hàng với kết quả rất khả quan.

    * Nhà trường được nhiều doanh nghiệp và các đơn vị tài trợ để phát triển, xin ông cho biết đôi nét về điều này?

    - Ngay từ những ngày đầu thành lập, UEL đã đặc biệt chú trọng thiết lập mối quan hệ tương tác hai chiều, đa dạng với các đối tác là các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để chia sẻ hiệu quả nguồn tài nguyên của nhau. Đến nay, trường đã có 15 đối tác chiến lược là các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam như Hoa Sen Group, Agribank SG, Sacombank, HSC, HOSE, ACCA, CPA... Qua các hợp tác này, trong 5 năm (2010-2015), trường đã nhận tài trợ từ đối tác hơn 15 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ sinh viên, nghiên cứu, đào tạo và quản lý. Đồng thời nhà trường cũng hỗ trợ các đối tác thông qua các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, tư vấn triển khai và cung ứng nhân lực. Sự quan tâm, đồng hành nhiệt tình và quý báu của các đối tác đã góp phần giúp trường nâng cao chất lượng nghiên cứu - đào tạo và giúp sinh viên có thêm nhiều điều kiện tốt về môi trường học tập, tài chính, cơ hội để hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp để từ đó có những đóng góp hữu ích cho xã hội.

    Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật tham gia hoạt động Đoàn - Hội. Ảnh: KTL

         * Sinh viên UEL thường giành giải thưởng cao trong các cuộc thi học thuật và văn hóa văn nghệ. Đó có phải là một trong những “chiến lược” đào tạo của nhà trường, thưa ông?

    - Trường hợp sinh viên Trần Diễm Ái Vi đăng quang Hoa khôi Sinh viên Việt Nam năm 2013, sinh viên Phan Thị Quỳnh Hoa giành giải Nhất cuộc thi Tài năng Lương Văn Can năm 2014 chỉ là hai thành công điển hình, là “sản phẩm” cụ thể từ chiến lược đào tạo mà UEL theo đuổi trong nhiều năm vừa qua.

    Mục tiêu chiến lược của nhà trường là phát triển theo định hướng trường đại học nghiên cứu. Từ mục tiêu này nhà trường cụ thể hóa bằng các mục tiêu cụ thể đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo. Nghiên cứu khoa học được quan tâm và mở rộng đối với đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu và tất cả sinh viên trong trường. Môi trường học thuật và nghiên cứu khoa học được hình thành dưới nhiều hình thức và hoạt động phong phú như Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học Kinh tế - Luật, Câu lạc bộ Tri thức, Câu lạc bộ Anh ngữ, Sàn Giao dịch Chứng khoán ảo FESE, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Tài chính với cơ sở dữ liệu khổng lồ của Thomson Reuters...

    Kỹ năng và thái độ của người học cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng. Việc thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng tăng sự chủ động của người học được nhà trường áp dụng nhiều năm qua đã rèn luyện cho sinh viên nhiều kỹ năng cần thiết.

    Do vậy tôi cho rằng, tham gia tích cực các hoạt động học thuật và văn hóa văn nghệ cùng với quá trình học tập và rèn luyện đã tạo cho sinh viên UEL tính năng động và bản lĩnh cần thiết mà thành công của Ái Vi và Quỳnh Hoa là kết quả bước đầu.

    *Nếu dành 3 từ để nói về sinh viên UEL, ông sẽ nói gì?

    - Đó là tự tin, năng động và hội nhập. Đây là những đức tính đặc biệt quan trọng của người học trong bối cảnh đất nước mở cửa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, trước mắt là AEC, sau đó là TPP. Khi thị trường lao động không còn biên giới, để thành công, người học phải chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để trở thành công dân toàn cầu. Sinh viên UEL có những bước chuẩn bị tích cực để thích ứng nhanh và tận dụng tốt những cơ hội mà quá trình hội nhập đem lại.

    *Ông có thể cho một hình dung về UEL trong 5 năm tới?

    - Mục tiêu của UEL đến năm 2020 sẽ trở thành cơ sở đào tạo đạt chuẩn quốc tế, được xếp hạng trong số các trường đại học có uy tín ở khu vực ASEAN; sinh viên, học viên tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc trong môi trường toàn cầu; là trung tâm nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, luật và quản lý.

    * Xin trân trọng cảm ơn ông và kính chúc UEL tiếp tục gặt hái được nhiều thành công.

    Ánh Tân thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên