Tin tổng hợp

Chất lượng nguồn nhân lực: Thách thức lớn khi hội nhập

  • 19/04/2017
  • Ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra mắt, gồm 10 quốc gia với dân số hơn 630 triệu người. Trong đó, lực lượng lao động chiếm tỷ lệ hơn 50%, khoảng 322 triệu người. Điều này có nghĩa, thị trường lao động sẽ không còn phân định biên giới lãnh thổ, người lao động có chuyên môn sẽ có cơ hội di chuyển, tìm kiếm việc làm theo khả năng, nhu cầu bản thân.


        Hội nhập là tất yếu. Nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực Việt Nam đã sẵn sàng hay chưa? Và giải pháp nào cho nguồn nhân lực Việt khi hội nhập?

    Nước đã tràn đến chân 

        Theo số liệu của Tổng cục Thống kế, tính đến quý II năm 2016, cả nước có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp. Đáng chú ý, trong số này có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, cụ thể có 191.300 người có trình độ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng, 59.100 người có trình độ trung cấp. Qua đó cho thấy, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, được đào tạo qua trường lớp bài bản, nhưng có nhiều hạn chế về chất lượng, kỹ năng, khả năng hợp tác. Điều này, trong thời kỳ hội nhập càng tạo nên nhiều thách thức.

        Một con số khác của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2015 chỉ ra Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 các nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia lần lượt đạt 4,94 và 5,59 điểm. 

        Theo PGS.TS Trịnh Quốc Trung (Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thấp và có khoảng cách lớn với các nước trong khu vực. “Xét về năng lực cạnh tranh của các nước thuộc AEC, Việt Nam nói chung chỉ tốt hơn Lào, Campuchia và Myanmar. Cụ thể, về thể chế chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar; về cơ sở hạ tầng chỉ hơn Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar; về môi trường kinh tế vĩ mô chỉ hơn Lào, Myanmar trong khi thua xa các nước khác; về giáo dục và đào tạo cũng chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar” - Ông Trung nhấn mạnh.

        Những con số trên cho thấy, chúng ta không còn thời gian để mơ mộng “vươn ra biển lớn” bởi nước đã tràn đến chân mình.

    Nhân lực Việt Nam thiếu… đủ thứ?

        Nhân lực thời kỳ hội nhập như một ngôi nhà luôn mở cửa để đón gió, tức là trong tâm thế sẵn sàng đón cả những “cơn gió thách thức” từ bên ngoài. Mà nguồn nhân lực được đào tạo, có bằng cấp, trình độ học vấn từ đại học, cao đẳng trở lên bị tác động nhiều nhất.

        PGS.TSKH Phạm Đức Chính (Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM) đã chỉ ra thực trạng quản trị đội ngũ công chức ở Việt Nam với 4 vấn đề: Quy trình tuyển dụng cố định, cứng nhắc; Môi trường làm việc mang nặng tính dân chủ hình thức, không còn phù hợp; Chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập, lương trên danh nghĩa thì ít nhưng nhiều người “sống rất đàng hoàng”; Mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới thiếu thân thiện đến mức đáng báo động.

        Các nhà tuyển dụng cho rằng nguồn nhân lực trẻ Việt Nam có những đặc điểm nổi bật như cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn; tuy nhiên, đây mới chỉ là yếu tố “cần” chứ chưa “đủ” để hội nhập. Bà Võ Thị Ngọc Hường (Giám đốc nhân sự Saigon Co.op) cho biết mỗi năm Saigon Co.op có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.000 đến 3.000 nhân viên. Trong đó dành nhiều ưu tiên cho sinh viên mới ra trường, song đa số chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. “Sinh viên Việt Nam phần lớn có kiến thức chuyên môn tốt, có kỹ năng và khả năng hội nhập nhưng thiếu tính dấn thân, chịu trách nhiệm và tinh thần tự lực” - Bà Hường nhận xét.

    Thí sinh tham gia ngày hội Tư vấn tuyển sinh 2017. Ảnh: Đức Lộc

        Bày tỏ thái độ lo ngại về nguồn nhân lực trẻ, trong đó nhấn mạnh đến sinh viên, ông Giang Ngọc Phương (Phó TGĐ Công ty CP KCN Hiệp Phước) cho rằng người trẻ ngày nay quá mộng mơ, thiếu nhiệt huyết, thiếu tính cộng đồng và chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền. Ông Phương cho rằng điều này sẽ khiến những người lao động trẻ ở nước ta thua trên chính sân nhà khi hội nhập.

        Nhìn nhận xu hướng tuyển dụng, ông Nguyễn Đức Quỳnh (Giám đốc FPT Software) cho biết nhà tuyển dụng yêu thích những người lao động trẻ biết chấp nhận dấn thân và có EQ (chỉ số cảm xúc) cao. “Chúng tôi không dám chọn những ‘ngôi sao’ học đường, mà đặc biệt chú ý đến những sinh viên có khả năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Đó cũng là yêu cầu trong thời kỳ hội nhập” - Ông Quỳnh nhấn mạnh.

        Ở góc nhìn tổng thể hơn, ThS Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng có 3 vấn đề thách thức nguồn nhân lực Việt Nam trong thời kỳ hội nhập: Kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). 

        Ông Tuấn phân tích, hội nhập đồng nghĩa với việc người lao động phải có kiến thức, ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp. Ngoài ra, còn cần phải học về kỷ luật lao động công nghiệp, trang bị khả năng gánh chịu rủi ro.

    Đi tìm giải pháp hội nhập

        Từ thực trạng đáng quan ngại trên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp cho nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ hội nhập. 

        PGS.TS Trịnh Quốc Trung cho rằng, khi bàn về vấn đề nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn này điều cần quan tâm trước tiên không phải là người lao động nói chung mà cần phải xác định ưu tiên hàng đầu chính là đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ “tinh hoa” đang lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Những hiện tượng dưới nhiều tên gọi như “tìm người nhà thay cho người tài”, “những chữ ký hoàng hôn”, “chạy chức, chạy quyền, chạy đủ thứ”… đã và đang kéo đất nước đi xuống.

        “Việt Nam cần phải quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đãi ngộ và kiểm tra, giám sát nhằm tránh tình trạng những cá nhân vì những lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cho ngân sách, cho người lao động, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở Việt Nam có được đội ngũ ‘tinh hoa’, đội ngũ cán bộ, công chức ‘đàng hoàng, tử tế’ mới có khả năng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao nguồn nhân lực Việt Nam  hướng tới hội nhập” - Ông Trung thẳng thắn.

    Đại biểu tham dự Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế tại ĐHQG-HCM. Ảnh: Trang Minh

        Câu chuyện thứ hai dành cho “tam giác” nhà trường - sinh viên - doanh nghiệp. Giai đoạn hội nhập kinh tế và thị trường lao động, yếu tố cạnh tranh lớn nhất chính là con người. Do đó, mỗi bên cần thực tế hơn.

        Về phía nhà trường cần thực tế hơn trong đào tạo giúp sinh viên bớt “xa lạ” giữa học và làm; đẩy mạnh việc đào tạo ngoại ngữ; xác định mục tiêu của hệ thống đào tạo: Đào tạo  để đi làm thuê, đào tạo để khởi nghiệp và đào tạo để quản lý nhà nước theo hướng “kiến tạo, phục vụ và phụng sự”. 

        Về phía sinh viên cần ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp, bởi không có chuyện hội nhập “ngồi mát ăn bát vàng”.

        Và doanh nghiệp Việt Nam phải tạo điều kiện cho chính người lao động Việt Nam, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. Mỗi doanh nghiệp muốn cạnh tranh được phải có tầm nhìn dài hạn về nguồn nhân lực, có môi trường làm việc tốt, có chế độ đãi ngộ hợp lý, bởi hội nhập sinh viên ước mơ “lương 2.000USD” không còn quá bất ngờ.

        TS Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG-HCM) cho rằng “tam giác” nhà trường - sinh viên - doanh nghiệp cần tiếp cận, trao đổi nhiều hơn. “Làm sao sinh viên Việt Nam tìm được việc làm trên đất nước Việt Nam. Và doanh nghiệp Việt Nam thu hút được người lao động trên chính đất nước mình, đó cũng là một phần của hội nhập” - Ông Nghĩa nhấn mạnh.

        Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nhìn chung còn quá thấp so với các nước trong khối ASEAN. Chúng ta có lợi thế về lao động dồi dào và giá rẻ, tuy nhiên trong thời kỳ hội nhập đây không phải là lợi thế lâu dài, bền vững. Khi việc di cư lao động tự do và sôi động thì nguy cơ thua trên sân nhà là rất lớn. Thách thức đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, hướng đến một Việt Nam đủ sức cạnh tranh khi tự do mở cửa.

     ĐHQG-HCM có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên hội nhập

        Là thành viên của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN), ĐHQG-HCM đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên hội nhập.

        Về học thuật: Tham gia hệ thống chuyển đổi tín chỉ ACTS; dẫn đầu cả nước trong công tác kiểm định với hơn 30 chương trình đạt chuẩn khu vực ASEAN, châu Âu, Hoa Kỳ. Đây được xem là “giấy thông hành” cho sinh viên tốt nghiệp tham gia các chương trình học bổng do AUN thông báo.

        Về hoạt động, phong trào: Diễn đàn Văn hóa thanh niên Đông Nam Á; Diễn đàn Thủ lĩnh sinh viên ASLF; Diễn đàn Giáo dục và cuộc thi Nhà hùng biện trẻ; Chiến dịch Mùa hè xanh tại Lào…

        Về liên kết, hợp tác: Là thành viên chính thức của Liên mạng thư viện điện tử AUNILO từ năm 2009; Ký kết hợp tác với các trường đại học…


    ĐỨC LỘC thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên