Dù có thành tích nổi bật trong học tập và nghiên cứu nhưng Chế Quang Huy không chọn làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn về công nghệ như bạn bè, mà lại quyết định gắn bó với công việc nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Truyền thông Đa phương tiện của Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM.
Sau hơn 4 năm theo đuổi cùng lúc ngành Kỹ thuật Máy tính và ngành Khoa học Máy tính, Chế Quang Huy đã tốt nghiệp loại giỏi với 8,36 điểm. Đây cũng là lần đầu tiên Trường ĐH Công nghệ Thông tin có sinh viên tốt nghiệp song ngành.
Đạt điểm cao nhất đợt bảo vệ khóa luận
Từ nhỏ, Quang Huy đã thích vẽ và xác định ngành kiến trúc là mục tiêu mà mình sẽ theo đuổi. Nhưng ước mơ ngày bé cũng dần khép lại sau khi nam sinh không trúng tuyển ngành học này trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Đối diện với trở ngại đầu đời, thay vì hụt hẫng, Huy đã nghiêm túc nhìn lại bản thân để chọn ra ngành học phù hợp với mình nhất. “Trong lúc tìm hiểu, mình thấy những ngành thiên về thiết bị điện tử như Kỹ thuật Máy tính có vẻ thân thuộc nhất. Có lẽ vì hồi nhỏ, ngoài vẽ, mình cũng rất thích mày mò tháo lắp và khám phá cấu tạo của những món đồ chơi cũ” - Huy hồi tưởng.
Đó cũng là lý do mà chàng trai quê Đồng Nai lựa chọn ngành Kỹ thuật Máy tính, Trường ĐH Công nghệ Thông tin là “bến đỗ” của mình. Trước khi tiếp xúc với các môn liên quan đến lập trình, Quang Huy khá lo lắng vì sợ bị tụt lại phía sau những bạn đã có sẵn nền tảng kiến thức. Sau một thời gian trải nghiệm, cậu lại thấy bản thân khá phù hợp và có khả năng học tốt những môn học này.
Để tiếp xúc nhiều hơn với môi trường lập trình, Huy đã tham gia câu lạc bộ (CLB) học thuật CEEC của Khoa Kỹ thuật Máy tính ngay từ đầu năm thứ nhất. Đây cũng là nơi ươm mầm cho ý tưởng học song ngành của cậu sau này.
Quang Huy kể lại: “Mục tiêu đầu tiên khi tham gia CLB của mình là học hỏi thêm kiến thức về chuyên ngành hệ thống nhúng. Nhưng trải qua quá trình sinh hoạt tại CLB, mình nhận ra lĩnh vực thị giác máy tính thuộc ngành Khoa học Máy tính có thể bổ trợ rất nhiều cho ngành học hiện tại. Nên sau đó, cứ mỗi học kỳ, mình lại đăng ký 1-2 môn của ngành Khoa học Máy tính”.
Đến khoảng năm thứ 3, Huy bắt đầu có định hướng nghiên cứu chuyên sâu và tập tành viết các bài báo khoa học. Cùng lúc đó, nam sinh sinh năm 2000 cảm thấy kiến thức học được từ Khoa Khoa học Máy tính tạo cho mình nguồn cảm hứng nghiên cứu khoa học (NCKH) mạnh mẽ, nên cậu đã quyết định xin phép nhà trường cho học song ngành.
“Mình nghĩ khó khăn lớn nhất của việc học song ngành nằm ở việc sắp xếp thời gian và một phần ở khâu thủ tục khi làm đơn xin học hoặc hồ sơ xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, trường luôn tạo điều kiện và hỗ trợ mình giải quyết những trục trặc đó” - Quang Huy chia sẻ.
Hiện tại, Quang Huy rất hài lòng với quyết định học song ngành của mình vì những kiến thức học được đã bổ trợ cho cậu rất nhiều trong việc nghiên cứu. Minh chứng rõ nhất cho điều này là khóa luận tốt nghiệp của Huy có sự kết hợp kiến thức của ngành Kỹ thuật Máy tính và ngành Khoa học Máy tính.
Khóa luận của Huy có nhan đề Tích hợp tính toán biên và máy chủ cho bài toán tìm kiếm con người và phương tiện trên khuôn khổ camera thông minh. Đây là một hệ thống camera, có khả năng chụp, thu thập, phân tích hình ảnh người và phương tiện rồi đưa lên máy chủ. Khi người dùng cần tìm kiếm người, phương tiện thì chỉ cần nhập hình ảnh hoặc thông tin biển số xe, rồi máy tính sẽ truy xuất dữ liệu về hình ảnh, vị trí và thời gian xuất hiện gần nhất.
Huy nói thêm: “Việc xây dựng hệ thống camera thông minh có áp dụng kiến thức của ngành Kỹ thuật Máy tính, còn việc đưa ra các thuật toán tìm kiếm, phân tích hình ảnh thì liên quan tới Khoa học Máy tính”.
Khóa luận tốt nghiệp của Huy đạt 9,7 điểm và đây cũng là số điểm cao nhất trong đợt bảo vệ khóa luận đó. Kết quả này đã góp phần giúp Huy tốt nghiệp song ngành loại giỏi. “Khi nhắc đến cụm từ ‘sinh viên tốt nghiệp song ngành đầu tiên’ thì mình cũng khá tự hào và xem đó như một thành tựu nho nhỏ của mình” - Huy dí dỏm.
Có 6 bài báo công bố quốc tế
Chia sẻ về thành tựu NCKH từ năm thứ 3 đại học đến nay, Quang Huy cho biết mình đã có 6 đề tài NCKH sinh viên cấp trường, 1 bài báo công bố quốc gia và 6 bài báo công bố tại các hội nghị quốc tế. Các đề tài này đều liên quan đến thị giác máy tính và ứng dụng trí tuệ nhân tạo lên các hệ thống thông minh.
Khi được hỏi về đề tài tâm đắc nhất, Huy liền đáp: “Đó là một bài báo mà mình làm tác giả chính, được đăng tại Hội nghị Quốc tế MAPR 2022, liên quan đến hệ thống nhận diện biển số xe. Hệ thống này được mình đề xuất để giải quyết bài toán của công ty mà mình thực tập trong năm thứ 4 và cũng đã được công ty đưa vào sử dụng”.
Theo Huy, hệ thống này hoạt động hiệu quả hơn các hệ thống camera thông minh hiện tại. Thường thì khi muốn nhận diện biển số xe, các hệ thống camera thông minh sẽ chụp hình và trích xuất thông tin biển số. Nhưng đôi khi hình chụp bị nhòe hoặc bị che khuất, cản trở quá trình nhận diện và làm sai lệch thông tin. Trong khi đó, hệ thống do Quang Huy đề xuất sẽ chụp và trích xuất thông tin từ nhiều biển số trên đường xe chạy, sau đó dùng thuật toán kết hợp thông tin chuỗi thời gian và dữ liệu từ các biển số để đưa ra kết quả.
Ngoài những thành tích ấn tượng trong NCKH, Huy còn có một hành trình đáng nhớ tại cuộc thi xe tự hành quốc tế dành cho sinh viên - Bosch Future Mobility Challenge 2023, vào tháng 5/2023. Lần đó, đội thi của Huy (gồm 5 thành viên thuộc CLB CEEC) là một trong ba đại diện của Việt Nam sang Romania thi đấu.
Dù không thể đứng vào top 8 chung cuộc do gặp phải một số trục trặc kỹ thuật ngay trước ngày thi, nhưng chuyến đi đó đã giúp Huy có cơ hội tiếp xúc một nền văn hóa mới. Đồng thời, lần trải nghiệm này cũng cho Huy có thêm kinh nghiệm để tư vấn cho đàn em về cách tổ chức cuộc thi xe tự hành của CLB một cách chuyên nghiệp hơn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Quang Huy đã xin vào làm việc tại Phòng thí nghiệm Truyền thông Đa phương tiện của Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM vì thấy môi trường ở đây rất thoải mái, giúp Huy có thể thỏa sức sáng tạo. Bên cạnh đó, Huy còn giảng dạy một số môn thực hành của trường với vai trò trợ giảng và hướng dẫn đàn em làm đề tài NCKH cấp trường, viết bài báo khoa học.
Mới đây, Huy đã đăng ký chương trình học thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính với định hướng nghiên cứu chính là thị giác máy tính. “Không cần một lý do nào quá cụ thể cho việc mình thích lĩnh vực này. Mình chỉ thấy nó phù hợp và thích thú đối với bản thân. Nó như một đam mê chứ không phải công việc nữa” - Huy bày tỏ.
Nhìn lại quãng đời sinh viên của mình, Quang Huy bộc bạch: “Mình đã làm khá nhiều thứ trong thời đại học, từ học tập, nghiên cứu, tham gia chiến dịch Mùa hè Xanh đến làm Phó Chủ nhiệm CLB CEEC. Mình rất hài lòng với những trải nghiệm đó và cũng không có điều gì nuối tiếc”.
Là người có khả năng truyền cảm hứng Sau hơn 4 năm đồng hành cùng Chế Quang Huy trong các hoạt động của CLB CEEC và NCKH, ThS Phạm Minh Quân - giảng viên Khoa Kỹ thuật Máy tính, cho rằng Huy là một người rất thông minh, sáng tạo và chuyên cần. Đặc biệt, cậu còn là người có khả năng truyền đạt kiến thức cũng như truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên kế cận. Ngoài ra, khi còn làm Phó Chủ nhiệm CLB CEEC, Huy cũng thường xuyên phát động các hoạt động giao lưu, gắn kết các thành viên. ThS Minh Quân chia sẻ: “Với những phẩm chất như vậy, Huy đã làm rất tốt công việc NCKH từ khi còn là sinh viên cho đến khi trở thành một nghiên cứu viên như bây giờ. Tôi hy vọng em có thể tiếp tục phát huy năng lực của mình nhiều hơn nữa để có thể gặt hái nhiều thành công trong công việc lẫn cuộc sống”. |
HƯƠNG NHU - THU THẢO
Hãy là người bình luận đầu tiên