Tin tức - Sự kiện

Văn hóa thích ứng với biển qua sinh kế và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu - NCS. Bùi Thị Hoa

  • 11/09/2024
  • Tên đề tài: Văn hóa thích ứng với biển qua sinh kế và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu
    Chuyên ngành: Văn hoá học.
    Mã số: 9229040.
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Bùi Thị Hoa
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan và TS. Đinh Văn Hạnh
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Mục tiêu nghiên cứu của luận án tập trung làm rõ những khía cạnh thực hành văn hóa của cộng đồng ngư dân ven biển BR-VT như là kết quả của qúa trình thích ứng văn hóa với môi trường sinh thái biển. Cụ thể là đi vào lý giải, phân tích và làm rõ những đặc điểm, giá trị văn hóa thích ứng với biển qua hoạt động sinh kế đánh cá trên biển và thực hành tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân. Đồng thời, làm rõ mối quan hệ tương tác biện chứng giữa sinh kế và tín ngưỡng trong mối liên hệ thích ứng chặt chẽ với môi trường biển và đặt trong bối cảnh nghề cá, nguồn biển hiện nay của BR-VT để thấy những xu hướng thích ứng mới - động thái của cộng đồng trong bối cảnh nghề cá hiện tại. Chúng tôi sử dụng hướng tiếp cận liên ngành, tiếp cận hệ thống, lịch sử bối cảnh, cùng vận dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp, phương pháp nghiên cứu định tính (quan sát, phỏng vấn sâu, phỏng vấn bán cấu trúc…), cùng phương pháp so sánh (đồng đại, lịch đại) và phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu… để làm rõ, trả lời cho những câu hỏi tìm về nguồn gốc cơ sở của những đặc điểm văn hóa/ khía cạnh văn hóa - xã hội, kết quả của quá trình thích ứng với biển thông qua thích ứng: dựa biển, dựa vào sức mạnh cộng đồng, sáng tạo, ứng biến một cách chủ động và linh hoạt nhằm duy trì kinh tế sinh tồn, bản sắc văn hóa.
    Việc phân tích văn hóa thích ứng với biển của cộng đồng ngư dân ven biển BR-VT góp phần cung cấp các chứng cứ về bản chất của cách sống và qua tìm hiểu quá trình thích ứng cả trong quá khứ để hiểu rõ hiện tại và tương lai. Đồng thời, góp phần quản trị nghề cá tại địa phương không thể bỏ qua diễn ngôn “tôn trọng truyền thống”. Về phía ngư dân sẽ nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn biển dựa trên sự hiểu biết, giữ gìn các di sản đánh bắt truyền thống, có thái độ thay đổi nhận thức, thói quen đánh bắt và chuyển đổi nghề đánh cá theo hướng cân bằng, sáng tạo, trách nhiệm. Do vậy việc giữ gìn và phát huy di sản đánh bắt, văn hóa đánh cá của cộng đồng ngư dân chính là duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương: xây dựng lòng tự hào nghề nghiệp, truyền thụ văn hóa đánh cá và hơn hết duy trì tinh thần tương trợ, đoàn kết từng là phẩm chất đạo đức tương thân làm nên bản sắc nghề, văn hóa cộng đồng.
    2. Những kết quả của luận án
    2.1. Về phương diện khoa học
    - Luận án đóng góp cơ sở lý luận vận dụng lý thuyết sinh thái văn hóa truyền thống và một số lý thuyết khác liên quan luận giải mối quan hệ sinh thái và văn hóa qua tiếp cận từ thích ứng văn hóa với biển của cộng đồng ngư dân BR-VT.
    - Luận án đã chứng minh, luận giải những thực hành văn  hóa/ khía cạnh vă hóa - xã hội của cộng đồng ngư dân ven biển BR-VT chính là kết quả của quá trình ngư dân thích ứng văn hóa với biển thông qua cách dựa biển, sống chung với biển một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo nhằm duy trì sinh hoạt, kinh tế sinh tồn.
    2.2. Về ý nghĩa thực tiễn
    - Luận án góp phần phát huy giá trị văn hóa đánh cá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương và gợi mở về mặt chính sách, thiết lập quản lý việc đánh bắt quá mức, hướng tới phát triển nghề cá biển trách nhiệm, bền vững là cần thiết trong bối cảnh sinh thái, nguồn biển hiện nay.
    - Kết quả nghiên cứu của luận án là nguồn dữ liệu có giá trị thực tiễn tìm hiểu về văn hóa đánh cá các cộng đồng ngư dân ven biển Đông Nam Bộ còn tản mạn, ít nghiên cứu sâu. Luận án là tài liệu tham khảo cho cho sinh viên, NCS, Viện nghiên cứu và ngành thủy sản.
    3. Hướng phát triển tiếp theo của luận án
    Hướng phát triển tiếp theo của luận án, chúng tôi tập trung nghiên cứu sâu hơn những vấn đề mới liên quan đến thích ứng sinh thái biển, chẳng hạn: thích ứng với biển nhìn từ lăng kính văn hóa giới; tìm hiểu đánh cá định hình cách sống cộng đồng qua hiện tượng thờ cúng cá Ông của Việt Nam so sánh với nền văn hóa cá voi của Nhật Bản và một số nơi trên thế giới; hay nghiên cứu văn hóa đánh cá của ngư dân trong bối cảnh thích ứng với biến đổi môi trường biển, biến đổi khí hậu của các cộng đồng ngư dân ven biển hiện nay...

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên