Tin tức - Sự kiện

Nâng cao thu nhập hộ nông dân trồng xoài đồng bằng sông Cửu Long tham gia chuỗi giá trị toàn cầu - NCS. Lê Văn Thông

  • 30/08/2024
  • Tên đề tài: Nâng cao thu nhập hộ nông dân trồng xoài đồng bằng sông Cửu Long tham gia chuỗi giá trị toàn cầu    
    Chuyên ngành:  Kinh tế chính trị           
    Mã số: 62.31.01.02    
    Họ tên NCS: Lê Văn Thông           
    Mã số NCS: 01610102003    
    Người hướng dẫn khoa học: HDĐL: PGS.TS.Nguyễn Văn Luân
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án
    Trên cơ sở lý luận về thu nhập hộ nông dân và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, luận án đã lựa chọn lý thuyết nâng cao thu nhập hộ nông dân quy mô nhỏ bằng cách tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để từ đó xây dựng khung phân tích của luận án là nâng cao thu nhập hộ nông dân trồng xoài ĐBSCL tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chuỗi giá trị xoài toàn cầu là chuỗi có giá trị cao, muốn gia nhập chuỗi này ngoài yếu tố chất lượng còn phải đáp ứng được vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Trong khi đó, phần lớn nông hộ các quốc gia đang phát triển có quy mô nhỏ; sản xuất tự phát, không gắn với thị trường; an toàn vệ sinh thực phẩm không được chú trọng dẫn đến bị loại khỏi chuỗi; thu nhập nông hộ từ đó luôn thấp và biến động cao. Luận án chỉ ra rằng, cơ hội của nông hộ nhỏ các quốc gia đang phát triển tham gia chuỗi nông sản toàn cầu vẫn còn nếu nâng cao năng lực hộ thông qua 04 tiêu chí: (1) khả năng tiếp cận thị trường, (ii) khả năng tiếp cận đào tạo, (iii) khả năng liên kết và tổ chức liên kết, (iv) khả năng tiếp cận tài chính.
    Phân tích thực trạng cho thấy, sản xuất và tiêu thụ xoài ĐBSCL tồn tại nhiều loại chuỗi khác nhau: chuỗi truyền thống, chuỗi hiện đại, chuỗi xuất khẩu tiểu ngạch và chuỗi toàn cầu; trong đó chuỗi truyền thống mang tính chi phối, chuỗi toàn cầu vẫn còn rất hạn chế (chiếm 5% diện tích). Kết quả khảo sát hai nhóm hộ (tham gia và chưa tham gia chuỗi xoài xuất khẩu chính ngạch) cho thấy, nhóm hộ trồng xoài tham gia chuỗi toàn cầu có thu nhập cao hơn nhóm hộ chưa tham gia 18,7% thu nhập. Mặc dù một số địa phương ĐBSCL có nhiều nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu xoài chính ngạch, nhưng tốc độ chuyển dịch từ chuỗi truyền thống sang chuỗi toàn cầu còn rất chậm dẫn đến việc nâng cao thu nhập hộ trồng xoài ĐBSCL thời gian qua còn khó khăn, thiếu ổn định và biến động cao. Luận án đã chỉ ra những mặt đã đạt được, những tồn tại hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế của sản xuất và tiêu thụ xoài ĐBSCL tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao thu nhập của hộ trồng xoài. Từ đó, Luận án đã đề xuất ra ba nhóm giải pháp nhằm nâng cao thu nhập hộ trồng xoài ĐBSCL tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: (1) nâng cao năng lực cạnh tranh hộ nông dân, (2) nâng cấp chuỗi giá trị xoài ĐBSCL và (3) cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ, xúc tiến chuỗi xoài phát triển.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Điểm mới của luận án là làm rõ cơ hội tham gia của hộ nông dân trồng xoài quy mô nhỏ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu, là chuỗi có giá trị gia tăng cao với nhiều rào cản gia nhập để từ đó thu nhập của họ được nâng cao và giảm biến động. Luận án từng bước làm rõ:
    - Một là, chứng minh một cách rõ nét khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thu nhập của hộ nông dân trồng xoài ĐBSCL được nâng cao và giảm biến động.
    - Hai là, làm sáng tỏ khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của hộ nông dân trồng xoài  quy mô nhỏ ĐBSCL thông qua 04 tiêu chí (i) khả năng tiếp cận thị trường, (i) khả năng tiếp cận đào tạo, (iii) khả năng liên kết và tổ chức liên kết, (iv) khả năng tiếp cận tài chính; làm rõ thực trạng về năng lực cạnh tranh của hộ trồng xoài; các nhân tố ảnh hưởng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của hộ trồng xoài ĐBSCL; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong sản xuất và tiêu thụ xoài hiện nay ảnh hưởng đến nâng cao thu nhập hộ nông dân .
    - Ba là, đề ra ba nhóm giải pháp có tính khả thi về nâng cao năng lực hộ, nâng cấp chuỗi và cải thiện môi trường kinh doanh để hộ trồng xoài quy mô nhỏ ĐBSCL có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao và giảm biến động thu nhập.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng về mặt thực tiễn ở các khía cạnh: (1) Thứ nhất, làm cơ sở lý luận về cơ hội tham gia chuỗi giá trị cao (chuỗi toàn cầu) của nông hộ nhỏ nói chung và ngành xoài nói riêng nhằm nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, kết quả này cũng là nguồn tài liệu tham khảo cho những người quan tâm đến lĩnh vực này. (2) Thứ hai, đề ra giải pháp nâng cao thu nhập của HND quy mô nhỏ bằng cách tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Giải pháp này áp dụng không những cho ngành hàng xoài mà còn các mặt hàng nông sản khác. (3) Thứ ba, giúp các tác nhân tham gia chuỗi xoài ĐBSCL nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại từ đó có biện pháp khắc phục để từ đó nâng cấp chuỗi, giúp liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày càng hiệu quả hơn. (4) Thứ tư, cung cấp các nhà quản lý ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương có cái nhìn tổng thể sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.
    Mặc dù đã nỗ lực cố gắng, nhưng do hạn chế về nhiều mặt cả về các yếu tố khách quan lẫn chủ quan, luận án còn một số hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu.
    Một là, luận án sử dụng mã hàng HS-080450 để làm dữ liệu phân tích về thương mại xoài trên thế giới. Mã hàng này được các quốc gia trên thế giới (trừ Trung Quốc) dùng chung cho 03 loại hàng hoá xoài, ổi và măng cụt. Nguyên nhân là thương mại xoài trên thế giới mới phát triển trong những năm gần đây nên mặt hàng xoài chưa có sự tách biệt. Việc dùng mã hàng HS-080450 để làm cơ sở cho phân tích, đánh giá sẽ giảm đi sự chính xác trong phân tích thương mại xoài thế giới cũng như Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu về chuỗi xoài ĐBSCL cần phải được tiếp tục để làm rõ hơn vấn đề này để cung cấp bức tranh chính xác hơn về sản xuất và tiêu thụ xoài.
    Hai là, luận án tổng quan về thu nhập HND các quốc gia trên thế giới nhưng trong phân tích chỉ nghiêng về tổng quan thu nhập HND các quốc gia phát triển, do các quốc gia này có hệ thống dữ liệu lâu đời và mạnh mẽ. Mặc dù luận án cũng chỉ ra rằng, thu thập dữ liệu các quốc gia đang phát triển gặp khó khăn do hệ thống thống kê yếu, khảo sát mức sống hộ gia đình là nguồn dữ liệu duy nhất. Mặc dù UNECE, (2007) chỉ ra rằng sự thay đổi trong thu nhập HND các quốc gia đang phát triển giống quỹ đạo của các quốc gia phát triển đã trải qua. Nhưng nghiên cứu thu nhập hộ nông dân ở các quốc gia đang phát triển cần phải được tiếp tục để cung cấp bức tranh đầy đủ hơn về thu nhập hộ nông dân các quốc gia trên thế giới.
    Ba là, các giải pháp được đề xuất dựa trên những tồn tại, hạn chế mà luận án đã chỉ ra dưới góc độ chuyên ngành kinh tế chính trị. Cần có những nghiên cứu ở các chuyên ngành khác như kinh tế học, quản trị học, quản lý kinh tế...để có cách nhìn vấn đề toàn diện hơn về vấn đề này.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên