Tin tổng hợp

Chuyện về ngày 30/4 lần thứ 40

  • 10/06/2015
  • Hàng năm cứ đến ngày 30/4, lại có thêm những “khái niệm” mới về sự kiện lịch sử ấy. Lần thứ 40 này chẳng hạn, có nhiều cách để gọi một ngày vui, có nhiều cách để hiểu một chiến thắng, do vậy cũng cần hiểu thêm về nền thống nhất Việt Nam.
     

    40 năm Sài Gòn đổi thay. Ảnh: Internet.

    Ngày 30/4 là ngày…

    Vào bảo tàng sẽ thấy: Tờ lịch để bàn của tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 ghi sự kiện “Giải phóng Sài Gòn - 11:30”; còn tờ lịch treo tường của bà Nguyễn Thị Tính - người dân Sài Gòn ngày 30/4/1975 ghi thêm chữ “Ngày giải phóng”.

    Các cựu chiến binh vẫn quen gọi ngày 30/4 là ngày chiến thắng vì họ đã là người tham chiến với kết quả thắng đối phương là kẻ đi xâm lược; lại có anh gọi đó là ngày tái sinh vì đôi ba lần sốt rét giữa rừng sâu, có cả lần qua cơn sốt ác tính, nhưng rồi vẫn theo kịp đồng đội tràn về thành phố trong trận đánh cuối cùng.

    Mẹ hiền ở hậu phương miền Bắc gọi ngày 30/4 là ngày đoàn tụ vì bao hy vọng chờ đợi nay được gặp con từ tiền tuyến miền Nam trở về; lại có người vợ gọi đó là ngày hạnh phúc vì được ôm người chồng bao năm đằng đẵng “xa nhà đi kháng chiến”.

    Người đi qua sông Hiền Lương ra Bắc gọi ngày 30/4 là ngày thống nhất non sông khi đã chấm dứt cảnh chia cắt hai miền; lại thấy những người trên tàu Thống Nhất về Nam gọi đó là ngày Bắc - Nam sum họp khi nhẩm tính đã 20 năm chuyển quân tập kết.

    Nhà nghiên cứu gọi ngày 30/4 là ngày đại thắng vì so sánh bao nhiêu cuộc chiến bấy nhiêu thắng lợi vẫn thấy đây là chiến thắng lớn nhất, oanh liệt nhất, có tầm vóc lịch sử lớn lao cả trong và ngoài nước; lại thấy lớp nam thanh nữ tú đang hăm hở trên các công trường, nhà máy, giảng đường kia hay gọi đơn giản đó là ngày hòa bình vì chiến tranh đã chấm dứt…

    Đất nước thống nhất 40 năm vẫn chọn ngày vui ấy làm ngày nghỉ lễ, để người dân cả nước có dịp nghỉ ngơi, du lịch, mua sắm… Thế mà vẫn còn đôi ba người ở đâu đó cứ ôm hận thù gọi “ngày quốc hận” cho nặng lòng. Họ vẫn thấy đại diện chính phủ các quốc gia mà họ định cư vẫn đến Đại sứ quán Việt Nam chúc mừng ngày lễ truyền thống của dân tộc, nhưng sao họ không gỡ bỏ được niềm đau buồn về thời chiến tranh đã qua rồi, mặc dù các thế hệ con cháu đã không đồng tình và nhắc nhở họ thôi mặc cảm với quá khứ.

    Chiến thắng 30/4 là chiến thắng…

    Sách lịch sử bấy lâu vẫn ghi chiến thắng 30/4 là chiến thắng của sức mạnh tổng tiến công và nổi dậy của cả dân tộc khi cuộc kháng chiến trường kỳ đã phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam thời hiện đại. Hình ảnh năm cánh quân theo đội hình binh chủng hợp thành với hàng chục vạn quân cùng vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, hành quân thần tốc “một ngày bằng hai mươi năm”, đã khẳng định sức mạnh của chiến tranh cách mạng Việt Nam kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc chiến theo cách của mình. Sức mạnh Việt Nam lúc ấy còn là sức mạnh từ hậu phương tất cả vì tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng, cả nước ra trận theo kế sách toàn dân đánh giặc trong thời đại Hồ Chí Minh. Có cả sức mạnh đoàn kết quốc tế, sự giúp sức của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cu Ba và nhiều nước anh em, bạn bè khác cùng với phong trào thế giới đoàn kết với Việt Nam kháng chiến vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc… Như thế chiến thắng 30/4 là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp Việt Nam.

    Bấy lâu vẫn có lời giải đáp về việc Sài Gòn còn nguyên vẹn trong ngày kết thúc chiến tranh, rằng đó là kết quả của quá trình chuẩn bị cho những hoạt động nổi dậy của các lực lượng chính trị, trong đó có cả lực lượng thứ ba, đặc biệt là thành công của công tác binh vận... Nhưng cần hiểu rõ rằng đây là kết thúc một cuộc chiến tranh hiện đại, đánh bại cuộc chiến tranh thực dân mới sau 20 năm Mỹ đầu tư lớn vào chiến trường miền Nam Việt Nam, sức mạnh quân sự là quyết định nhất cho vấn đề thắng - thua trong chiến tranh; do đó không được đánh giá thấp sức mạnh quân sự Việt Nam, đặc biệt là trong trận cuối cùng.

    Lại có người đặt vấn đề “Ai đã cứu Sài Gòn?”. Khi còn chiến tranh, người ta tuyên truyền về cảnh “tắm máu” ở Sài Gòn; khi thấy hình ảnh năm cánh quân cách mạng áp vào đô thành, sào huyệt chế độ cũ, người ta lại suy ra cảnh “đổ nát” của Sài Gòn để nói đến “giải pháp cứu Sài Gòn” qua việc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống - Đại tướng Dương Văn Minh. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng giải thích: “Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28/4/1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông ‘tử thủ’, chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn”. Sự lựa chọn của người đứng đầu chính quyền và quân đội Sài Gòn ngày 30/4 là không thể khác được - một hành động đúng thời điểm lịch sử “đã góp phần làm giảm bớt tổn thất của cuộc chiến tranh” khi 5 cánh quân đã sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy chiến dịch: “Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch”.

    Thống nhất và hòa hợp dân tộc

    Chuyện kể rằng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn ngay từ khi Hiệp định Paris chuẩn bị ký kết đã hỏi và tự trả lời: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc”.

    Nhưng Việt Nam sau chiến tranh khốc liệt và kéo dài, không tránh khỏi những sự khác biệt về nhận thức, định kiến về những vấn đề quá khứ, tư tưởng giáo điều ý thức hệ rất nặng nề, nhất là các vấn đề kẻ thắng - người thua, ta - địch; lại khi trong nước còn nhiều khó khăn, công việc của đất nước sau chiến tranh bề bộn và nhiều phức tạp éo le; ngoài nước thì bao vây cấm vận quyết liệt, nước lớn kiềm chế, người bỏ nước ra đi nặng lòng thù hận…
     

    Sài Gòn hôm nay đã thay da đổi thịt. Ảnh: Internet.

    Điều có thực là ngay sau ngày 30/4/1975, ông Dương Văn Minh trở về nhà trong niềm “hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập”. Nhiều người thuộc các lực lượng chính trị ở Sài Gòn sau giải phóng được giữ lại: các giáo sư, nhà khoa học tiếp tục giảng dạy ở các đại học, viện nghiên cứu, các nhà kinh tế, kinh doanh, những nhân vật cao cấp thuộc chính quyền ở dinh Độc Lập đều được tôn trọng, để họ được tự do hoặc được đối xử ôn hòa. Nhiều người ra đi vì các lý do khác nhau, kể cả trở thành văn nghệ sĩ, nhạc sĩ hải ngoại, hễ có nhu cầu đều được giải quyết trở về quê hương, đóng góp với đồng bào trong nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Ấy bởi người Việt Nam - như cách bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã nói: “Sau chiến tranh, chúng ta đã ứng xử với kẻ gây ra chiến tranh theo đạo lý gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, thì không có lý gì người trong một nước không thể hòa giải thương yêu, đoàn kết với nhau để cùng xây dựng quê hương, Tổ quốc mình”.


    PGS.TS Hà Minh Hồng

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên