Tên đề tài LATS: Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam thông qua mô hình hấp dẫn thương mại
Chuyên ngành: Kinh tế học
Mã số: 62310101
Họ tên NCS: Nguyễn Văn Nên
Mã số NCS: 01610101004
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Thực tiễn cho thấy nghiên cứu về các yếu tố tác động đến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam là vô cùng cần thiết để có thể chỉ ra và đo lường mức độ tác động của các yếu tố đến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, từ đó làm cơ sở cho việc đưa ra các gợi ý chính sách và các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu cho ngành chế biến gỗ Việt Nam trong thời gian tới. Dưới góc độ nghiên cứu về các yếu tố tác động đến luồng thương mại giữa các quốc gia, lý thuyết về lực hấp dẫn trong TMQT đã đề cập đến những yếu tố cụ thể, gần với thực tế hơn so với các lý thuyết trước đó. Tuy nhiên, ba yếu tố đề xuất để đo lường ba khía cạnh trên trong mô hình ban đầu của J.Tinbergen mang tính tổng quát cao, chưa thể giải thích được TMQT trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Tổng quan các nghiên cứu sử dụng mô hình hấp dẫn thương mại cho thấy đã có nhiều nghiên cứu dựa trên nền tảng này để bổ sung thêm các yếu tố và phân tích tác động của chúng lên thương mại chung của các quốc gia hay xuất khẩu các sản phẩm cụ thể. Dựa trên nền tảng mô hình lực hấp dẫn trong TMQT, các nghiên cứu trước đây về xuất khẩu đồ gỗ và tình hình thực tiễn tại Việt Nam, mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động đến xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam được xác định với 3 nhóm yếu tố: các yếu tố tác động đến cung xuất khẩu, các yếu tố tác động đến cầu xuất khẩu và các yếu tố cản trở hoặc thúc đẩy xuất khẩu.
Luận án sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính. Phương pháp nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua chạy mô hình kinh tế lượng hồi quy và có những kiểm định mô hình để xác định sự phù hợp và mức độ tác động của các yếu tố lên xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua việc phân tích, đánh giá, tổng hợp và tham vấn ý kiến chuyên gia để xây dựng mô hình nghiên cứu, phân tích thực trạng sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và hoàn thiện các đánh giá kết quả nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên (REM) được lựa chọn phù hợp với bộ dữ liệu bảng của 73 quốc gia trong thời gian quan sát là 18 năm. So với các giả thuyết đặt ra, kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều yếu tố tác động đến xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam theo đề xuất ban đầu bị loại khỏi mô hình do điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trong số các yếu tố tác động có ý nghĩa giải thích, thì nguồn cung nguyên liệu, chính sách lãi suất và mở cửa thương mại thông qua tham gia các FTA là những yếu tố tác động rõ nét nhất. Bên cạnh đó, việc phân tích độ trễ cho thấy việc tham gia vào WTO, các hiệp định tự do thương mại và chính sách tỷ giá sẽ có tác động lên xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong thời gian vận hành đủ dài. Kết quả nghiên cứu định tính cho thấy thực trạng sản xuất và xuất khẩu ngành chế biến gỗ nói chung và đồ gỗ nói riêng của Việt Nam trong thời gian qua đã có kết quả phát triển đáng kể. Việt Nam đã dần thể hiện được sự tự chủ trong nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Hoạt động sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của các doanh nghiệp đã có những phát triển nhất định về công nghệ và năng lực sản xuất để có thể mang về kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục qua các năm. Quá trình chuyển dịch xuất khẩu trong ngành gỗ đã đi theo hướng ngày càng xuất khẩu nhiều hơn đối với các sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao so với nhóm nguyên liệu gỗ có giá trị gia tăng thấp. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó, ngành hàng đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn có những hạn chế nhất định trong nguồn nguyên liệu, quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất và thương hiệu sản phẩm để tiếp cận thị trường. Với những định hướng về phát triển ngành chế biến gỗ của Việt Nam đến năm 2030, các hàm ý từ kết quả nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính về thực trạng nguồn nguyên liệu tại Việt Nam, các giải pháp cốt lõi mà Việt Nam cần tập trung để có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới được xác định bao gồm: nhóm giải pháp cho nguồn nguyên liệu, cho các doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, cho hoạt động xuất khẩu và các chính sách điều hành vĩ mô của chính phủ.
2. Những kết quả mới của luận án
Trên thế giới đã có những nghiên cứu về xuất khẩu các sản phẩm gỗ tiếp cận thông qua mô hình lực hấp dẫn trong TMQT và đã chỉ ra được các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ của các quốc gia. Các nghiên cứu mở rộng mô hình lực hấp trong TMQT dựa trên lý thuyết nền tảng của J.Tinbergen đã cho thấy mô hình này không bị bó hẹp bởi những giả thuyết mà cho phép khám phá, mở rộng tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của các quốc gia trong quá trình tham gia vào TMQT. Cho đến nay tại Việt Nam, đã có những nghiên cứu định lượng thống kê hoặc những nghiên cứu về thực trạng sản xuất và xuất khẩu của ngành chế biến gỗ. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu định lượng đầy đủ nào về các yếu tố tác động đến đồ gỗ xuất khẩu ra thị trường thế giới dựa trên nền tảng mô hình hấp dẫn thương mại để bổ sung các yếu tố phù hợp với tình hình của Việt Nam. Do đó, luận án nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam theo mô hình hấp dẫn thương mại dựa trên kết hợp cả nghiên cứu lượng và định tính sẽ có những điểm mới sau:
Thứ nhất, nhận diện để bổ sung những yếu tố mới tác động lên xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam theo cách tiếp cận mở rộng của mô hình hấp dẫn thương mại và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam;
Thứ hai, kết hợp những hàm ý từ kết quả nghiên cứu định lượng với những đánh giá thực trạng sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam từ nghiên cứu định tính để đề xuất những giải pháp phù hợp.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Về nghiên cứu định lượng, luận án chưa nghiên cứu cụ thể sự ảnh hưởng của các yếu tố đến xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đến một số thị trường trọng điểm, chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ như Hoa Kỳ và Châu Âu, để có thể đưa ra những gợi ý giải pháp phù hợp hơn cho từng thị trường. Về nghiên cứu định tính, luận án chưa phân tích các bối cảnh phát triển, cơ hội thị trường và các thách thức cho ngành gỗ để có những chiến lược phát triển phù hợp. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của luận án là nền tảng quan trọng cho định hướng nghiên cứu tiếp theo, đó là tiếp tục nghiên cứu sự ảnh hưởng của các yếu tố đến xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đến các thị trường trọng điểm và phân tích sâu các cơ hội, thách thức của thị trường gỗ để có những chiến lược phát triển toàn diện cho ngành gỗ Việt Nam.
Hãy là người bình luận đầu tiên