Hợp tác & chuyển giao công nghệ

ĐHQG-HCM giúp tỉnh Bến Tre chống hạn, mặn

  • 31/03/2016
  • Sáng 30/3, đoàn ĐHQG-HCM có buổi làm việc với UBND tỉnh Bến Tre về việc chống hạn, xâm nhập mặn. Tham dự có PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐHQG-HCM cùng đại diện các phòng ban và trường thành viên trực thuộc.

    Hạn, mặn chưa từng có trong 100 năm nay

    Ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết: “Bến Tre đang bị tác động của hạn hán, xâm nhập mặn chưa từng thấy trong vòng 100 năm trở lại. Nó ảnh hưởng đến đời sống bà con nông dân, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tỉnh Bến Tre đã có nhiều biện pháp một cách căn cơ tuy nhiên vẫn ở mức độ tạm thời, rất cần sự hỗ trợ của những nhà khoa học đến từ ĐHQG-HCM để giải quyết bền vững”.

    PGS.TS Phan Thanh Bình đi khảo sát hạn, mặn tại huyện Giồng Trôm

    Trực tiếp đi khảo sát tại hai địa điểm bị hạn, mặn ở huyện Giồng Trôm, PGS.TS Phan Thanh Bình khẳng định: “Tình hình hạn, mặn xảy ra tại Bến Tre nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung là điều mà cả nước lo lắng. ĐHQG-HCM với nhiều khoa, trung tâm chuyên sâu, nhiều nhà khoa học sẽ có trách nhiệm giúp người dân Bến Tre chống hạn, mặn. ĐHQG-HCM sẽ đưa công nghệ để gắn với lợi ích cộng đồng”.
    Những giải pháp ngắn, trung và dài hạn

    Các nhà khoa học trực thuộc ĐHQG-HCM đưa ra nhiều giải pháp chống hạn, mặn cho người dân ĐBSCL. Trong đó không chỉ đưa ra giải pháp trước mắt mà còn hướng đến các đề án dài hơi trong tương lai.

    PGS.TS Mai Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa đề xuất hai hướng xử lý: Thứ nhất là việc “ngọt hóa” từ nước mặn và tái sử dụng nguồn nước thải. Cả hai phương án này ĐHQG-HCM đã làm được. Thứ hai, là vấn đề lưu trữ nước ngọt từ nước mưa và đưa nước từ thượng nguồn về.

    PGS.TS Huỳnh Đại Phú (Khoa Công nghệ Vật liệu - ĐH Bách Khoa) đưa ra giải pháp sản xuất túi chứa nước ngọt bằng PE. Ông cho rằng: “Túi chứa nước ngọt chống bay hơi nước, giá thành rẻ, sử dụng liên tục trong vòng 10 năm, và là một trong những phương án mà nhiều nước trên thế giới đã triển khai”.

                                  PGS.TS Huỳnh Đại Phú chia sẻ về giải pháp làm túi chứa nước.


              PGS.TS Phan Thanh Bình mong muốn: “Trong thời gian tới Khoa Công nghệ Vật liệu sẽ sản xuất và tặng cho người dân Bến Tre sử dụng trước”.

    Đại diện của Trường ĐH Kinh tế - Luật mong muốn giúp người dân tỉnh Bến Tre đánh giá, đo lường những thiệt hại do hạn, mặn gây ra, từ đó có thể dự báo, chọn được phương án thích hợp để khắc phục.
    Thích nghi để tồn tại

    “Đừng quá trông chờ vào việc Trung Quốc hay Lào xả nước cứu hạn, mặn mà ngay từ bây giờ chúng ta phải tự cứu lấy mình bằng việc thích nghi để tồn tại” - Ths Hồ Long Phi (Giám đốc Trung tâm Quản lí nước và biến đổi khí hậu ĐHQG-HCM) nhấn mạnh.

    Tình trạng hạn, mặn xảy ra ở hiện tại vẫn có thể cứu vãn, thậm chí là phát triển tốt nếu biết kiểm soát và thích nghi bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

    Ths Hồ Long Phi đề xuất những giải pháp tương lai cho tỉnh Bến Tre.

     Ông Phi phân tích: Ví dụ như thực hiện chuyển đổi nông nghiệp, trồng giống lúa chịu mặn, luân canh lúa - tôm, bởi tương lai nước mặn sẽ lấn át nước ngọt. Tuy nhiên vấn đề ở đây là làm sao cho người dân hiểu “chuyện trăm năm sau”. “Người nông dân chỉ nghĩ mùa sau nuôi con gì, trồng cây gì chứ họ chưa quan tâm đến chuyện 100 năm sau sẽ như thế nào. Vì thế cần làm cho họ hiểu câu chuyện trăm năm bằng những biện pháp thúc đẩy chuyển đổi một cách mềm dẻo”.

    Tổng kết lại buổi làm việc, PGS.TS Phan Thanh Bình giao trực tiếp cho các đơn vị trực thuộc thực hiện những biện pháp đã thỏa luận và nhất trí. ĐHQG-HCM sẽ lấy kinh phí từ ba nguồn: Nghiên cứu khoa học; Chương trình ĐBSCL; Bộ Khoa học và Công nghệ để hỗ trợ người dân Bến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung chống hạn, mặn.

                                                                                                                                     Bài, ảnh: Đức Lộc
     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên