Tin tức - Sự kiện

Vi phạm hợp đồng hiệu quả - NCS. Giản Thị Lê Na

  • 19/07/2022
  • Tên đề tài LATS: Vi phạm hợp đồng hiệu quả    
    Chuyên ngành: Luật Kinh tế
    Mã số: 62.38.01.07    
    Họ tên NCS: Giản Thị Lê Na
    Mã số: NCS: N17710006    
    Người hướng dẫn khoa học: HD1/HDĐL: PGS.TS Dương Anh Sơn, HD2: TS.Phạm Trí Hùng    
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án 
    Mục tiêu nghiên cứu
    Mục tiêu chung là tìm được những lý do cho việc công nhận vi phạm hợp đồng hiệu quả và trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất những thay đổi về mặt pháp lý, cụ thể là trong các quy định của pháp luật hợp đồng Việt Nam để có cơ sở công nhận vi phạm hợp đồng hiệu quả.
    Từ mục tiêu nghiên cứu chung đó, luận án đặt ra các mục tiêu nghiên cứu cụ thể như sau:
    (1) Nhận diện rõ vi phạm hợp đồng hiệu quả là gì, các trường hợp của vi phạm hợp đồng hiệu quả và các lợi ích kinh tế mà sự vi phạm này mang lại cho các bên, cho xã hội.
    (2) Phân tích các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của bên vi phạm đối với bên bị vi phạm khi có hành vi vi phạm hiệu quả xảy ra; xác định các loại thiệt hại được quyền yêu cầu bồi thường để đảm bảo tính hiệu quả của vi phạm.
    (3) Làm rõ các tranh cãi giữa những quan điểm đồng thuận và phản đối vi phạm hợp đồng hiệu quả, đặc biệt là xuất phát từ yếu tố đạo đức trong quan hệ hợp đồng, từ đó thể hiện quan điểm của tác giả về vi phạm hợp đồng hiệu quả.
    (4) Đưa ra các đề xuất, giải pháp pháp lý cho các quy định của pháp luật hợp đồng Việt Nam để có cơ sở thừa nhận vi phạm hiệu quả.
    Đối tượng nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu của luận án: (i) hành vi vi phạm hợp đồng mang lại hiệu quả kinh tế cho các bên và cho tổng lợi ích xã hội; (ii) những quan điểm, học thuyết kinh tế, học thuyết của pháp luật hợp đồng; (iii) các quy định của pháp luật hợp đồng Việt Nam và của một số quốc gia trên thế giới liên quan đến việc xác định nội hàm của vi phạm hợp đồng, các hình thức trách nhiệm của bên vi phạm đối với bên bị vi phạm và những chế tài áp dụng đi kèm khi có vi phạm hợp đồng.
    Phạm vi nghiên cứu
    Về nội dung, luận án xác định phạm vi nghiên cứu chỉ đề cập đến các vấn đề như sau: Khái quát về vi phạm hợp đồng hiệu quả, bao gồm khái niệm, các trường hợp của sự vi phạm hợp đồng được coi là hiệu quả, công thức của sự hiệu quả trong vi phạm hợp đồng. Các vấn đề của buộc thực hiện đúng nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại… cũng được phân tích dưới góc độ đó là chế tài áp dụng và trách nhiệm hợp đồng khi người vi phạm thực hiện hành vi vi phạm hiệu quả. Bên cạnh đó là phạm vi phù hợp với yếu tố đạo đức của sự vi phạm cũng được xem xét để có cơ sở thừa nhận cho những vi phạm hiệu quả này. Về không gian, luận án sử dụng các quy định cũng như lịch sử hình thành, yếu tố truyền thống của pháp luật một số quốc gia đại diện thuộc hệ thống Common Law (bao gồm Anh và Mỹ) và Civil Law (bao gồm Pháp, Đức và Nga) để phân tích.
    Phương pháp nghiên cứu:
    Để giải quyết các vấn đề nghiên cứu, luận án án sử dụng các phương pháp: Phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp so sánh luật học, phương pháp lịch sử.
    2. Những kết quả mới của luận án 
    So với các nghiên cứu đã được công bố tại Việt Nam thì luận án có thể xem là một trong những công trình ít ỏi đầu tiên nghiên cứu về vi phạm hợp đồng hiệu quả. 
    So với các nghiên cứu về vi phạm hợp đồng hiệu quả đã được công bố trên thế giới thì luận án có tính tổng hợp cao bởi lẽ các nghiên cứu đến nay thường chỉ chủ yếu chỉ tập trung vào một vấn đề nào đó của vi phạm hợp đồng hiệu quả. Và một điểm riêng biệt nữa của luận án đó là luận án phân tích và đối sánh giữa các quy định của pháp luật hợp đồng của một số quốc gia trên thế giới với quy định của pháp luật hợp đồng Việt Nam về các vấn đề trên để từ đó có đánh giá cá nhân về việc pháp luật hợp đồng Việt Nam có nên công nhận vi phạm hợp đồng hiệu quả hay không và những điều chỉnh cần thiết của pháp luật hợp đồng Việt Nam để có thể công nhận vi phạm hợp đồng hiệu quả.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Từ các kết quả nghiên cứu, luận án rút ra kết luận cơ bản như sau:
    Thứ nhất, pháp luật Việt Nam nên thừa nhận những hành vi vi phạm hợp đồng nhưng mang lại hiệu quả bởi lẽ:
    Một là, dưới góc độ kinh tế, vi phạm hợp đồng hiệu quả là hành vi vi phạm hợp đồng nhưng không làm phương hại đến lợi ích kinh tế của các bên, thậm chí trong một số trường hợp còn có khả năng giúp gia tăng lợi ích hoặc giảm thiểu được những tổn thất vật chất nhất định cho các bên và cho xã hội. 
    Hai là, dưới góc độ đạo đức vi phạm hiệu quả là một trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc đạo đức về việc giữ đúng lời hứa trong hợp đồng Pacta sun servanda. Bởi lẽ các bên không thể dự liệu hết tất cả những tình huống sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, và sự lựa chọn mang lại hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tổn thất là sự lựa chọn có đạo đức.
    Thứ hai, trong vi phạm hiệu quả, điều khiến cho vị trí lợi ích của bên bị vi phạm không bị giảm sút so với khi hợp đồng được thực thi và tổng lợi ích xã hội tăng lên đó là bồi thường thiệt hại, đặc biệt là khoản bồi thường cho những lợi ích mà bên bị vi phạm đã mong đợi đặt ra.
    Thứ ba, ngược lại việc yêu cầu buộc bên vi phạm phải thực hiện đúng nghĩa vụ trong mọi trường hợp hay yêu cầu bên vi phạm từ bỏ những lợi ích có được do vi phạm là những cản trở đối với hành vi vi phạm mang lại hiệu quả.
    Thứ tư, để có cơ sở thừa nhận vi phạm hợp đồng hiệu quả luận án đưa ra một số kiến nghị cụ thể về bồi thường thiệt hại, buộc thực hiện đúng nghĩa vụ và vấn đề yêu cầu bên vi phạm từ bỏ lợi ích có được do vi phạm hợp đồng    
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên