Tin tức - Sự kiện

Phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế - NCS. Nguyễn Mạnh Cường

  • 27/07/2023
  • Tên đề tài LATS: Phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
    Chuyên ngành: Kinh tế chính trị
    Mã số: 62.31.01.02
    Họ tên NCS: Nguyễn Mạnh Cường
    Mã số NCS: 015102002
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Văn Luân
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án
    Trong điều kiện hội nhập quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện nay, cạnh tranh giữa các quốc gia thực chất là cạnh tranh về nguồn nhân lực. Hải quan là ngành đặc thù của đất nước, trải qua hơn 75 năm xây dựng và phát triển, Hải quan Việt Nam đã lớn mạnh và trưởng thành. Công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực thông qua việc đổi mới phương pháp quản lý nguồn nhân lực đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được mang tính tích cực. Thực tế, vẫn còn một số tồn tại và hạn chế. Luận án đã đi sâu phân tích và đánh giá thực trạng phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp góp phần phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
    Nội dung luận án bao gồm phần mở đầu và 05 chương như sau:
    Phần mở đầu nêu rõ tính cần thiết của đề tài; mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu; đối tượng và phạm vi nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu và nguồn số liệu; kết cấu của luận án.
    Chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan tới đề tài.
    Trong chương này, tác giả chủ yếu đi vào tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về nguồn nhân lực liên quan đến đề tài nghiên cứu của luận án như: các nghiên cứu về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực trong đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp; nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực dưới góc độ kinh tế - xã hội; nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan. Tóm tắt sơ bộ những nội dung chủ yếu của các công trình nghiên cứu, từ đó kế thừa giá trị của những nghiên cứu này, cũng như tìm ra những khoảng trống của đề tài để tiếp tục nghiên cứu.
    Chương 2: Cơ sở khoa học về phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
    Chương này làm rõ cơ sở khoa học về phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Qua các công trình nghiên cứu và những quan điểm của các học giả trong và ngoài nước, tác giả làm rõ những vấn đề cơ bản và cơ sở khoa học về nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực nói chung và phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan nói riêng, hội nhập quốc tế, đặc điểm hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra của hội nhập quốc tế đối với phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, nêu rõ vai trò của nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực trong hội nhập quốc tế; nội dung phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (số lượng, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực); những yếu tố cấu thành nên chất lượng của nguồn nhân lực Ngành đó là: thể lực, trí lực, tâm lực, tính năng động thích ứng, văn hóa nghề; những yếu tố tác động đến phát triển nguồn nhân lực Ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế bao gồm: đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; khoa học – công nghệ; hội nhập quốc tế; giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng; chính sách tuyển dụng; công tác quản lý, đánh giá và bố trí sử dụng; chính sách khen thưởng và đãi ngộ. Trong chương này, tác giả cũng đề xuất khung phân tích nhằm đạt được các mục tiêu nghiên cứu đề ra.
    Chương 3: Phương pháp nghiên cứu của luận án
    Trong chương này, tác giả trình bày chi tiết cơ sở để hình thành nên các giả thuyết nghiên cứu, đề xuất mô hình đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ngành Hải quan và quy trình nghiên cứu cùng với phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng và các bước nghiên cứu cụ thể. Nguồn số liệu bao gồm: số liệu thứ cấp (số liệu, thông tin bên trong và bên ngoài ngành) và số liệu sơ cấp (đối tượng khảo sát là cán bộ công chức giữ chức vụ lãnh đạo - những người có thể cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết cho nghiên cứu). Mẫu nghiên cứu được lựa chọn theo phương pháp lấy mẫu thuận tiện, số lượng mẫu là hợp lý, phù hợp theo nguyên tắc lấy cơ bản của Hair và cộng sự (1998), tỷ lệ phân bổ mẫu nghiên cứu theo đơn vị, giới tính, chức danh nghề nghiệp là hợp lý, đảm bảo độ tin cậy cao và có ý nghĩa tổng thể. Phương pháp điều tra khảo sát, thu thập số liệu được tiến hành đối với từng đối tượng cụ thể, từng vấn đề cụ thể. Có 5 giả thuyết nghiên cứu được đưa ra sau khi tác giả đã cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng các cơ sở khoa học của vấn đề nghiên cứu. Từ những giả thuyết này, tác giả đưa ra các bước nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức. Nghiên cứu sơ bộ được tiến hành thông qua hình thức thảo luận nhóm tập trung để hình thành thang đo nháp, tiếp đó phỏng vấn sâu chuyên gia để hình thành thang đo chính thức phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Nghiên cứu chính thức được tiến hành trình tự qua các bước cụ thể như kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha; phân tích nhân tố khám phá EFA (exploratory factor analysis); phân tích hồi quy đa biến.
    Chương 4: Thực trạng phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
    Chương này trình bày tổng quan về ngành Hải quan Việt Nam, lịch sử hình thành, phát triển theo tiến trình lịch sử của đất nước, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và địa bàn hoạt động. Nêu rõ kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ về mặt thể chế và nghiệp vụ trong giai đoạn 2011 – 2020. Điều quan trọng hơn cả là chương này đi sâu, tập trung:
    Phân tích thực trạng phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế về mặt quy mô, số lượng, cơ cấu và đặc biệt nhấn mạnh về chất lượng nguồn nhân lực (sử dụng kết quả khảo sát thực tế) thông qua biện pháp thống kê trung bình điểm đánh giá của cán bộ công chức giữ chức vụ lãnh đạo các cấp đối với chất lượng nguồn nhân lực Ngành qua các tiêu chí: thể lực (sức khỏe), trí lực, tâm lực, tính năng động thích ứng và văn hóa nghề. Chứng minh mô hình đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ngành Hải quan phù hợp với giả thuyết nghiên cứu ban đầu và cho thấy mức độ tác động thuận chiều của từng tiêu chí (chi tiết tại phụ lục 5)
    Phân tích những yếu tố tác động đến phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm: đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; khoa học – công nghệ; hội nhập quốc tế; giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng; chính sách tuyển dụng, công tác quản lý đánh giá và bố trí sử dụng, chính sách khen thưởng đãi ngộ.
    Từ kết quả phân tích thực trạng và các yếu tố tác động nêu trên, tác giả có những đánh giá chung về phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong đó, chỉ rõ những kết quả đạt được và nguyên nhân cũng như những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó. Đặc biệt, những kết quả đạt được, những vấn đề hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế được tác giả đưa ra hết sức chi tiết theo đúng thực trạng đã phân tích, đảm bảo tính khoa học và hệ thống của các đánh giá.
    Chương 5: Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
    Bối cảnh quốc tế và trong nước có tác động rất lớn đến mục tiêu chiến lược phát triển ngành Hải quan Việt Nam, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực Ngành. Dựa trên chiến lược phát triển ngành Hải quan; quan điểm, mục tiêu và định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển nguồn nhân lực Ngành; kết quả nghiên cứu định tính, định lượng qua khảo sát thực tế và thực trạng phát triển nguồn nhân lực Ngành để có được những đánh giá chung về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại hạn chế. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất có cơ sở khoa học các nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các nhóm giải pháp được đề xuất tập trung vào: cơ chế, chính sách; giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng; tuyển dụng; quản lý, đánh giá và bố trí sử dụng; thi đua khen thưởng, đãi ngộ và kỷ luật; cải thiện sức khỏe, điều kiện và môi trường làm việc; hợp tác quốc tế. Tất cả những giải pháp cụ thể, thiết thực trên sẽ giúp ngành Hải quan Việt Nam tham khảo để có thể hoàn thiện và từng bước phát triển nguồn nhân lực Ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Bổ sung thang đo các thành tố chất lượng nguồn nhân lực ngành Hải quan.
    Đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đo lường những tiêu chí này bằng số liệu thực tế thông qua khảo sát.
    Đưa ra những nội dung phát triển nguồn nhân lực Ngành và các yếu tố tác động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
    Đề xuất những giải pháp cụ thể, có tính khả thi nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Đóng góp một nghiên cứu thực nghiệm chứng minh bằng kết quả khảo sát thực tế, đo lường cụ thể từng tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ngành Hải quan.
    Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm: tài liệu tham khảo bổ ích, cung cấp thông tin, tri thức cho các cơ quan quản lý hành chính nhà nước nói chung, ngành Hải quan nói riêng xem xét, vận dụng vào thực tiễn nhằm cải tiến, thực hiện các biện pháp quản lý, phát triển nguồn nhân lực; là gợi ý để lãnh đạo các cấp, các ngành tham khảo trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng các chiến lược phát triển nguồn nhân lực; là nguồn tài liệu rất có ý nghĩa cho học viên, sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt là ngành Hải quan.
    Nghiên cứu được tiến hành một cách nghiêm túc, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế mà luận án vì nhiều yếu tố khách quan, chủ quan vẫn chưa thực hiện được, cần khắc phục trong các nghiên cứu tiếp theo:
    Thứ nhất, công tác khảo sát thực tế trong phạm vi ngành Hải quan, các nghiên cứu sau có thể mở rộng ra các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp, các doanh nghiệp logistics để có những nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn.
    Thứ hai, phương pháp chọn mẫu được sử dụng là chọn mẫu theo phương pháp thuận tiện. Các nghiên cứu sau có thể sử dụng các phương pháp chọn mẫu tốt hơn như: phương pháp chọn mẫu theo định mức, chọn mẫu theo hệ thống hoặc phân tầng.
    Thứ ba, sau khi chứng minh, đo lường các mối quan hệ, các nghiên cứu sau có thể làm thêm phần khảo sát sâu các nguyên nhân của các mối quan hệ, thực hiện khảo sát hoặc lấy ý kiến chuyên gia về các giải pháp khắc phục. Như vậy, các giải pháp sẽ thiết thực và có hiệu quả hơn với ngành Hải quan.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên