Tin tức - Sự kiện

Văn hóa khu vực Tây sông Hậu với phát triển du lịch bền vững - NCS. Trần Trọng Lễ

  • 30/03/2023
  • Tên đề tài: Văn hóa khu vực Tây sông Hậu với phát triển du lịch bền vững
    Chuyên ngành: Văn hóa học
    Mã số: 9229040
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Trọng Lễ
    Người hướng dẫn khoa học: TS. Lý Tùng Hiếu, TS. Võ Sáng Xuân Lan
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh
    Tóm tắt:
    Khu vực Tây sông Hậu là vùng đất nằm về phía hữu ngạn sông Hậu với các dạng môi sinh khác nhau như đồng bằng, đồi núi thấp, duyên hải, biển đảo. Các tộc người Việt - Khmer - Hoa - Chăm và một ít tộc người khác định cư trên vùng đất Tây sông Hậu từ khá sớm và có quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa với nhau để tạo một diện mạo văn hóa riêng với sắc thái văn hóa truyền thống kết hợp yếu tố bản địa và khu vực. Có thể nói vùng đất Tây sông Hậu là một không gian đa văn hóa và mang nét tương đồng với tiểu vùng văn hóa Tây Nam Bộ. Từ những năm đầu thế kỷ XXI, hoạt động du lịch được quan tâm triển khai ở các địa phương trên vùng đất Tây sông Hậu để đáp ứng sự phát triển của xu hướng du lịch đại chúng. Do vậy, nguồn tài nguyên du lịch được tập trung khai thác để tạo ra các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách trong giai đoạn hiện nay. Tài nguyên văn hóa là một trong những điều kiện tiên quyết để hấp dẫn khách du lịch. Văn hóa khu vực Tây sông Hậu đã được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau, kể cả ở góc độ ứng dụng cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc áp dụng các lý thuyết địa lý học văn hóa và sinh thái học văn hóa, lý thuyết hệ thống, lý thuyết du lịch văn hóa, và lý thuyết phát triển du lịch bền vững trong đánh giá khai thác văn hóa khu vực Tây sông Hậu phục vụ du lịch là một khoảng trống nghiên cứu cần được khai thác. Đồng thời, những cơ sở lý luận cần được bổ khuyết bằng việc tìm kiếm và chắt lọc các lý thuyết bao gồm cách nhìn nhận và phương hướng nhận thức, xử lý các vấn đề thực tiễn là khai thác tài nguyên văn hóa khu vực Tây sông Hậu trong phát triển du lịch một cách bền vững. Đó là lý do thúc đẩy chúng tôi chọn “Văn hóa khu vực Tây sông Hậu với phát triển du lịch bền vững” làm đề tài cho luận án tiến sĩ văn hóa học.
    Mục đích và đối tượng nghiên cứu
    Về mục đích nghiên cứu: Đề tài nhận diện đặc trưng tài nguyên văn hóa khu vực Tây sông Hậu trong phát triển du lịch bền vững, và xem xét hiện trạng khai thác đặc trưng tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch bền vững phục vụ nhu cầu du khách. Luận án đưa ra phương hướng, giải pháp, khuyến nghị để phát huy tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch bền vững ở khu vực Tây sông Hậu thời kỳ hội nhập đương đại.
    Về đối tượng nghiên cứu: Đề tài tập trung làm rõ sẽ là việc khai thác tài nguyên văn hóa khu vực Tây sông Hậu để phát triển du lịch bền vững của các bên liên quan (cư dân địa phương, doanh nghiệp du lịch lữ hành, chính quyền địa phương, khách du lịch) nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa.
    Nội dung luận án gồm có 3 chương chính:
    Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn
    Chương này trình bày khung lý thuyết, khung khái niệm được áp dụng trong nghiên cứu xuyên suốt luận án, và định vị văn hóa khu vực Tây sông Hậu (môi trường sinh thái nhân văn, giao lưu tiếp biến văn hóa, chủ thể văn hóa). Các thông tin, nhận định ở chương này sẽ tạo một nhận thức theo chiều sâu về sắc thái văn hóa khu vực Tây sông Hậu để phát triển du lịch bền vững.
    Chương 2: Thực trạng khai thác văn hóa khu vực Tây sông Hậu trong phát triển du lịch bền vững
    Trong chương này, tác giả xem xét thực trạng khai thác văn hóa trong du lịch nhìn từ khía cạnh phát triển bền vững về kinh tế, phát triển bền vững về văn hóa - xã hội, phát triển bền vững về môi trường sinh thái, đánh giá khai thác tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch bền vững.
    Chương 3: Các phương hướng, khuyến nghị khai thác văn hóa khu vực Tây sông Hậu trong phát triển du lịch bền vững
    Chương này đưa ra phương hướng, giải pháp, khuyến nghị khai thác tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch bền vững.
    Kết quả nghiên cứu
    Về mặt khoa học, luận án ứng dụng các lý thuyết văn hóa học và lý thuyết phát triển du lịch bền vững để lý giải các đặc trưng tài nguyên văn hóa ở khu vực Tây sông Hậu cho phát triển du lịch bền vững. Luận án vận dụng kết hợp cách tiếp cận văn hóa học và tiếp cận du lịch học để nghiên cứu các tài nguyên văn hóa trong phát triển sản phẩm du lịch, nhằm tiến tới một cách tiếp cận khoa học đối với hoạt động bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch bền vững. Luận án chỉ ra vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở khu vực Tây sông Hậu trong mối quan hệ giữa kinh tế, văn hóa và môi trường sinh thái trong vấn đề phát triển du lịch bền vững.
    Về mặt thực tiễn, luận án xem xét một bức tranh tổng quan, chi tiết về thực trạng khai thác tài nguyên văn hóa ở khu vực Tây sông Hậu trong phát triển du lịch bền vững. Từ việc đánh giá, phân tích và so sánh, luận án hệ thống lại vấn đề khai thác giá trị di sản văn hóa trong hoạt động du lịch Tây sông Hậu, và tác động của hoạt động du lịch đối với văn hóa và tài nguyên thiên nhiên ở khu vực Tây sông Hậu. Luận án đưa ra các phương hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, và khuyến nghị triển khai văn hóa khu vực Tây sông Hậu trong phát triển du lịch bền vững.
    Luận án hệ thống hóa tri thức lý luận và xác lập cơ sở lý luận về văn hóa, du lịch, mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển du lịch. Về phương diện khoa học, trên cơ sở các lý thuyết địa lý học văn hóa và sinh thái học văn hóa, lý thuyết hệ thống, lý thuyết về du lịch văn hóa, và lý thuyết về phát triển du lịch bền vững, luận án đóng góp về xây dựng khung lý thuyết đánh giá khai thác văn hóa khu vực Tây sông Hậu phục vụ du lịch, và xác lập cơ sở lý luận cho các hoạt động du lịch văn hóa trên địa bàn Tây sông Hậu. Về phương diện thực tiễn, luận án góp phần hình thành một nhận thức đầy đủ về các nguồn tài nguyên văn hóa tộc người và di sản văn hóa Tây sông Hậu. Đóng góp của luận án là việc nghiên cứu thực trạng, phân tích đánh giá thực trạng với các góc nhìn phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái. Luận án góp thêm những luận cứ khoa học cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa khu vực Tây sông Hậu trong mối quan hệ tác động giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với hoạt động du lịch. Từ khung lý thuyết đã được lựa chọn, tác giả luận án đề xuất các phương hướng, giải pháp, khuyến nghị khai thác văn hóa khu vực Tây sông Hậu trong phát triển du lịch bền vững cho cộng đồng địa phương. Luận án giúp cho các bên liên quan (cơ quan quản lý nhà nước, người dân địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhà quản lý doanh nghiệp) nhìn nhận được rõ hơn vai trò việc khai thác văn hóa Tây sông Hậu trong phát triển du lịch bền vững. Trên cơ sở đó, các bên liên quan có những chính sách, kế hoạch và giải pháp để khai thác văn hóa Tây sông Hậu.
    Hướng phát triển tiếp theo của luận án: Đề tài Văn hóa khu vực Tây sông Hậu với phát triển du lịch bền vững qua những nổ lực của tác giả cùng với sự đồng hành và hướng dẫn tận tình của người hướng dẫn khoa học trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, lý thuyết địa lý học văn hóa và sinh thái học văn hóa, lý thuyết hệ thống, lý thuyết về du lịch văn hóa, và lý thuyết về phát triển du lịch bền vững vẫn đang được vận dụng và phát triển, và địa bàn nghiên cứu tại khu vực Tây sông Hậu rộng lớn với nhiều tài nguyên văn hóa đặc trưng mà tác giả luận án chưa thể bao quát hết. Do đó, tác giả sẽ tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu này trong tương lai ở các tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây nam sông Hậu, U Minh và các tỉnh / thành phố trọng điểm trong phát triển du lịch ở Việt Nam.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên