Sau đại học

Phát âm tiếng Anh của sinh viên Miền Tây Nam Bộ - NCS. Lê Kinh Quốc

  • 12/12/2018
  • Tên đề tài luận án tiến sĩ: Phát âm tiếng Anh của sinh viên Miền Tây Nam Bộ (Nghiên cứu ngữ âm thực nghiệm)

    • Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh – đối chiếu
    • Mã số: 62. 22. 02. 41

    • Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Kinh Quốc
    • Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Văn Huệ
    • Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

    + Tóm tắt nội dung luận án

    Trên cơ sở lý thuyết ngôn ngữ trung gian, thông qua đối chiếu ba ngôn ngữ: tiếng Anh (Li) của 50 sinh viên miền Tây Nam Bộ, tiếng Anh (L2) của nhóm người Anh bản ngữ ở miền Nam Vương quốc Anh và tiếng Việt (L1) của sinh viên, luận án khảo sát năng lực tạo sản các đơn vị đoạn tính và siêu đoạn tính Li của những sinh viên này trên hai bình diện “đúng chuẩn” và “lệch chuẩn”, nêu ra nguyên nhân gây ra các kiểu lỗi phát âm và đề xuất một số biện pháp khắc phục lỗi. Nhằm hướng tới mục tiêu này, chúng tôi đã thực hiện 16 thực nghiệm ngữ âm học, phân tích và đánh giá 6 đơn vị Li: (1) nguyên âm đơn, (2) phụ âm đầu, (3) trọng âm, (4) nhịp điệu, (5) tầm âm vực và (6) ngữ điệu. Kết quả cho thấy năng lực thể hiện các đơn vị Li đích của sinh viên bị chi phối chủ yếu bởi (a) tập quán (thói quen) mà bộ máy phát âm của họ hành chức cho hệ thống ngữ âm trong tiếng mẹ đẻ; (b) chuyển di ngôn ngữ từ L1; và (c) quy tắc tần số (Ohala, 1983).

    + Những kết quả của luận án

    1. Nguyên âm đơn: Xét về phẩm chất, so với không gian cộng hưởng của phổ nguyên âm tiếng Việt, không gian cộng hưởng của phổ nguyên âm tiếng Anh rộng hơn, với 6 nguyên âm /i:/, /u:/, /ʊ/, /ɔ:/, /ɒ/ và /ɑ:/ có phân bố ở ngoại vi không gian cộng hưởng của phổ nguyên âm tiếng Việt. Do vậy, khi tạo sản những nguyên âm này, không gian dịch chuyển lưỡi của sinh viên cần phải được nới rộng ra khỏi cộng minh trường mà lưỡi có thói quen hành chức cho hệ thống nguyên âm L1 (nâng lưỡi lên thêm đối với /i:/, /u:/ và /ʊ/; lùi lưỡi về sau thêm đối với /ɔ:/, /ɒ/ và /ɑ:/). Trong quá trình tạo sản nguyên âm Li, so với không gian cộng hưởng của phổ nguyên âm chuẩn của nhóm người Anh bản ngữ, sinh viên có khuynh hướng (1) tiến lưỡi ra trước và hạ lưỡi xuống thấp hơn đối với 7 nguyên âm /ɪ/, /e/, /ʌ/, /æ/, /ɔ:/, /ɒ/ và /ɑ:/; (2) hạ lưỡi xuống thấp và lùi vào trong hơn đối với hai nguyên âm /u:/ và /ʊ/ và (3) hạ lưỡi xuống thấp hơn đối với 2 nguyên âm /i:/ và /ɜ:/. Xét về trường độ, năng lực (1) rút ngắn trường độ nguyên âm đứng trước phụ âm vô thanh và (2) rút ngắn trường độ nguyên âm để giữ nhịp của sinh viên khá tốt. Tuy nhiên, năng lực thể hiện trường độ nguyên âm trong mối tương quan giữa nguyên âm ngắn và nguyên âm dài trong các ngữ cảnh khác nhau của sinh viên khá thấp; và năng lực rút ngắn trường độ nguyên âm để giữ nhịp cũng giảm xuống khi càng có nhiều âm tiết không nhấn chêm vào cùng một từ đích.
    2. Phụ âm đầu: Năng lực sinh viên thể hiện VOT của 6 phụ âm tắc tiếng Anh /p, b, t, d, k, ɡ/ thấp là do không gian phổ VOT của phụ âm tắc vô thanh và không gian phổ VOT của phụ âm tắc hữu thanh tương ứng giữa hai ngôn ngữ L1 và L2 không giao nhau. Tần suất phạm lỗi VOT của sinh viên cao hơn xảy ra đối với những âm đích có thuộc tính âm vị học càng giống với âm tương tự trong L1. Trái lại, tần suất phạm lỗi VOT thấp hơn rơi vào những âm đích (1) không giống với bất cứ phụ âm nào trong L1 (/ɡ/L2 là âm xát, còn /ɡ/L1 là âm tắc) hoặc (2) không tồn tại trong hệ thống âm vị L1 (/p/ không có trong hệ thống phụ âm đầu L1). Năng lực thể hiện 8 phụ âm xát /f, v, θ, ð, s, z, ʃ, ʒ/ và 2 phụ âm tắc-xát /tʃ; dʒ/ của sinh viên bị chi phối bởi (1) tập quán thể hiện phụ âm L1 trên bình diện âm vị học đối với ba tiêu chí: vị trí cấu âm, phương thức phát âm và tính thanh; (2) tập quán thể hiện đặc tính phổ CoG và ZCR L1 (tính ồn và tiếng thanh) trên phương diện ngữ âm học; và (3) hiện tượng răng hóa phụ âm.
    3. Trọng âm: Khuynh hướng phân bố trọng âm của sinh viên bị chi phối bởi tập quán nhấn giọng vào âm tiết (hay tiếng) cuối cùng hay duy nhất của ngữ đoạn trong L1. Tính không nhất quán của sinh viên về việc thể hiện biến thiên âm vực tiếng Anh lên mức cực đại hay xuống mức cực tiểu đối với các âm tiết mang trọng âm hay không mang trọng âm bị chi phổi bởi đường nét và phân bố âm vực của các dạng thanh điệu trong L1.
    4. Nhịp điệu: So với người bản ngữ Anh, trường độ nhịp giữa hai âm tiết mang trọng âm mà sinh viên thể hiện dài hơn khi càng có nhiều âm tiết không nhấn chêm vào.
    5. Tầm âm vực: Sinh viên có khuynh hướng (1) thu hẹp khoảng biến thiên âm vực của kiểu ngữ điệu xuống do bị chi phối bởi tập quán thể hiện biến thiên âm vực cuối ngữ đoạn trong L1; (2) nâng mức âm vực cực tiểu của âm tiết không nhấn lên cao hơn so với mức âm vực cực tiểu của âm tiết nhấn do hiện tượng chuyển di từ đặc tính đường nét và phân bố âm vực của các dạng thanh điệu trong L1; và hệ quả là làm giảm tính nổi bật của âm tiết mang trọng âm do sự thu hẹp quãng âm vực giữa nó và âm tiết không nhấn đứng trước.
    6. Ngữ điệu: Tính không nhấn quán trong việc thể hiện đường nét ngữ điệu của sinh viên bị chi phối bởi quy tắc tần số (Ohala, 1983): sinh viên có khuynh hướng nâng tần số cơ bản cao hơn để biểu thị thông tin không chắc chắn, hoặc hạ thấp tần số cơ bản để nêu ra thông tin chắc chắn. Lỗi thu hẹp biến thiên âm vực cuối đơn vị ngữ điệu là do (1) sinh viên không có thói quen hạ mức âm vực xuống thấp hơn ngưỡng cực tiểu (nữ: 167 Hz; nam: 97 Hz) ở cuối đơn vị ngữ điệu L1 (cho ngữ điệu xuống) và (2) sinh viên có khuynh hướng nâng mức âm vực cực tiểu của âm tiết không nhấn (đứng trước âm tiết nhấn cuối câu) lên cao hơn (cho ngữ điệu lên).

    + Các ứng dụng/khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu

    1. Việc khảo sát năng lực phát âm của người học ngoại ngữ ở một vùng miền nào đó thông qua phương pháp ngữ âm học thực nghiệm, đối chiếu ba ngôn ngữ – ngôn ngữ đích của người bản ngữ, ngôn ngữ trung gian và ngôn ngữ nguồn (thổ ngữ) của người học – sẽ cung cấp một hệ thống cơ sở dữ liệu với những bằng chứng định lượng và khách quan về các quy luật chi phối quá trình giao thoa ngôn ngữ, những lỗi phát âm chung nhất của người học. Trên cơ sở đó, những nhà nghiên cứu và những nhà giáo dục có thể đề ra những giải pháp dạy và học ngoại ngữ cụ thể, phù hợp cho mỗi nhóm đối tượng người học trong vùng.
    2. Hướng nghiên cứu của luận án sẽ được ứng dụng vào việc thiết kế những chương trình đào tạo với sự hỗ trợ của các phần mềm giảng dạy tiếng Anh. Đây là những phần mềm phân tích ngôn ngữ trung gian của người học trên cơ sở đối chiếu với mô hình tiếng Anh đích nào đó (tiếng Anh, tiếng Mỹ, tiếng Úc) theo nhu cầu đào tạo.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên