Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM chú trọng phương thức xét tuyển kết hợp trong thời gian tới

  • 13/11/2024
  • Ngày 13/11/2024, Trường ĐH Bách khoa tổ chức buổi tọa đàm về phương thức xét tuyển kết hợp nhằm thông tin về cách thức xây dựng và đánh giá thực tế triển khai tại đơn vị. GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đã đến dự.

    GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh các đơn vị thành viên khác cần tham khảo, xây dựng kế hoạch chi tiết với những hệ số phù hợp, hướng đến phương thức xét tuyển kết hợp trong thời gian đến.
    GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nhấn mạnh các đơn vị thành viên khác cần tham khảo, xây dựng kế hoạch chi tiết với những hệ số phù hợp, hướng đến phương thức xét tuyển kết hợp trong thời gian đến.

    Nhanh chóng thống nhất phương thức xét tuyển

    Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đánh giá cao phương thức xét tuyển kết hợp của Trường ĐH Bách khoa. Qua đó, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nhấn mạnh các đơn vị thành viên khác cần tham khảo, xây dựng kế hoạch chi tiết với những hệ số phù hợp, hướng đến phương thức xét tuyển kết hợp trong thời gian tới.

    “Trong năm nay, lứa học sinh đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu tốt nghiệp THPT và tham gia tuyển sinh đại học, vì vậy ĐHQG-HCM dự kiến công bố sớm các phương thức xét tuyển để thí sinh chủ động chọn lựa. Điều đó đòi hỏi các trường thành viên phải có các phương thức xét tuyển và các tổ hợp môn học phù hợp”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nói.

    TS Dương Tôn Thái Dương - Phó Trưởng ban Ban Đào tạo cho biết, trong năm 2025 ĐHQG-HCM thống nhất chủ trương thực hiện 03 phương thức tuyển sinh đại học gồm: (1) Xét tuyển thẳng; (2) Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHQG-HCM tổ chức; (3) Xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông (THPT). Đồng thời, ĐHQG-HCM khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

    Để thực hiện chủ trương tuyển sinh 2025, ĐHQG-HCM đã thành lập tổ công tác xây dựng đề án tuyển sinh. Đối với phương thức xét tuyển thẳng, TS Dương Tôn Thái Dương cho biết, ĐHQG-HCM dự kiến giữ ổn định tiêu chí xét tuyển so với các năm trước và tích hợp các đối tượng tuyển sinh. Trong đó, liên quan đến phương thức xét tuyển thẳng (dành cho các thí sinh giỏi, tài năng) ĐHQG-HCM dự kiến sẽ đưa ra mức ngưỡng đầu vào có thể là điểm thi THPT hoặc kết quả học tập THPT.

    Ngoài ra, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả  thi ĐGNL và thi THPT cũng được điều chỉnh về trọng số phù hợp. Dự kiến đề án tuyển sinh của ĐHQG-HCM sẽ hoàn thành vào ngày 15/12/2024 và được công bố ngay sau đó.

    Dự kiến đề án tuyển sinh của ĐHQG-HCM sẽ hoàn thành vào ngày 15/12/2024 và được công bố ngay sau đó.
    Dự kiến đề án tuyển sinh của ĐHQG-HCM sẽ hoàn thành vào ngày 15/12/2024 và được công bố ngay sau đó.

    Phương thức kết hợp đánh giá đầy đủ năng lực thí sinh

    Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, giai đoạn 2022-2024, nhà trường triển khai 5 phương thức tuyển sinh chính: Xét tuyển thẳng theo quy chế Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định ĐHQG-HCM; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế, thí sinh nước ngoài; Xét tuyển kết quả thi THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài; Xét tuyển theo phương thức kết hợp.

    Đối với phương thức tuyển sinh kết hợp của Trường ĐH Bách khoa, thí sinh được đánh giá bao gồm nhiều yếu tố: Học lực, thành tích cá nhân và hoạt động xã hội - văn thể mỹ. Cụ thể, yếu tố học lực gồm 3 thành phần: kết quả học tập ở bậc THPT, điểm thi THPT, điểm thi ĐGNL với trọng số các thành phần và quy tắc quy đổi điểm số do Hội đồng tuyển sinh nhà trường quyết đinh.

    “Yếu tố thành tích cá nhân gồm giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, giải khoa học kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế và các giải thưởng học thuật khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng yếu tố hoạt động xã hội, văn thể mỹ”, PGS.TS Trần Thiên Phúc nói thêm.

    Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc, việc thực hiện phương thức kết hợp sẽ đánh giá đầy đủ năng lực của thí sinh, tạo công bằng để thí sinh tham gia xét tuyển. Đồng thời, điều này góp phần đa dạng nguồn tuyển sinh, tạo động lực học tập và tham gia các hoạt động văn thể mỹ liên quan.

    Dự kiến, Trường ĐH Bách khoa trong năm 2025 sẽ có các phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐHQG-HCM; Xét tuyển kết hợp (ĐGNL, kết quả THPT, học lực THPT và năng lực khác).

    Phương thức xét tuyển kết hợp của Trường ĐH Bách khoa hướng đến các thí sinh tham gia phải có điểm thi Đánh giá Năng lực.
    Dự kiến, Trường ĐH Bách khoa trong năm 2025 sẽ có các phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐHQG-HCM; Xét tuyển kết hợp (ĐGNL, kết quả THPT, học lực THPT và năng lực khác).

    KHẮC HIẾU