Tin tức - Sự kiện

Văn hóa Công giáo ở Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn từ 1954 đến nay) - NCS. Đinh Thiện Phương

  • 25/02/2022
  • Tên đề tài: Văn hóa Công giáo ở Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn từ 1954 đến nay) 
    Chuyên ngành: Văn hóa học
    Mã số: 9229040
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Đinh Thiện Phương
    Người hướng dẫn khao học: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Dung
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-TP.HCM
    + Tóm tắt nội dung luận án 
    Công giáo là tôn giáo có số tín đồ lớn thứ hai ở Việt Nam, riêng tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) thì số giáo dân gần 700.000 người, chiếm hơn 8% dân số thành phố (2018). Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Cuộc di cư của nhiều đồng bào Công giáo từ miền Bắc năm 1954 đã làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc của Công giáo miền Nam, đặc biệt là tại SG-TP.HCM. Những xứ đạo kiểu làng xã Bắc bộ được tái cấu trúc ngay trên vùng đất mới. Sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại giữa các cộng đồng Công giáo và môi trường đô thị đã tạo cho văn hóa Công giáo ở SG-TP.HCM một diện mạo độc đáo. Bên cạnh đó, trong gần 70 năm qua, văn hóa Công giáo đã có những đóng góp to lớn cho văn hóa SG-TP.HCM, để lại các di sản trên cả bình diện vật thể: kiến trúc, mỹ thuật, … lẫn phi vật thể: giáo dục, văn học nghệ thuật, … Đã có nhiều tác giả nghiên cứu về Công giáo Việt Nam, riêng về Công giáo ở SG-TP.HCM thì các công trình tập trung nhiều vào các chủ đề như: đời sống người giáo dân dưới triều Nguyễn, các vấn đề liên quan đến cuộc di cư 1954, cấu trúc cộng đồng một số giáo xứ, đời sống đạo trong các thành phần giáo dân,… Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu về văn hóa Công giáo ở SG-TP.HCM xét như một chỉnh thể với những đặc điểm phổ quát. Đề tài "Văn hóa Công giáo ở Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn từ 1954 đến nay)" tiếp cận từ góc nhìn văn hóa xã hội thông qua các phương pháp điền dã, so sánh, hệ thống, liên ngành nhằm phác họa diện mạo của văn hóa Công giáo ở thành phố trong gần 70 năm qua, đồng thời, tổng kết sơ bộ những đóng góp của Công giáo qua hệ thống các di sản. Luận án cũng giúp những cộng đồng tín ngưỡng khác nhau hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa Công giáo Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
    + Những kết quả của luận án
    1. Luận án đã khái quát những đặc điểm cơ bản làm nên diện mạo Công giáo ở một địa bàn cụ thể là Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, đô thị phương Nam hội tụ nhiều sắc thái văn hóa của những luồng di dân khắp nơi. Vì vậy, diện mạo của văn hóa Công giáo ở Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh cũng mang đậm dấu ấn của đô thị sông nước phương Nam với tính giản tiện, tính thời đại và quan trọng nhất là tính đa sắc diện. Như vậy, một mặt văn hóa Công giáo ở SG-TP.HCM rất đa dạng, phong phú nhưng mặt khác lại luôn có đặc điểm chung là tính giản tiện và tính thời đại.
    2. Cộng đồng Công giáo ở SG-TP.HCM không phải là một cộng đồng thuần nhất. Tính từ năm 1954, có ít nhất 3 cộng đồng: cộng đồng Nam bộ cùng người Hoa đã định cư từ thời Nguyễn và cộng đồng người Bắc di cư. Luận án đã vận dụng lý thuyết Vùng văn hóa và phương pháp điền dã, định vị không ảnh, để bản đồ hóa các cộng đồng Công giáo này theo năm cụm, cư ngụ tại các khu vực Bắc, Nam, Trung Tây, Đông và Tây Nam thành phố. Mỗi cụm có một đặc điểm địa lý và tâm thức riêng, chính những tham số này đã làm biến đổi đời sống tinh thần của họ. Qua bản đồ tổng thể, luận án phân tích quá trình tiếp biến nội sinh, nguồn gốc của tính đa sắc diện trong văn hóa Công giáo ở Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh – nơi khởi nguồn của các giáo phận Đông Nam Bộ. 
    3. Luận án cũng chỉ ra đặc tính giản tiện và thời đại, hai đặc tính đô thị điển hình đã được tích hợp trong văn hóa Công giáo trên mọi thành tố văn hóa, biểu hiện qua nhiều hoạt động: thiết chế xứ đạo, xây dựng nhà thờ, mỹ thuật giáo đường, hôn nhân, tang lễ , giao tiếp ứng xử, … Hai đặc tính này đã làm cho diện mạo của Công giáo ở SG-TP.HCM trở nên độc đáo, khu biệt.
    4. Luận án đã hệ thống hóa những đóng góp của văn hóa Công giáo cho văn hóa Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh trong gần 70 năm qua trên hai bình diện Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, từ đó làm rõ hơn căn nguyên của tính đa sắc diện của văn hóa thành phố. 
    5. Trên bình diện Di sản văn hóa vật thể, thông qua kiến trúc, điêu khắc và hội họa, luận án chỉ ra những yếu tố mà văn hóa Công giáo đã linh hoạt biến chuyển để phù hợp với môi trường đô thị, vay mượn những thành tựu của thời đại, tạo ra những di sản riêng cho chính mình, để rồi những di sản ấy qua thời gian, mang tính đại chúng và trở thành di sản chung của cả thành phố. Đồng thời, văn hóa Công giáo cũng tác động ngược trở lại văn hóa thành phố qua việc đào tạo các nghệ nhân và các giá trị, chuẩn mực Công giáo được tích hợp trong nhiều tác phẩm khác. Trên bình diện Di sản văn hóa phi vật thể, luận án trình bày những thành tựu của người Công giáo đã được người dân thành phố chia sẻ chung: lễ hội Giáng sinh, phong trào báo chí, phong trào Hiện sinh trước 1975, các thể loại tiểu thuyết ma quái, giang hồ, kiếm hiệp, … nhiều nhân vật là người Công giáo hoặc được đào tạo từ các trường dòng đã gây dựng nền tân nhạc thành phố với phong trào nhạc vàng, boléro, nhạc trẻ, hoặc cổ nhạc với các sân khấu cải lương, đờn ca tài tử.
    Một vài kiến nghị:
    - Cộng đồng Công giáo ở SG-TP.HCM là một cộng đồng đông đảo, những thành tựu văn hóa của cộng đồng này không những chỉ đóng góp cho thành phố mà xa hơn là toàn dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cần có thêm nhiều công trình nghiên cứu về cộng đồng này. 
    - Từ những tồn tại trong quá khứ mà người Công giáo hiện nay vẫn còn nhiều nghi ngại, chưa hoàn toàn hội nhập với chính quyền thành phố. Chính quyền thành phố cần thể hiện sự thiện chí hơn nữa, hướng đến khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển nguồn nhân lực Công giáo trong thời đại mới
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu
    Qua các kết quả trên, luận án đã giải quyết được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, khi quan niệm rằng văn hóa là một hệ thống giá trị thì đồng thời phải thừa nhận quá trình vận động, biến đổi hết sức phức tạp của nó. Vì vậy, chắc chắn văn hóa Công giáo ở SG-TP.HCM sẽ tiếp tục biến đổi, luận án chỉ nghiên cứu trong khoảng thời gian 70 năm từ cuộc di cư 1954 đến năm 2021. Theo thời gian, đề tài này vẫn cần các công trình nghiên cứu tiếp nối.
    Luận án đã trình bày bức tranh tổng thể về văn hóa Công giáo SG-TP.HCM. Tuy nhiên, tác giả mong muốn có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu hơn về từng cộng đồng Công giáo tại SG-TP.HCM nhằm làm sáng rõ hơn những đường nét đan xen của bức tranh này trong tương lai. 
    Khả năng ứng dụng
    Góp phần làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho sinh viên ngành Văn hóa học và các ngành Tôn giáo học, Xã hội học, Việt Nam học, Dân tộc học, … Bên cạnh đó, luận án có thể trở thành tài liệu tham khảo cho các linh mục quản xứ Công giáo, các cộng đồng tín ngưỡng khác và chính quyền thành phố.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên