Tin tức - Sự kiện

Tư duy biểu trưng trong thơ (Nghiên cứu trường hợp Emily Dickinson) - NCS. Phạm Thị Hồng Ân

  • 29/03/2023
  • Tên đề tài: Tư duy biểu trưng trong thơ (Nghiên cứu trường hợp Emily Dickinson)
    Chuyên ngành: Lý luận Văn học
    Mã số: 9220120
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Thị Hồng Ân
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Thị Phương Phương
    Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG HCM
    + Tóm tắt nội dung luận án
    Ngôn ngữ nghệ thuật luôn chứa đựng yếu tố hình tượng, biểu trưng; nghệ thuật ngôn từ là nghệ thuật của sự gợi ý một cách tinh tế nhưng có sức ảnh hưởng sâu đậm và dài lâu. Sự vận động của thời gian đã chứng minh tính bản chất của nó trong ngôn ngữ nghệ thuật; nhờ đó, một tác phẩm nghệ thuật có thể đến được với người thưởng lãm với chiều sâu nội dung, đòi hỏi người thưởng lãm, giống như người sáng tạo, cũng phải lao động trí óc cật lực để hiểu được những chiều kích nghệ thuật mà các hình ảnh biểu trưng đem lại. Đặc biệt với những tác giả có trí tưởng tượng khác lạ, việc tìm hiểu tính biểu trưng trong thơ của họ là một đòi hỏi thiết yếu. Đối với nền văn học Mỹ, một nền văn học có lịch sử hình thành đáng chú ý vì sự phát triển thần tốc của nó, việc nghiên cứu và tìm hiểu tư duy thơ của các tác giả Mỹ sẽ đem lại những hiểu biết sâu rộng hơn về quốc gia “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại có sức phát triển đáng kinh ngạc này. Do đó, trong luận án này, chúng tôi tìm hiểu tư duy biểu trưng trong thơ qua một trường hợp nghiên cứu điển hình là nhà thơ Mỹ Emily Dickinson (1830 – 1886) nhằm làm nổi bật những con đường tư duy hình ảnh của nhà thơ cũng như những nguồn mạch tác động đến việc sáng tạo và tái tạo các hình ảnh biểu trưng đó. Chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp nghiên cứu phê bình cổ mẫu, phê bình phân tâm vật chất, phương pháp ký hiệu học hàm nghĩa, phương pháp liên văn bản, cùng các phương pháp cấu trúc – hệ thống, phân tích – tổng hợp, nghiên cứu loại hình và nghiên cứu trường hợp. Các kết quả cho thấy một nhà thơ, trong trường hợp này là Dickinson, chịu sự tác động phong phú từ các nguồn mạch của cộng đồng nhân loại nói chung, của văn hóa quốc gia nói riêng, và của cả đời sống tinh thần đặc sắc và riêng biệt của nhà thơ, để sáng tạo và tái tạo những hình ảnh biểu trưng độc đáo, rất riêng nhưng cũng rất chung.
    + Những kết quả của luận án
    1. Chúng tôi đã khái quát con đường tư tưởng của những hình ảnh biểu trưng trong văn học, với hai ngả rẽ chính quan trọng là hướng đi của những cổ mẫu / siêu tượng trong khái niệm “vô thức tập thể” của Carl G. Jung, và hướng đi của Ký hiệu học, khởi đầu từ Ferdinand de Saussure và Charles Sanders Peirce. Một con đường quan trọng khác mà chúng tôi nhận thấy là tư duy tưởng tượng vật chất của Gaston Bachelard, với cùng hướng xuất phát như Jung, nhưng được ông kết nối với những yếu tố nguyên thủy trong vũ trụ.
    2. Chúng tôi đã tìm ra ý nghĩa của những cổ mẫu trong tư duy thơ của Dickinson. Những cổ mẫu đó mang dấu ấn của loài người và của tôn giáo, được thể hiện qua những bài thơ về linh hồn và cái chết. Đối với hình ảnh linh hồn, Dickinson tạo tác những tầng ý nghĩa biểu trưng mới cho nó: linh hồn trong thơ bà tượng trưng cho sự giải huyền thoại, sự giả trang tài tình, và cảm thức siêu nghiệm về cái hằng biến và bất biến. Đối với hình ảnh Tử thần, Dickinson nhìn thấy trong đó sự huyền nhiệm như tôn giáo của bà đã dạy: sự tái sinh, sự bất tử, nhưng vẫn mang dấu ấn của riêng bà: những giá trị mới về tình yêu với cuộc đời và vẻ đẹp của những nấm mồ. Với cuộc sống khá tách biệt với những náo nhiệt của xã hội, Dickinson, bằng cách nào đó, đã giữ được cho mình mối liên hệ sâu sắc với những ký tích này trong tư duy của con người. Hơn nữa, những ký tích đó nơi Dickinson còn mang màu sắc tôn giáo của tổ tiên và cộng đồng bà. Với Dickinson, bà không chỉ chia sẻ dấu ấn đó với cộng đồng và toàn thể nhân loại, mà còn bộc lộ tính cá nhân độc đáo và sáng tạo, làm nên một bản sắc “Dickinson” vô cùng khác biệt trong những sáng tác của bà. Những bài thơ về linh hồn và cái chết thể hiện một tinh thần và ý chí tự do, cùng nhãn quan mới lạ trong những huyền nhiệm của sự chết.
    3. Chúng tôi đã khảo sát cách Dickinson mã hóa hình ảnh, đồng thời tìm ra cách giải mã những ký hiệu hình ảnh trong thơ Dickinson. Bằng con đường lý thuyết của các nhà Ký hiệu học, quá trình mã hóa ngôn ngữ của nhà thơ có thể được nhận diện dưới hình thức cấu trúc hóa hoặc các phương thức tư duy. Hình thức cấu trúc hóa làm sáng tỏ cấu trúc thơ định nghĩa và thơ đố của Dickinson, cùng với những sáng tạo của bà trong cấu trúc đó. Đồng thời, có thể thấy rõ thi sĩ vận dụng linh hoạt cả hai phương thức tư duy quy nạp và diễn dịch trong quá trình sáng tác của mình. Cũng qua con đường Ký hiệu học, cách giải mã các ký hiệu hình ảnh trong thơ được trình bày với hai phương thức: nghĩa hàm ẩn và sự liên văn bản. Cả hai cách giải mã này đều thể hiện một khả năng lớn trong việc mở ra thế giới của nhà thơ, với những tầng lớp ý nghĩa trong lớp vỏ ngôn từ, cùng sự sáng tạo khi liên văn bản.
    4. Chúng tôi đã định vị tầm quan trọng của Dickinson trong văn học Mỹ giai đoạn phục hưng (American Renaissance), tức là giai đoạn nước Mỹ hình thành, phát triển và lan tỏa các giá trị của chính mình trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu. Chịu ảnh hưởng bởi tinh thần siêu nghiệm của thời đại, Dickinson đưa vào trong thơ những chủ đề và nguồn mạch của thời đại mình; đồng thời, với sức sáng tạo dồi dào và năng lực tưởng tượng phong phú của thi sĩ, thơ của Dickinson không chỉ đơn thuần là sự phản ánh của tư tưởng thời đại mà còn đi trước cả thời đại của mình, dự báo những xu hướng thẩm mỹ mới trong tương lai. Với tinh thần siêu nghiệm, Dickinson nhìn thấy vị thế của con người trong tự nhiên và mối quan hệ hữu cơ giữa con người và tự nhiên, từ đó đi đến một tư tưởng phóng khoáng về tự do và dân chủ, một triết lý quan trọng của nước Mỹ lúc đó. Cũng nhờ mối liên hệ sâu xa với tự nhiên mà tư duy thơ của Dickinson còn mang tinh thần sinh thái, đưa con người xa khỏi vị trí trung tâm của vũ trụ, đề cao tự nhiên và các thực thể của nó, từ đó làm nổi bật quan điểm công bình và nhân ái trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên cũng như giữa con người với nhau, một tinh thần mà nước Mỹ hiện đại cho đến ngày nay vẫn luôn rất cần. Với những quan điểm cá nhân về con người và cuộc sống như thế, thơ của bà mang tư duy hiện sinh, nhấn mạnh hoài bão sống và sự dấn thân của con người trong cuộc hiện sinh đầy trắc trở và âu lo của chính họ. Và cuối cùng, với năng lực tinh thần phong phú và trí tưởng tượng lạ kỳ, thơ Dickinson còn mang vài đặc điểm của thơ tượng trưng Pháp, một thi phái gần như hoàn toàn thoát ly khỏi Chủ nghĩa Lãng mạn, mở màn cho thời kỳ hiện đại trong lịch sử văn học thế giới. Với những tư tưởng đa dạng như thế trong thơ, Dickinson – dù thầm lặng – đã góp phần làm cho văn học Mỹ thăng hoa và triển nở phong phú trong mọi chủ đề, không chỉ dừng lại ở Chủ nghĩa Siêu nghiệm. Dickinson rõ ràng giữ một vai trò quan trọng trong Văn học Mỹ, là một điểm nhấn đáng chú ý ở thời kỳ này, khi vị trí phụ nữ vẫn chưa được đề cao trong xã hội.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Tính ứng dụng trong việc khảo sát các hình ảnh biểu trưng:
    Một hình ảnh biểu trưng trong thơ không nên được nhìn nhận một cách riêng lẻ, vì như vậy sẽ có thể bỏ qua những ý nghĩa quan trọng của hình ảnh ấy. Chính đời sống cá nhân đã bồi đắp lớp phù sa ý nghĩa cho các hình ảnh, và ở chiều ngược lại, các hình ảnh biểu trưng lại bộc lộ chính con người và truyền thống của họ. Tính tập thể, hay truyền thống, và tính cá nhân hòa quyện và kết hợp với nhau trong một hệ thống biểu trưng phong nhiêu đầy sức sống. Chúng không bao giờ cũ, nhưng cũng không hoàn toàn mới. Chúng linh hoạt, biến ảo, sáng tạo, như chính những cá nhân và cộng đồng đã tạo ra chúng, và không thể giải quyết chúng một lần cho xong.
    Tính ứng dụng của công trình:
    Công trình có thể được sử dụng như tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy và nghiên cứu của bộ môn Văn học Mỹ tại Việt Nam.
    Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    1. Qua những gì chúng tôi nghiên cứu và khảo sát, với trường hợp nghiên cứu tiêu biểu là Dickinson, các kết quả cho thấy bà vẫn còn giữ được trong lối sống của mình “nét độc đáo về tinh thần loài người” mà Jung đã nhắc đến. Tuy nhiên, nếu Dickinson duy trì được tinh thần đó do lối sống đặc biệt của mình, thì câu hỏi đặt ra là liệu các tác giả khác với lối sống cởi mở hơn còn phản ánh tinh thần đó trong các tác phẩm của họ hay không, và phản ánh như thế nào; các hình ảnh đó được bồi đắp ý nghĩa ra sao, v.v. Hướng nghiên cứu này có thể sẽ mở rộng lý thuyết của Jung về tính kế thừa và sự thay đổi trong các cổ mẫu. Vấn đề này có thể được nghiên cứu trong mối tương quan với không gian văn hóa của mỗi quốc gia, tộc người, vùng miền, đồng thời cũng có thể trong đời sống mỗi cá nhân, như trường hợp của Dickinson.
    2. Với phát hiện của chúng tôi về sự hiện diện của tính chất “đất” trong thơ Dickinson, theo lý thuyết của Bachelard, thì các tác giả khác phản ánh tính chất của nguyên tố nào trong bản năng và tư chất của họ? Nơi họ có sự thống nhất hay kết hợp giữa các nguyên tố? Sự kết hợp đó có thể đóng góp vào lý thuyết của Bachelard thế nào?... Đó cũng có thể là một hướng nghiên cứu mà chúng tôi nhận thấy có tiềm năng để lý giải và soi sáng quá trình sáng tác của một tác giả. Đồng thời, quá trình sáng tác như thế sẽ có thể có những tác động phong phú như thế nào lên quá trình tiếp nhận cũng là một câu hỏi thú vị mà các hướng nghiên cứu trong tương lai có thể theo đuổi.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên