Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) được thành lập theo Nghị định số 16/CP ngày 27/01/1995 của Chính phủ với sứ mạng là đại học trọng điểm quốc gia - một trung tâm đào tạo chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, làm nòng cốt và đầu tàu đổi mới cho hệ thống giáo dục nước nhà. Từ đó, ĐHQG-HCM đã không ngừng phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu lớn, khẳng định vị thế là một trong hai đại học hàng đầu của quốc gia.
Sau khi thành lập, ĐHQG-HCM được cơ cấu dựa trên cơ sở sắp xếp của tổ hợp các trường đại học gồm Trường Đại học Tổng hợp, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Tài chính Kế toán, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Kiến Trúc, Phân hiệu Đại học Luật TP.HCM. Đến nay, ĐHQG-HCM cơ bản đã hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 9 trường đại học thành viên và 1 phân hiệu trực thuộc với quy mô đào tạo những năm đầu chỉ khoảng gần 10.000 sinh viên chính quy thì sau 29 năm, số quy mô đào tạo bậc đại học đã tăng gấp 9 lần (khoảng gần 98.000 sinh viên chính quy), tỉ lệ cao nhất so với Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ chỗ chỉ có vỏn vẹn hơn 30 ngành đào tạo thì đến năm 2024, ĐHQG-HCM đã mở được 147 ngành trình độ đại học, 123 ngành trình độ thạc sĩ và 87 ngành trình độ tiến sĩ, trong đó có 12 ngành mở mới trong năm 2024.
Với cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQG-HCM có thế mạnh lớn để tham gia giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ trọng điểm của đất nước trong tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực khó và quan trọng như: Vi mạch bán dẫn, Khoa học Máy tính, Cơ điện tử, Tự động hóa và Tin học, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ Nano… Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM cũng tiên phong trong đổi mới nhiều lĩnh vực trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam với triết lý đào tạo nhất quán là thông qua nghiên cứu để đảm bảo chất lượng và từ nghiên cứu để nhanh chóng tiếp cận với trình độ đào tạo ngày càng phát triển đa dạng của thế giới, hướng đến mục tiêu đào tạo trình độ chất lượng cao. Minh chứng rõ nét nhất chính là ĐHQG-HCM luôn mạnh dạn đi đầu trong việc mở các ngành đào tạo mới, các ngành/chuyên ngành mang tính thí điểm hoặc những ngành chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo cấp IV, điển hình như ngành: Nghệ thuật học, Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Khoa học quản lý và kinh tế đất đai, Công nghệ bán dẫn, Thiết kế vi mạch... Trong thời gian tới, ĐHQG-HCM cũng sẽ tiên phong đẩy mạnh thí điểm mô hình đào tạo liên ngành, liên trường với sự kết hợp của 2 ngành đào tạo từ 2 trường đại học thành viên để tạo thành 1 ngành đào tạo mới. Đây là bước đột phát mang tính chiến lược trong công tác đào tạo của ĐHQG-HCM nhằm kịp thời giải quyết các yêu cầu phát triển của đất nước theo nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước tin tưởng, trao phó; đồng thời phù hợp với bối cảnh thay đổi rất nhanh chóng của nhu cầu thị trường lao động hiện nay đang khan hiếm nguồn nhân lực có tay nghề lẫn kiến thức đa ngành để giải quyết các vấn đề liên ngành, liên lĩnh vực trong thực tế.
Đối với mô hình đạo tạo mới về liên ngành, liên trường, trong năm 2024, ĐHQG-HCM đã áp dụng thí điểm lầu đầu tiên chương trình Kinh doanh thương mại Hàn Quốc do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cùng Trường Đại học Kinh tế - Luật phối hợp thực hiện. Đây có thể coi là xu hướng tất yếu mà ĐHQG-HCM đang hướng tới trước bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình này với kết quả mang lại rất hiệu quả và thành công. Dự kiến đến năm 2025, ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục mở rộng số lượng ngành liên ngành, liên trường như ngành Công nghệ giáo dục (phối hợp đào tạo giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) hay ngành Kinh tế đất đai (phối hợp đào tạo giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên với Trường Đại học Kinh tế - Luật).
Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng đang dẫn đầu cả nước về số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận hàng năm. Từ năm 2023 đến nay, rất nhiều thầy cô giáo và sinh viên của ĐHQG-HCM đã đạt được các giải thưởng danh giá về học thuật, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tiêu biểu như Giải thưởng khoa học và công nghệ Quả Cầu vàng; Giải thưởng L’Oréal-UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học; Giải thưởng Phụ nữ tương lai Đông Nam Á; Giải Nhất Cuộc thi lập trình Oraichain Hackathon; Giải Nhất Cuộc thi An ninh mạng ASEAN…Đồng thời, đối với hoạt động đào tạo then chốt, ĐHQG-HCM cũng có chủ trương tăng số lượng học viên sau đại học và số lượng công bố quốc tế của học viên sau đại học; tiếp tục mở rộng hoạt động đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho các địa phương, doanh nghiệp cũng như gắn đào tạo với nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, hội nhập với quốc tế. Cũng nhờ việc không ngừng đào tạo thông qua nghiên cứu này mà các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của ĐHQG-HCM đã và đang được tham gia rất nhiều các hoạt động trong môi trường các nhóm nghiên cứu mạnh để từ đó được thắp sáng tài năng trí tuệ. Tính đến thời điểm hiện tại, ĐHQG-HCM đã có những GS, PGS tuổi đời rất trẻ (thế hệ cuối 8x và 9x); không ít sinh viên năm cuối của các trường đại học thành viên cùng với hơn 90% nghiên cứu sinh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên - công nghệ của ĐHQG-HCM đều có công bố trên các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu của Web of Science. Chưa kể không ít nghiên cứu sinh của ĐHQG-HCM được đào tạo trong nước, nhưng đã có kết quả nghiên cứu, số lượng và chất lượng các công bố quốc tế cao hơn so với các nghiên cứu sinh được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài.
Những thành tựu trên đây của ĐHQG-HCM đã chứng minh cho sự đúng đắn và rất thành công của mô hình Đại học quốc gia, thực sự xứng đáng là đại học tiên phong của cả nước, là cột trụ của hệ thống giáo dục đại học nước nhà. Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM cũng đang đứng trước những thách thức đặt ra về tự chủ đại học, về mô hình phát triển đại học, trường đại học theo hướng trường đại học tự chủ trong đại học tự chủ (mô hình chỉ có ở hai đại học quốc gia) trong bối cảnh mới cùng với những thách thức khác như về sự phát triển vượt bậc của quy mô đào tạo (chênh lệch giữa số lượng và chất lượng), về cơ sở vật chất; về việc làm của người học sau khi tốt nghiệp; về cạnh tranh thu nhập của đội ngũ cán bộ - giảng viên; về chất lượng đào tạo và nghiên cứu, về chất lượng đội ngũ; và về sự hội nhập với trình độ đào tạo hiện hành với các chuẩn mực của quốc tế,… Nhờ những thách thức này mà ĐHQG-HCM từ chỗ chưa có tên trên bản đồ xếp hạng các trường đại học trên thế giới đã vươn lên trong top 1.000 đại học hàng đầu thế giới trong năm 2024; là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus cũng như về số lượng chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín, xứng đáng là mô hình hệ thống đại học nghiên cứu kiểu mẫu của Việt Nam, giữ vững vị thế tạo lập nguồn lực tinh hoa cho phía Nam và của cả nước./.
Bài: Bùi Võ Anh Hào, Ban Đào tạo
Hãy là người bình luận đầu tiên