Tin tức - Sự kiện

Thích ứng về vai trò giới của vợ chồng trẻ nhập cư tại Thành phố Hồ Chí Minh (nghiên cứu trường hợp dân nhập cư ở quận 9) - NCS. Phạm Thị Tâm

  • 22/08/2023
  • Tên đề tài luận án: Thích ứng về vai trò giới của vợ chồng trẻ nhập cư tại Thành phố Hồ Chí Minh (nghiên cứu trường hợp dân nhập cư ở quận 9)
    Chuyên ngành: Dân tộc học
    Mã số: 9310310
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Thị Tâm
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc
    Tên cơ sở đào tạo: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.
    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
    Nội dung của luận án tập trung tìm hiểu vai trò giới được định hình thông qua tiến trình xã hội hóa cá nhân của cả nam giới và nữ giới trưởng thành nhằm lý giải sự thay đổi hay thích ứng của người nhập cư đến quận 9, thành phố Hồ Chí Minh; phân tích bối cảnh xã hội đô thị và cuộc sống nhập cư đã tác động như thế nào đến những tư tưởng về vai trò giới truyền thống trước đây và hiện nay của các đôi vợ chồng trẻ nhập cư. Luận án đồng thời lý giải những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thích ứng vai trò giới của các cặp vợ chồng trẻ và dự báo những khó khăn, bất lợi trên khía cạnh giới từ quá trình thích ứng này.
    + Những kết quả của luận án
    (1) Những cặp vợ chồng trẻ nhập cư tại quận 9 trong nghiên cứu này đa phần xuất từ nông thôn ra thành thị nên ít nhiều ảnh hưởng bởi quá trình xã hội hóa cá nhân từ khung cảnh xã hội cổ truyền. Thông qua đặc điểm cơ bản của khách thể nghiên cứu như độ tuổi, trình độ học vấn, sức khỏe, lĩnh vực nghề nghiệp, thu nhập trung bình hàng tháng, chúng tôi đã bước đầu phản ánh các khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình các đôi vợ chồng trẻ nhập cư.
    (2) Có hai vấn đề trong quan niệm, chuẩn mực về giới đang diễn ra trong những gia đình vợ chồng trẻ nhập cư: (i) giá trị hôn nhân truyền thống vẫn còn ảnh hưởng mạnh, đang có xu hướng phục hồi trong một vài nét văn hóa và (ii) giá trị, chuẩn mực giới về nam và nữ vẫn đang thể hiện rõ trong nếp nghĩ, lối sống và biểu hiện cụ thể bằng hành động trong ứng xử hàng ngày của người vợ và người chồng.
    (3) Không tồn tại mô hình truyền thống: chồng đi làm đảm bảo kinh tế cho cả gia đình còn vợ ở nhà nội trợ. Trong các gia đình được khảo sát, cả hai vợ chồng cùng tham gia các hoạt động sản xuất tạo thu nhập. Đáng chú ý, nữ giới chủ yếu tham gia vào các lĩnh vực kinh tế phi chính thức, nghề nghiệp không đòi hỏi trình độ cao như buôn bán nhỏ, nội trợ, thất nghiệp. Những hoạt động này thường bị xã hội đánh giá thấp hơn so với nam giới về mặt giá trị, uy tín nghề nghiệp. Người phụ nữ cũng tham gia làm những công việc tương ứng với nam giới nhưng họ lại được trả công thấp hơn hẳn (do thấp kém hơn về bằng cấp và thời gian dành cho công việc – tăng ca/làm thêm ít hơn so với nam giới).
    (4) Đại bộ phận gia đình vợ chồng trẻ nhập cư hài lòng với đời sống hôn nhân hiện tại, tức là không tồn tại rõ ràng sự bất bình đẳng giới trong quá trình thích ứng vai trò giới của các cặp vợ chồng trẻ. Những ý kiến trả lời của cả vợ và chồng thiên về nhấn mạnh quá trình để chung sống với nhau lâu dài và sẵn sàng bỏ qua những mâu thuẫn, xung đột xảy ra trong hôn nhân gia đình. Một số nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa vợ và chồng là yếu tố khó khăn về kinh tế hoặc bất hòa trong ứng xử, chứ không phải là sự bất bình đẳng trong phân công lao động theo giới như một số nghiên cứu trước đó đã chỉ ra.
    (5) Các nhóm yếu tố: Nhóm yếu tố kinh tế - xã hội, Nhóm yếu tố giáo dục, Nhóm yếu tố văn hóa – định kiến giới và Nhóm yếu tố chính sách bình đẳng giới có ảnh hưởng đến sự thích ứng vai trò giới. Ở khảo sát này, do đóng góp thu nhập không cao hơn chồng (thậm chí không có thu nhập), đa số phụ nữ chấp nhận vị thế thấp, bị đẩy vào vòng tròn “công việc nhà” không có lối thoát. Thu nhập hay các yếu tố kinh tế - xã hội là điều kiện để thay đổi trật tự phân công lao động theo giới trong gia đình nhưng bản thân nó chưa đủ sức để tạo ra sự thay đổi. Chính những yếu tố giáo dục, yếu tố văn hóa – định kiến giới và yếu tố chính sách bình đẳng giới khi xem xét đánh giá một cách toàn diện mới cho thấy xã hội đã thiếu sự tin tưởng ở phụ nữ, coi thường năng lực của phụ nữ dẫn đến các chính sách bình đẳng giới mặc dù được tập trung nhưng chưa đạt hiệu quả.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Do giới hạn khả năng bao quát về mặt chuyên môn với một lĩnh vực nghiên cứu là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, đặc biệt đặt trong bối cảnh nghiên cứu liên ngành, luận án này không thể tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót nhất định.
    (1) Giới hạn về phạm vi khách thể nghiên cứu: Chúng tôi mới chỉ tập trung khai thác dữ liệu nghiên cứu từ nhóm gia đình có vợ chồng trong độ tuổi từ 35 tuổi trở xuống, mới kết hôn lần đầu, thời gian kết hôn từ một đến dưới năm năm và đang sinh sống tại TPHCM có thời gian từ sáu tháng đến 10 năm và một số cán bộ chính quyền địa phương công tác tại các lĩnh vực có liên quan. Còn các khách thể khác như: chủ cơ sở SXKD, lãnh đạo cơ quan, đại diện các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương, hàng xóm, người thân ruột thịt của gia đình; chúng tôi chưa có điều kiện để khảo sát, tổng hợp và phân tích thêm. Ngoài ra, việc khảo sát thêm những nhóm gia đình có thời gian kết hôn trên năm năm (10 năm, 15 năm) hay so sánh đối chiếu giữa những nhóm gia đình có nhà riêng/đang ở trọ; gia đình có con nhỏ được ông bà sống gần hoặc sống chung phụ giúp/những gia đình không có được sự hỗ trợ này, v.v…. để có thông tin so sánh, đối chiếu là rất cần thiết nhưng chúng tôi chưa có điều kiện để thực hiện. Đây thực sự cũng là một hạn chế thấy rõ trong nghiên cứu của chúng tôi.
    (2) Giới hạn về phương pháp nghiên cứu: Mặc dù có sự linh động kết hợp cả hai phương pháp nghiên cứu (định lượng và định tính) để bổ trợ thông tin nhằm đối chiếu, kiểm chứng và đánh giá khách quan nhưng chúng tôi tự nhận thấy những hạn chế từ cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu đến phân tích, bình luận dữ liệu khảo sát theo chuyên ngành Dân tộc học là chưa thấy tính đặc trưng vốn có của nó. Có nghĩa là chúng tôi biết sử dụng phương pháp, biết cách vận dụng lý thuyết và hướng tiếp cận nhưng cách chúng tôi trình bày kết quả nghiên cứu từ khảo sát này chưa đủ để người đọc đọc xong và nhận thấy rõ ngay đây là một nghiên cứu chuyên ngành Dân tộc học. Đây là hạn chế mà bản thân chúng tôi nhận thấy cần phải học hỏi, tích lũy kiến thức nhiều hơn nữa để bổ sung, hoàn chỉnh hơn trong quá trình nghiên cứu học thuật.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên