Trong bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) khẳng định vai trò tiên phong trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với sự linh hoạt trong xây dựng chương trình đào tạo gắn liền thực tiễn, kết hợp hạ tầng hiện đại và mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, ĐHQG-HCM không chỉ mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo, và giải quyết các thách thức phát triển của khu vực.
Bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với TP.HCM là trung tâm, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, đóng góp hơn 40% vào tổng GDP cả nước. Khu vực này cũng thu hút 56% tổng số dự án và 45% vốn FDI đầu tư vào Việt Nam (Thời báo Ngân hàng, 2023). Hơn nữa, đây là đầu tàu xuất khẩu, chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2023).
Khi chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp truyền thống sang nền kinh tế tri thức, khu vực này đã ghi nhận sự gia tăng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ thông tin, kỹ thuật, logistics và y tế. Theo báo cáo của Navigos Group (2023), nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP.HCM vẫn tiếp tục tăng, với các vị trí đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao và khả năng tư duy đổi mới. Đồng thời, các ngành như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số và năng lượng tái tạo đang trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của khu vực.
Bên cạnh những cơ hội phát triển, TP.HCM và các tỉnh lân cận đang đối diện với nhiều thách thức phức tạp như biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Những vấn đề này tạo ra áp lực lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, quy hoạch đô thị và phát triển nông nghiệp bền vững.
Tầm quan trọng của việc phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế
Giáo dục đại học đóng vai trò chủ chốt trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, các chương trình đào tạo cần phải được thiết kế linh hoạt, tích hợp các phương pháp đa dạng như học tập dựa trên dự án, thực hành tại doanh nghiệp và nghiên cứu ứng dụng. Điều này không chỉ đảm bảo sinh viên sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường lao động mà còn thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ giữa giáo dục và doanh nghiệp, tạo ra nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển địa phương.
Thứ nhất, các chương trình đào tạo gắn với thực tế giải quyết hiệu quả tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động. Chẳng hạn, nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, logistics, và quản lý đô thị thông minh tại TP.HCM tăng trưởng đều hàng năm từ 7,5% trở lên (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM, 2022). Đào tạo phù hợp không chỉ lấp đầy khoảng trống nguồn nhân lực mà còn hỗ trợ địa phương mở rộng sản xuất, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Thứ hai, chương trình đào tạo sát thực tiễn nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nhân lực, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và nâng cấp trình độ lao động. Các dự án nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hay năng lượng tái tạo, với sự tham gia trực tiếp của sinh viên đã chứng minh tính khả thi và hiệu quả trong việc gắn kết nhà trường và địa phương, doanh nghiệp.
Cuối cùng, giáo dục hướng tới thực tiễn góp phần xây dựng lực lượng lao động không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có trách nhiệm xã hội. Trước thách thức về biến đổi khí hậu, dân số gia tăng và đô thị hóa nhanh, lực lượng lao động này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề như quản lý tài nguyên, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Những cá nhân có tư duy đổi mới không chỉ đáp ứng yêu cầu địa phương mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Đại học Quốc gia TP.HCM và thế mạnh trong phát triển chương trình đào tạo
ĐHQG-HCM là cơ sở đào tạo đại học có quy mô đào tạo lớn nhất cả nước với gần 90.000 sinh viên đại học và gần 10.000 học viên sau đại học. Phân theo vùng kinh tế tại Việt Nam thì phần lớn sinh viên đại học của ĐHQG-HCM đến từ khu vực Đông Nam Bộ (44,55%). Trong đó, chiếm đa số tại khu vực này là sinh viên đến từ TP.HCM (64,25%). Số liệu này cho thấy ĐHQG-HCM là đơn vị đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao chủ lực và quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng.
Với đội ngũ giảng viên và chuyên gia có trình độ cao, ĐHQG-HCM đã xây dựng các chương trình đào tạo dựa trên những xu hướng mới nhất trong nước và quốc tế. Trong số các ngành đào tạo đại học tại ĐHQG-HCM, những ngành liên quan đến chuyển đổi số chiếm tỷ lệ khá lớn (33 ngành, trên 20%). Sự phát triển của những ngành chuyển đổi số chính là thành quả nhiều năm nỗ lực của ĐHQG-HCM trong việc cải cách công tác đào tạo theo xu hướng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4). Tiếp nối thành tựu này, ĐHQG-HCM vẫn tích cực đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nhân lực số thông qua việc mở những ngành đào tạo mới (như Trí tuệ nhân tạo, Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn) và hàng loạt những đề án/dự án liên quan.
ĐHQG-HCM còn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và cơ quan quản lý nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực thực tiễn. Thông qua các chương trình hợp tác, các đơn vị thành viên thường xuyên khảo sát nhu cầu lao động tại các địa phương và các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Điều này cho phép các chương trình đào tạo được cập nhật liên tục, đảm bảo nội dung giảng dạy phù hợp với thực tế sản xuất và dịch vụ.
Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM sở hữu hệ thống cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất cả nước, bao gồm các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, và khuôn viên đào tạo thực hành đạt tiêu chuẩn quốc tế. Những cơ sở này không chỉ phục vụ công tác giảng dạy mà còn là nền tảng quan trọng để sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng địa phương và doanh nghiệp. Việc đầu tư vào công nghệ hiện đại giúp sinh viên tiếp cận và làm quen với các thiết bị, phần mềm và quy trình công nghiệp tiên tiến ngay trong quá trình học. Điều này giúp nâng cao kỹ năng thực hành, đáp ứng nhanh các yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt trong các ngành liên quan đến chuyển đổi số.
Bài và ảnh: Trần Vũ Thanh, Viện Phát triển năng lực lãnh đạo ĐHQG-HCM
Hãy là người bình luận đầu tiên